04/01/2025

Xếp hạnh kiểm học trò, cô thì bênh, cô thành ‘la sát’

Bao giờ cũng thế, việc xếp loại hạnh kiểm cho học sinh cuối năm học luôn tạo ra áp lực, căng thẳng và mệt mỏi cho nhiều giáo viên.

 

Xếp hạnh kiểm học trò, cô thì bênh, cô thành ‘la sát’

 Bao giờ cũng thế, việc xếp loại hạnh kiểm cho học sinh cuối năm học luôn tạo ra áp lực, căng thẳng và mệt mỏi cho nhiều giáo viên.

 

 

Xếp hạnh kiểm học trò, cô thì bênh, cô thành 'la sát'

Bởi hạnh kiểm không dựa trên định lượng để xếp loại như học lực, mà hoàn toàn theo định tính, mặc dù cũng có một số quy định của nhà trường.

Với học sinh đạt hạnh kiểm tốt thì đơn giản nhưng khi xét hạnh kiểm trung bình, yếu nhiều khi giáo viên thường nổ ra xung đột bởi “chín người mười ý”. Người muốn du di cho các em để tạo cơ hội mới, người lại tỏ ra quá hà khắc để “làm bài học nhớ đời”.

Mỗi trường mỗi kiểu

Các trường THPT khi xếp loại hạnh kiểm học sinh thường dựa trên quy định của thông tư 58 về việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh bậc THCS và THPT. Tuy thế, nhiều trường THPT hiện nay vẫn tự đề ra những quy định riêng của trường mình để làm căn cứ khi đánh giá xếp loại.

 

Trong số những quy định ấy, có không ít những lỗi được cho là tiểu tiết không thuộc về bản chất, nên khi áp dụng vào xếp hạnh kiểm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của không ít học sinh gây nên sự bất bình và bao nỗi tiếc nuối cho các em.

Hàng loạt quy định được ban ra như nghỉ học một buổi không xin phép, bị ghi tên vào sổ đầu bài, mặc sai đồng phục, đi học trễ… hạ một bậc hạnh kiểm. Rồi đánh nhau với bạn, nói tục chửi thề, vô lễ với thầy cô, quay tài liệu trong khi thi, sử dụng điện thoại trong giờ học… hạ hai bậc hạnh kiểm.

Quy định đề ra để học sinh biết và tuân thủ một cách nghiêm túc cũng là một cách giáo dục. Có những em phạm lỗi có tính hệ thống hết lần này đến lần khác nhưng không bao giờ biết sửa chữa thì việc hạ hạnh kiểm cũng chẳng có điều gì phàn nàn. Hoặc có em phạm những lỗi như thường xuyên vô lễ với thầy cô có lẽ cũng khó tha thứ. Nhưng không ít em vô tình phạm lỗi, hoặc đã biết hối cải mà cuối năm vẫn bị hạ hạnh kiểm mới thật tội.

Căng như khi xét hạnh kiểm

Khi xét hạnh kiểm học sinh, ngoài giáo viên chủ nhiệm còn có giáo viên bộ môn, giám thị và ban giám hiệu nhà trường. Nếu giáo viên chủ nhiệm dễ chịu, học sinh được nhờ, bởi ý kiến của người trực tiếp quản lý học sinh bao giờ cũng được lưu tâm nhiều nhất.

Ngặt nỗi giáo viên chủ nhiệm khắt khe cùng với giám thị khó tính xem như học sinh phạm lỗi chẳng có cơ hội được du di. Có giáo viên “bật mí”: “Nhiều khi một bậc hạnh kiểm mà cân lên đặt xuống biết bao lần. Cá nhân tôi nghĩ nhà trường là nơi giáo dục cần giơ cao đánh khẽ, có phải tòa án đâu mà chỉ biết luận tội và kết án”.

