02/01/2025

VN cần 2-3 trung tâm tài chính lớn

Để có được TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính sánh tầm khu vực, Chính phủ phải xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt thực hiện.

 

VN cần 2-3 trung tâm tài chính lớn

Để có được TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính sánh tầm khu vực, Chính phủ phải xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt thực hiện.

 

 

 

VN cần 2-3 trung tâm tài chính lớn
Ông Phạm Phú Quốc – Ảnh: Nam Trần

“Hướng xa hơn phải hình thành một bộ luật, không chỉ dành cho TP.HCM mà dành cho các trung tâm khác ở cả nước. Khi đó đất nước mới có những điểm sáng, kết nối với nhau

Ông PHẠM PHÚ QUỐC

Trả lời Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc - tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM – nói như vậy khi đề cập đến nội dung nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, đã và đang được thường vụ Thành ủy TP.HCM thảo luận để trình lên Quốc hội. Ông Quốc nói:

– Đất nước phải có 2-3 trung tâm kinh tế tài chính lớn mới nâng được thứ hạng quốc gia lên. Khi đặt ra mục tiêu rồi, Chính phủ cần xem đây là nhiệm vụ của mình, chủ trì xây dựng một đề án triển khai, trên cơ sở đó giao việc cho các bộ ngành cũng như phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện

Cần chủ động đề nghị

* Chính phủ vừa có nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP.HCM. Vì sao vẫn cần một nghị quyết nữa của Quốc hội, thưa ông?

– Nghị định 48/2017 về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù chỉ tập trung về tài chính – ngân sách, chưa bao trùm được các chính sách cần dành cho TP.HCM – một trung tâm kinh tế đặc thù trọng điểm phía Nam, hướng tới trung tâm khu vực.

Do đó TP.HCM phải chủ động xây dựng đề án đưa TP trở thành trung tâm kinh tế tài chính khu vực, từ đó sẽ xác định TP đang cần gì và thiếu các chính sách hỗ trợ nào.

Đi sâu vào nghị định 48/2017, tôi thấy không có gì đột phá so với chính sách dành cho các khu hành chính kinh tế đặc biệt như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong.

Thứ nhất, nghị định cho phép là tăng trần huy động vốn là 70% trên tổng thu ngân sách được giữ lại (trước đây là 60%). Tính ra là tăng hơn 6.000 tỉ, đạt khoảng 42.000-43.000 tỉ. Số tiền này thật sự quá nhỏ bé so với nhu cầu TP.

Thứ hai là nghị định quy định TP được tiếp cận nguồn vay ưu đãi, nhưng cái này vẫn phải “xin – cho”, cũng không khác biệt gì.

Thứ ba, TP được tái cấp ngân sách từ trung ương với những dự án lớn. Cái này các tỉnh khác cũng làm được, chưa có gì đặc thù. Chỉ có một điểm mới là quy định doanh nghiệp tự vay tự trả, không thuộc giới hạn của trần nợ công. Tôi nghĩ đây là một cái mới và hay, một lối thoát cho TP nếu tận dụng được.

* Vậy muốn TP.HCM thành một trung tâm tài chính, phát triển đột phá, theo ông cần thêm điều gì?

– Muốn TP.HCM phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực phải có những quy định đột phá hơn hiện nay, vượt tầm TP, bao gồm một tầm nhìn chiến lược dài hạn, có quy hoạch ngang tầm khu vực và cơ chế hội nhập sâu rộng với thế giới.

Những đòi hỏi đó TP.HCM không thể tự đứng ra làm được mà phải là trung ương. Qua đó mới tập trung được, mời gọi các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu thế giới về TP làm việc, các nhà đầu tư tầm cỡ rót vốn vào…

Những chuyện này Chính phủ làm chứ chính quyền địa phương không làm nổi. Trung ương phải xem câu chuyện của TP là của cả nước, vì cả nước.

Thế giới nhắc đến kỳ tích phố Đông ở Thượng Hải là nhắc đến quá trình cả đất nước Trung Quốc cùng chuyển mình chứ đâu phải chỉ mình Thượng Hải.

Cần coi lại các nước có những trung tâm tài chính trọng điểm đã làm thế nào, từ đó để học kinh nghiệm.

Thứ hai, phải xem lại luật tổ chức chính quyền địa phương, luật tổ chức Chính phủ, xem những quyền hành nào nên giao lại cho chính quyền địa phương.

Cần làm đồng bộ, có nghĩa bản thân TP.HCM cũng phải tổ chức lấy ý kiến về đề án thật khoa học, nghiêm túc, sau đó trình với trung ương.

Từ đó, trung ương thấy nhiệm vụ nào mình phải làm, nhiệm vụ nào bộ ngành phải làm, 
TP được phân cấp làm.

VN cần 2-3 trung tâm tài chính lớn
Cần phải xây dựng TP.HCM thành trung tâm kinh tế – tài chính lớn và cả nước cần có 2-3 trung tâm như thế để nâng cao vị thế đất nước. Trong ảnh: một sàn giao dịch chứng khoán tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Cần nhìn vào thực tiễn TP.HCM hiện tại

* Thực tế TP còn rất nhiều vấn đề của một đô thị: kẹt xe, ngập nước, thiếu vốn… Điều này có mâu thuẫn gì với định hướng lớn lao đưa TP trở thành trung tâm khu vực, thế giới?

– Một quốc gia muốn nâng vị trí của mình không thể không có trung tâm tài chính kinh tế ngang tầm khu vực và thế giới được. Do đó, trung ương phải có trách nhiệm để thúc đẩy chứ không chỉ mãi băn khoăn về hiện tại.

Các đô thị, vùng kinh tế bao giờ cũng có mặt được và chưa được. TP nhìn rất rõ những mặt chưa được, đó là eo hẹp về ngân sách, dân số đông, đầu tư không đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế…

Hướng tới cơ chế đặc thù TP đang cần: thứ nhất là ngân sách, nếu TP được giữ lại toàn bộ nguồn thu của địa phương để tập trung đầu tư phát triển, tình hình sẽ khác.

Thứ hai là tốc độ, thời gian quyết định các dự án, xử lý nguồn vốn… Cần nhìn vào thực tiễn của TP hiện tại, xem có khúc mắc và giải pháp nào và phải hành động quyết liệt, chứ không thể thả trôi qua các nhiệm kỳ.

Chưa phát huy hết nghị quyết của Bộ Chính trị

* Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM đề xuất cơ chế. Phải chăng việc thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị chưa 
thật tốt?

– Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 rất rộng, nếu thực hiện được TP sẽ phát triển rất tốt. Tuy nhiên, có vẻ trung ương lẫn TP đều chưa thật sự quyết liệt, đeo bám để đưa nội dung của nghị quyết này thành hiện thực.

Phải đặt ra ước mơ lớn, chung tay và kiên trì thực hiện. Do đó, lần này TP cần chủ động tham mưu, xây dựng một dự án thật thuyết phục, khoa học để Chính phủ cùng vào cuộc.

VIỄN SỰ thực hiện