02/01/2025

Lay lắt Vinashin – SBIC, Kỳ 1: Bài toán 5.400 tỉ đồng

Không chỉ Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đối diện với việc phá sản sau khi đã xài hết 5.000 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp (DN) vốn thuộc Vinashin nay cũng lay lắt.

 

Lay lắt Vinashin – SBIC, Kỳ 1: Bài toán 5.400 tỉ đồng

 Không chỉ Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đối diện với việc phá sản sau khi đã xài hết 5.000 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp (DN) vốn thuộc Vinashin nay cũng lay lắt.

 

 

 

Lay lắt Vinashin - SBIC, Kỳ 1: Bài toán 5.400 tỉ đồng
Công ty đóng tàu Phà Rừng dù đã tái cơ cấu nhưng vẫn gặp khó khăn, đang phải quay trở lại thế mạnh về sửa chữa tàu thay vì đóng mới – Ảnh: TIẾN THẮNG

Mặc dù khi tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) đã có ý kiến cho rằng sau 3 năm Vinashin sẽ hết lỗ, sau 5 năm sẽ cơ bản hồi phục nhưng theo báo cáo của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC – tiền thân là Vinashin), năm 2016 DN này vẫn lỗ hơn 5.400 tỉ đồng.

Nhiều đơn vị 
vẫn khó khăn

Sau hơn 5 năm tái cơ cấu, phần lớn các công ty đóng tàu thuộc SBIC tại TP Hải Phòng vẫn trong tình trạng khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Tại khu vực sản xuất rộng cả trăm hecta của Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu (Tam Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng), hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư “khủng” để có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất tàu trọng tải 70.000 tấn song lâu nay rơi vào tình cảnh ảm đạm, thi thoảng tại một vài phân xưởng mới vang lên những âm thanh công việc. Một số khu vực sản xuất bên trong nhà máy của công ty này, nhiều trang thiết bị máy móc, sắt thép hoen gỉ vì ít khi vận hành sản xuất.

 

Ông Vũ Thanh Tùng – phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu – cho biết công ty mới tái cơ cấu xong giai đoạn 1, hiện nay vẫn đang phải tiếp tục. Do biến động bất ngờ của ngành vận tải biển, từ trên 7.000 lao động nay công ty chỉ còn lại hơn 700 lao động có việc làm ổn định. “Trước mắt chúng tôi vẫn chưa nhận được hợp đồng đóng mới tàu nào từ nước ngoài, hiện công ty vẫn đang đóng mới một tàu 56.000 tấn cho một chủ tàu trong nước cùng một số tàu kiểm ngư” – ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Văn Hoài – tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu – cho biết từng dự án một thì công ty không lỗ, nhưng năm 2016 tính tổng thể công ty vẫn bị lỗ. Ông Hoài từ chối tiết lộ cụ thể về khoản lỗ và khoản nợ mà công ty vẫn chưa xử lý được.

Cách Công ty đóng tàu Nam Triệu chỉ vài cây số, Công ty đóng tàu Phà Rừng (thuộc SBIC) cũng đang hoạt động cầm chừng nhiều năm nay. Để duy trì công việc, công ty hiện tập trung chính vào sửa chữa tàu biển thay vì đóng mới. Theo ông Lương Khắc Hạnh – chánh văn phòng, từ sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu vào năm 2013 đến nay, công ty đã cơ bản sắp xếp đủ lượng lao động với tổng số 850 người.

Một lãnh đạo Công ty đóng tàu Phà Rừng khác xác nhận đã được Nhà nước khoanh, giãn nợ. Dù vậy, số nợ của công ty vẫn còn trên dưới chục ngàn tỉ đồng. “Sau nhiều năm tái cơ cấu, tình hình vẫn không có gì thay đổi nhiều. Nếu nhìn vào khoản nợ đọng, có thể nói công ty đã chết” – vị lãnh đạo này tâm sự.

Với Công ty CP đóng tàu Sông Cấm, trong báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016, ông Phạm Mạnh Hà – tổng giám đốc – cho biết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của công ty không được thuận lợi như dự kiến ban đầu do thị trường đóng tàu trên thế giới tiếp tục suy giảm, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cụ thể, doanh thu thuần chỉ đạt 448,42 tỉ đồng, giảm 34,2% so với năm 2015.

