04/01/2025

Có thể thu hàng nghìn tỉ từ tiền đấu giá biển số xe?

Tại phiên thảo luận về dự án luật Quản lý tài sản công sáng 29.5, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng không chỉ biển số đẹp mà tất cả các biển số đều là tài sản công và phải được quản lý như tài sản công.

 

Có thể thu hàng nghìn tỉ từ tiền đấu giá biển số xe?

Tại phiên thảo luận về dự án luật Quản lý tài sản công sáng 29.5, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng không chỉ biển số đẹp mà tất cả các biển số đều là tài sản công và phải được quản lý như tài sản công.




​
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu ngày 29.5  /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu ngày 29.5ẢNH: NGỌC THẮNG

Đại biểu (ĐB) Cảnh đề nghị làm rõ việc biển số xe được phép đấu giá, định giá bán cho chủ phương tiện, làm căn cứ để các văn bản dưới luật quy định việc triển khai đấu giá biển số, trừ biển số xe công. ĐB Cảnh cũng cho biết theo tính toán của mình, với các nhu cầu biển số theo ngày sinh, ngày cưới… có thể thu được hàng nghìn tỉ đồng từ việc bán đấu giá biển số. ĐB dẫn chứng với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc, nếu thực hiện chủ trương này, trong năm 2016 đã có thể thu được gần 5.000 tỉ đồng.


ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng nhu cầu “số đẹp” là có thật nhưng những người cần “số đẹp” không nhiều. “Nếu tổ chức đấu giá “số đẹp” thì đấu giá như thế nào? Nếu “số đẹp” được coi là tài sản, vậy tôi bỏ tiền ra đấu giá, tôi mua rồi thì tôi có quyền đem bán. Lúc đó quản lý nhà nước sẽ xử lý như thế nào?”, ĐB Phương đặt vấn đề.
Tranh luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cho rằng nếu việc đấu giá kho số có lợi hàng nghìn tỉ đồng thì nên đưa vào. Cũng theo ĐB Phương, biển số gắn với xe, nên khi bán xe thì chủ sở hữu có quyền bán cả số chứ không thể bán xe riêng, số riêng được. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi nếu nhà nước cho đấu giá “số đẹp” thì nếu gặp “số xấu”, công dân có quyền bỏ tiền ra để từ chối không? Cũng theo ĐB Hồng, trong dự thảo quy định tài sản công, ngoài kho số viễn thông còn các kho số khác, vậy cụ thể là kho số nào?
Xử lý thế nào với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu bị tố cáo?
Thay mặt Chính phủ trình QH dự án luật Tố cáo hôm qua, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho hay một trong những bất cập của luật hiện hành là nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết trong nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc nhất định như: khi người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn…
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay đa số ý kiến Uỷ ban Pháp luật khi thẩm tra luật, nhất trí việc bổ sung trong dự thảo nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Uỷ ban Pháp luật cũng cho biết đa số tán thành với dự thảo luật việc không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh.
Báo cáo về thêm dự luật tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, dự thảo luật Quản lý tài sản công quy định cho phép cơ quan nhà nước được cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân… sử dụng chung tài sản để tránh việc đầu tư lãng phí, trong khi nhu cầu sử dụng không thường xuyên, đồng thời giảm bớt chi phí từ ngân sách nhà nước trong hoạt động bảo trì, bảo dưỡng tài sản, tránh xuống cấp tài sản.
Lo “chạy sao” khi xếp hạng khách sạn
Chiều 29.5, thảo luận về dự luật Du lịch (sửa đổi), các ĐB còn có ý kiến khác nhau về quy định xếp hạng chất lượng cơ sở lưu trú. Theo dự thảo luật, ngoài phương án xếp hạng bắt buộc do cơ quan nhà nước thực hiện như hiện nay, thì có thêm phương án tự nguyện. ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) băn khoăn với cả 2 phương án. “Nếu bắt buộc thì gạt bỏ những cơ sở còn yếu và nảy sinh chuyện nhà nước can thiệp vào thị trường”, bà Phương băn khoăn. Ngược lại, nếu để tự nguyện thì sẽ có các DN không tham gia, từ đó thả nổi chất lượng và du khách có nguy cơ chọn phải những cơ sở dịch vụ yếu kém. “Nên cân nhắc thêm phương án chuyển giao cho hiệp hội lưu trú, tổ chức trung gian và người tiêu dùng, còn nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, và có quyền đánh giá lại nếu có phát sinh”, ĐB Phương đề xuất. Trong khi đó, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) lại chọn phương án xếp hạng tự nguyện và 5 năm đánh giá lại 1 lần để tránh “chạy sao” dẫn đến tiêu cực. Còn theo ĐB Tô Ngọc Hạnh (Bình Phước), để tránh tình trạng tự phong sao, quảng cáo sai chất lượng, thì nên bắt buộc xếp hạng cơ sở lưu trú.
Một trong những vấn đề gây ý kiến trái chiều trong dự thảo luật là quy định về lập quỹ phát triển du lịch. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng việc quy định nguồn hình thành quỹ từ các hoạt động du lịch sẽ khiến doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm gánh nặng chi phí, cuối cùng lại đổ lên đầu khách. Bà Tuyết lo ngại thực tế, giá tour trong nước của ta đã cao hơn tour ngoại, nhất là do chi phí vận chuyển cao hơn nên sẽ khó cạnh tranh hơn, trong khi tour ngoại chất lượng lại tốt hơn, hấp dẫn hơn. Nếu thu thêm của doanh nghiệp thì họ sẽ thêm gánh nặng, lại thu thêm của khách.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh việc có quỹ là cần thiết trong bối cảnh nguồn kinh phí để xúc tiến du lịch quá eo hẹp. Theo người đứng đầu ngành du lịch, trong khi các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia có nguồn kinh phí để quảng bá lên tới cả trăm triệu USD/năm thì VN chỉ có vỏn vẹn 2,5 triệu USD.
Chí Hiếu


 

Trường Sơn