02/01/2025

Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa

Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, quê Đắk Nông) bị dị tật từ khi mới lọt lòng. Đôi bàn tay cong vẹo, bé xíu không cầm nắm được gì, đôi chân cũng nhỏ như những đứa trẻ lên 5. Thế nhưng cô đã tạo nên một kỳ tích.

 Chạm vào ước mơ cùng Báo Thanh Niên

Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa

Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, quê Đắk Nông) bị dị tật từ khi mới lọt lòng. Đôi bàn tay cong vẹo, bé xíu không cầm nắm được gì, đôi chân cũng nhỏ như những đứa trẻ lên 5. Thế nhưng cô đã tạo nên một kỳ tích.




Huyền xúc động trong giây phút bất ngờ gặp cha và em gái tại sân khấuẢNH: KHẢ HOÀ

Năm 7 tuổi Huyền bắt đầu học lớp tình thương tại xã. Sau vài tháng, lớp đóng cửa nên Huyền phải nghỉ học. Không nản chí, Huyền nhờ anh chị chỉ cách viết chữ, làm toán để tự học. Đến năm 15 tuổi, được sự giúp đỡ của một cán bộ xã, Huyền được trở lại trường và bắt đầu từ chương trình lớp 4.
Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - ảnh 1

VIDEO: Học sinh cấp 3 rơi nước mắt trước câu chuyện của nữ sinh ‘yêu quái” Nguyễn Thị Huyền
 

Cô nàng… “yêu quái” !
Với vẻ ngoài khác những đứa trẻ bình thường nên Huyền thường bị bạn bè trêu ghẹo khiến cô không ít lần tủi thân. Huyền tâm sự: “Đi học từ lớp 4 đến lớp 10 nhưng Huyền không có một người bạn, lúc nào cũng lủi thủi một mình. Các bạn cứ chỉ mình rồi gọi là… người ngoài hành tinh. Nhiều lần ngồi viết bài, bạn lấy cây viết của mình quăng xuống đất, mà mình cúi không được nên các bạn nhìn vậy cười phá lên. Đến lớp 10, bạn bè còn chỉ thẳng vào mình rồi nói… yêu quái biến hình. Buồn lắm!”.
 
 
Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - ảnh 3
Em thương chị Huyền quá.
Chị đã giúp em có thêm niềm tin và động lực để cố gắng thi đậu đại học. Em hy vọng chị sẽ được vui vẻ, hạnh phúc và sống thật tốt sau tất cả những nỗ lực của chị.

Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - ảnh 4
 
Như Quỳnh, lớp 12A5, Trường THPT Nhân Việt
 

Nhưng Huyền vẫn cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ. Ngày nghe tin con đậu đại học, cha mẹ Huyền vừa mừng vừa lo, phần vì nghĩ tới chuyện cô phải một thân một mình ở nơi xa lạ, phần vì hàng xóm nói ra nói vào: “Người ta lành lặn học đại học xong còn không có việc làm, con Huyền nó vậy, học ra ai nhận”. Nhưng thương con, thương ước mơ đi học của con, gia đình đã để Huyền lên TP.HCM làm hồ sơ nhập học.

Huyền là con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. Mẹ Huyền có thời gian bị liệt nên mất sức lao động, tất cả gánh nặng cơm áo gạo tiền phụ thuộc vào đồng lương thợ mộc ít ỏi của người cha đang mang trong mình căn bệnh hở van tim.
Để chăm lo được cho cả gia đình và tiền học phí đại học của con gái, cha của Huyền còn phải tranh thủ hái cà phê, hái tiêu thuê mỗi khi vào vụ.
Hiện Huyền là sinh viên năm 3, Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) và năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường như Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, đi thăm các mái ấm, nơi nuôi dưỡng người già neo đơn. Để gia đình bớt gánh lo toan, Huyền đã bán thẻ wifi ở ký túc xá đại học, mỗi tháng kiếm được từ 700.000 – 1,2 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt.
Diễn giả truyền lửa trước mùa thi
Vượt khó để học, Huyền còn mang trong mình ước mơ cháy bỏng được giống anh chàng Nick Vujicic đem câu chuyện của mình truyền nghị lực sống đến mọi người.
Ngày 30.5, ê kíp Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) tổ chức buổi toạ đàm Tinh thần mùa thi với khách mời là Nguyễn Thị Huyền cùng thạc sĩ – diễn giả Nguyễn Thị Mộng Tuyền. Để tặng thêm “món quà” bất ngờ cho cô diễn giả nhỏ bé, ê kíp thực hiện chương trình đã bí mật đón cha và em của Huyền là ông Nguyễn Đức Danh (60 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Diễm (17 tuổi) từ Đắk Nông xuống TP.HCM chứng kiến Huyền “chạm vào ước mơ” của mình.
Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - ảnh 6