Có giáo viên nói: “Cũng chỉ vì xét hạnh kiểm cho học sinh mà không ít giáo viên mâu thuẫn với nhau. Người này được cho là “bênh học sinh chằm chằm chỉ tội làm nó hư”. Người kia mang tiếng là “la sát” khi không biết thương học trò”.

Chuyện học sinh mắc lỗi hay vi phạm nội quy nhà trường cũng là điều dễ hiểu, bởi dù sao các em vẫn đang ở độ tuổi ăn, tuổi học. Nhưng đem những quy định ấy để quy kết đạo đức một con người là tốt hay xấu có điều gì đó không ổn. Đánh giá cả một nhân cách con người, nhất là trong thời kỳ nhân cách ấy đang hình thành và phát triển chỉ thông qua những quy định như đi học trễ, nghỉ học không phép… như thế thì thật là bất công.

3 câu chuyện

Em H., học sinh một trường trung học, nhà ở cách xa trường 30km. Mỗi ngày đến trường em thường đi xe buýt, cũng có nhiều hôm do xe hư, xe đến trễ giờ đương nhiên em phải vào lớp trễ. Chẳng cần biết hoàn cảnh hay lý do gì, cuối năm hạnh kiểm của em không được xếp loại tốt dù lực học em rất giỏi. Ước mơ bao năm em sẽ thi vào trường an ninh, quân đội bỗng tan tành theo mây khói khi các trường này không tuyển học sinh có hạnh kiểm khá.

Em M. nghỉ học không phép hai buổi bị ghi tên vào sổ đầu bài. Nhà trường quy định học sinh nghỉ học thì phụ huynh phải trực tiếp viết giấy phép và lên trường gặp giám thị để xin. Nhưng cha mẹ M. lại chẳng thể đi được vì cha đi biển cả tháng mới về, mẹ em lại đi làm xa. Khi nhờ được người đại diện lên xin thì đã quá thời gian quy định nên em vẫn bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Qua học kỳ 2, em phạm lỗi sử dụng điện thoại trong giờ học (em vô tình quên tắt chuông khi vào tiết học) và tiếp tục nghỉ học không xin phép (viết giấy phép nhưng không có phụ huynh trực tiếp lên xin cũng không được).

Với những lỗi này, M. bị hạ hai bậc hạnh kiểm dù em đã được giáo viên chủ nhiệm khen: “Em là cô bé ngoan, chăm học”, nhưng giám thị vẫn cương quyết: “Đã là quy định thì không có ngoại lệ”.

Em đã sốc vô cùng khi hạnh kiểm cuối năm đạt mức trung bình. Em nói trong tiếng nấc: “Con sẽ làm được gì với hạnh kiểm thế này? Người ta đâu biết lý do vì sao con bị như thế, trong hồ sơ chỉ thể hiện hai chữ trung bình mà thôi. Sẽ có biết bao ánh mắt nhìn không thiện cảm, có biết bao câu hỏi đặt ra “hạnh kiểm trung bình chắc là tệ lắm”.

Có em đã phải nghỉ học giữa chừng khi bị xếp hạnh kiểm loại yếu, có em buông xuôi và không muốn phấn đấu. Bởi “giờ mình có phấn đấu tốt thế nào cũng chẳng được gì vì đã lỡ vi phạm mất rồi”. Đó là trường hợp của em D., đầu năm học em đã lấy cắp chiếc điện thoại của bạn. Em đã rất thành khẩn nhận lỗi và hứa sẽ rèn luyện tốt. Trong suốt học kỳ sau đó, em luôn gương mẫu trong mọi hoạt động. Dù thế, cuối năm em vẫn bị xếp loại hạnh kiểm yếu.

Không ít học sinh thấy thế đã nói rằng: “Đã lỡ phạm lỗi rồi chơi luôn, mình có tu chí, sửa chữa cũng chẳng được gì”.

“Học sinh khi bị khoác trên mình hạnh kiểm không tốt, cũng đồng nghĩa với việc nhiều cánh cửa cuộc đời đã đóng sập ngay trước mắt”.

 
KHÁNH NGỌC