Lay lắt Vinashin - SBIC, Kỳ 1: Bài toán 5.400 tỉ đồng
Đồ hoạ: Vĩ Cường

SBIC thua lỗ

Là tên gọi mới sau khi tái cơ cấu Vinashin, SBIC cho biết năm 2016 đã bàn giao được 198 sản phẩm, giá trị sản xuất toàn tổng công ty đạt 6.181 tỉ đồng, doanh thu và thu nhập khác đạt 6.422 tỉ đồng, chưa đạt kế hoạch đề ra.

SBIC cho biết năm tài chính 2016 sẽ lãi khoảng 150 tỉ đồng nếu… không hạch toán các khoản nợ từ thời Vinashin. Tuy nhiên, nếu hạch toán đầy đủ theo đúng nguyên tắc tài chính (như các DN bình thường khác – PV), tổng lỗ lũy kế của SBIC lên tới 5.405 tỉ đồng. Từ 2013 đến nay, DN này luôn lỗ ngàn tỉ.

Cần giải pháp mạnh

Việc SBIC dù đã tái cơ cấu, có tiến bộ nhưng ba năm nay lỗ cứ tăng dần, năm 2016 vẫn lỗ hơn 5.400 tỉ, theo các chuyên gia là bài toán khó, cần có các giải pháp mạnh và dứt khoát.

Ông Đan Đức Hiệp – nguyên phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng – cho rằng giờ nói biện pháp bán cổ phần các công ty đóng tàu đang khó khăn, chắc chắn không ai dám mua. Nếu muốn cứu phải có cơ chế đặc biệt và đôi khi phải chịu lỗ. Dẫn lại ví dụ một con tàu đang đóng hết hơn 20 triệu USD, “nếu Chính phủ rót thêm 5-10 triệu USD để thành 30 triệu USD và bắt công ty đóng tàu phải bán với giá 32 triệu USD (có lãi) thì phải chờ để bán… đống sắt vụn” – ông Hiệp thẳng thắn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, 
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc phá sản DN nhà nước vẫn là vấn đề lớn, nên cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan. Tuy nhiên cần xử lý theo nguyên tắc thị trường, đánh giá kỹ lưỡng để giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách. Cụ thể, ông Thịnh đề nghị khi kiểm tra và thẩm định những dự án của Vinashin hay những dự án khác cần chia nhóm.

Với dự án có thể phục hồi, có sản phẩm đảm bảo chất lượng, cạnh tranh thì nên tính toán giúp để DN phục hồi, từ đó tự trả nợ. Còn với những DN càng sản xuất càng lỗ, phải dứt khoát cổ phần hoá hoặc bán cho DN tư nhân. “Nếu càng sản xuất càng lỗ, nên chịu chấp nhận lỗ ở một tỉ lệ nào đó còn hơn là ưu tiên chính sách để rồi mỗi năm lại thâm hụt vào vốn ban đầu, thất thoát lớn hơn” – ông Thịnh nói.

Với dự án, DN khó xác định giá trị, nên đấu giá và theo ông Thịnh, giống như xử lý nợ xấu, phải chấp nhận bán khoản nợ xấu theo giá thị trường, chấp nhận lỗ, còn hơn để đống sắt vụn.

Dự án nghìn tỉ… “đắp chiếu”

Tại Khu công nghiệp Cái Lân (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân với tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỉ đồng nay cũng hoang tàn lạnh lẽo. Xung quanh đó, ba dự án khác cùng là “con” của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (thuộc SBIC) cũng chịu chung số phận.

Ông Hoàng Việt Văn, giám đốc Công ty TNHH MTV thép Cái Lân, xác nhận: “Nhà xưởng giờ bỏ hoang, chúng tôi phải tận dụng cho thuê. Cái nào ra tiền cũng cho thuê: nhà xưởng, mặt bằng, thậm chí phải tích trữ nước mưa bán cho trạm trộn bêtông… Mỗi tháng không có nguồn thu tối thiểu 300 triệu đồng thì chết đói. Trước đây cả công ty đỉnh điểm có khoảng 220 người thì hiện chỉ 50 người”.

Trong khu nhà xưởng chính, những cỗ máy khổng lồ nằm im hoen gỉ, phủ bụi. Ít ai có thể ngờ đây từng là dự án sản xuất thép tấm khổ lớn công suất 500.000 tấn/năm để đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn của Vinashin.

* (còn tiếp) 

TIẾN THẮNG – T.PHÙNG -
 NGỌC AN – ĐỨC HIẾU