Các nữ sinh lớp 12 trường Nhân Việt rơi nước mắt trước câu chuyện đầy nghị lực của Nguyễn Thị Huyền

Sau phần mở màn của diễn giả Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Huyền bước ra sân khấu để kể lại câu chuyện của mình. Huyền bắt đầu bài thuyết trình bằng cái giọng nghèn nghẹn, như thể bao nhiêu cảm xúc bị dồn nén chỉ chực chờ để tuôn ra. Huyền kể về ba, về mẹ và người em gái nhỏ. Hình ảnh người cha già ngày ngày đưa đón con gái đi học hay mỗi bận người đàn ông với mái tóc muối tiêu còng lưng cõng cô con gái tật nguyền lên xuống cầu thang…
Trên sân khấu, Huyền xúc động miên man kể, trước 150 em học sinh lớp 12, mà không biết rằng cha và em gái chỉ đang ở cách vài bước chân, chăm chú theo dõi những lời kể chuyện của cô.
Khoảnh khắc đó, Huyền không còn là một cô gái ngồi trên xe lăn, mà là một diễn giả khi kể về gia đình, về cuộc đời với một nghị lực to lớn. Nhiều học sinh lớp 12 đã rơi nước mắt trước nghị lực của cô gái trong một câu chuyện bình dị và lắng đọng.
Huyền kể: “Động lực khiến mình sống tốt suốt thời gian qua là câu nói của ba, rằng không cần con gái ba phải học quá giỏi, chỉ cần con sống lạc quan, yêu đời là được”. Rồi khi Huyền chia sẻ, ước gì có ba mẹ ở đây để lắng nghe cô nói, một người đàn ông dáng người khắc khổ từ dưới hàng ghế khán giả bỗng đứng lên. Vài giây sững sờ, Huyền nheo mắt, tay chân co quắp lại mừng rỡ và hạnh phúc!
Ba cha con nhìn nhau, chẳng ai nói với ai lời nào, chỉ ánh nhìn đầy trìu mến, đầy tình yêu thương thôi đã khiến những người có mặt phải bật khóc. Ước mơ của cô gái nhỏ đã trở thành sự thật trong niềm hạnh phúc của người cha.
Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - ảnh 7

Em gái của Huyền cũng xúc động vì gặp lại chị mình và sự cố gắng không ngừng nghỉ của Huyền

Nguyễn Thị Ka My (lớp 12A1) chia sẻ: “Em cảm thấy bản thân mình may mắn hơn rất nhiều người. Em có đầy đủ chân tay, được ăn học đến nơi đến chốn mà nhiều lúc còn lười biếng, không chịu học bài. Vậy mà chị Huyền, một người khuyết tật lại có thể làm nhiều thứ đến như vậy. Em ngưỡng mộ chị lắm”. Còn Như Quỳnh (lớp 12A5) nghèn nghẹn: “Em thương chị Huyền quá. Chị đã giúp em có thêm niềm tin và động lực để cố gắng thi đậu đại học. Em hy vọng chị sẽ được vui vẻ, hạnh phúc và sống thật tốt sau tất cả những nỗ lực của chị”.
Thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, nghẹn ngào: “Huyền gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng không chùn bước mà luôn nỗ lực vươn lên. Huyền không chỉ truyền nghị lực sống cho các em lớp 12 mà còn lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời cho tất cả những người có mặt hôm nay”.
Chợt nhớ một câu trong bài thơ Huyền đọc lúc trước: “Vì con ba héo mòn, vì con và vì con…”. Người đàn ông của gia đình kia, người cha của 2 cô con gái, tay xách túi trái bơ vừa hái vội trong vườn chiều hôm qua đem lên làm quà cho con gái yêu, tay còn lại quệt vội dòng nước mắt đang chảy dài…
Chương trình Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên mong muốn biến những ước mơ trở thành sự thật để giúp những hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Từ số đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên trang http://thanhnien.vn, YouTube và Facebook Báo Thanh Niên ngày 21.12.2016, đến nay Chạm vào ước mơ đã thực hiện đến số thứ 4. Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục đồng hành với các bạn trẻ khó khăn, không ngại gian khổ để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời của chúng ta.
Trong chương trình, PV Thanh Niên thay mặt một nhóm nhà hảo tâm giấu tên trao tặng Huyền một suất học bổng trị giá 10 triệu đồng, ngoài ra để Huyền tập trung việc học trong 1,5 năm còn lại của quãng đường đại học, nhóm mạnh thường quân cũng sẽ hỗ trợ Huyền 2 triệu đồng/tháng.

 

Vũ Phượng – Lưu Trâ