04/01/2025

Campuchia thu hút nhân tài trẻ trở về

Campuchia đang chứng kiến làn sóng thế hệ trẻ tài năng du học trở về nước khởi nghiệp thành công.

 

Campuchia thu hút nhân tài trẻ trở về

Campuchia đang chứng kiến làn sóng thế hệ trẻ tài năng du học trở về nước khởi nghiệp thành công.




In Vichet (đứng) trong văn phòng Khmerload do anh sáng lập  /// Ảnh: chụp màn hình The Phnom Penh Post

In Vichet (đứng) trong văn phòng Khmerload do anh sáng lậpẢNH: CHỤP MÀN HÌNH THE PHNOM PENH POST

Bên lề Diễn đàn kinh tế về ASEAN vừa qua tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, doanh nhân nổi tiếng người Myanmar Serge Pun nhận định nước chủ nhà đang là hình mẫu về thu hút “dòng chảy chất xám” trở về. “Chất xám chảy ngược về Campuchia trong vòng 5 năm qua. Không ai ép buộc nhưng khi điều kiện chín muồi, giới trẻ chắc chắn trở về quê hương lập nghiệp”, tờ The Phnom Penh Post dẫn lời ông nói.
Bỏ học tiến sĩ về nước lập nghiệp
Trong lúc đang học ở Mỹ vào năm 2016, In Vichet nảy ra sáng kiến về nước khởi nghiệp sau khi tìm hiểu về tiềm năng phát triển thương mại điện tử. “Bên Mỹ, giáo trình và sách rất đắt đỏ. Vì thế, mỗi lần kết thúc học kỳ tôi đều rao bán hết sách trên trang eBay. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó mình có thể kiếm tiền nhờ kinh doanh online”, Vichet kể với kênh Channel News Asia.
Sự nghiệp và cuộc đời của Vichet có thể hoàn toàn khác nếu anh tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tài trợ kinh phí ở Mỹ. Tuy nhiên, người thanh niên 33 tuổi đã chọn con đường riêng để phát triển cũng như đóng góp cho quê hương. Đầu tiên, Vichet thử nghiệm bán quần áo trên Facebook và sau đó mở trang Khmerload. Đến nay, trang này trở thành một trong những website phổ biến nhất ở Campuchia, kết hợp thông tin giải trí, thời trang, thể thao và âm nhạc. “Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg có hai bàn tay, đôi chân, cũng giống như tất cả mọi người chúng ta. Tôi tin rằng người Campuchia cũng có thể làm những điều vượt trội”, Vichet khẳng định.
Không bằng lòng với thị trường nội địa, Khmerload quyết định mở rộng sang Myanmar và hiện thu hút gần 60 triệu lượt truy cập hằng tháng. Con số ấn tượng này đã giúp thu hút nhà đầu nước ngoài, và hồi tháng 3, công ty trở thành doanh nghiệp start-up đầu tiên ở Campuchia nhận được vốn đầu tư 220.000 USD của chương trình “500 Startups” từ Thung lũng Silicon (Mỹ), theo tờ The Phnom Penh Post.
Vichet là một trong những người tiên phong trong làn sóng giới trẻ học tập, tu nghiệp nước ngoài trở về Campuchia khởi nghiệp. Dù vẫn còn bị đánh giá là thị trường nhỏ và khả năng huy động vốn đầu tư thấp nhưng theo giới chuyên gia, nước này có tiềm năng phát triển rất lớn, đặc biệt là thương mại điện tử, theo xu hướng chung tại khu vực cộng thêm các chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp của chính phủ.
Thuở ban đầu gian nan
Shivam Tripathi, đồng sáng lập website bán vé lữ hành Camboticket và cũng từng đi du học, thừa nhận ban đầu gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục các công ty lữ hành hợp tác. “Vào năm 2014, chỉ có 6 công ty đồng ý chia sẻ lịch trình để kết nối vào website và chúng tôi phải mất 6 tháng để thuyết phục họ”, anh kể với Channel News Asia. Camboticket bán vé đủ loại phương tiện từ xe khách, phà, tàu và taxi nội địa hay xuyên biên giới tới Lào, Thái Lan, VN cho du khách cũng như người nước ngoài làm việc tại Campuchia, và vừa nhận được khoản đầu tư 100.000 USD. Theo Tripathi, một thách thức khác khi vừa khởi nghiệp là hình thức thanh toán qua mạng còn rất sơ khai tại Campuchia. Ngân hàng từ chối hỗ trợ vì đánh giá công ty của anh “không đáng tin cậy”. “Nhân viên ngân hàng đến thẩm định và chỉ nhìn thấy một nhân viên làm việc với một chiếc máy tính. Nhưng đó là thời kỳ sơ khai của start-up”, Tripathi chia sẻ. Anh cùng đồng sự Rahul Anand đang lập kế hoạch tiếp tục mở rộng Camboticket và họ khẳng định dù gặp thất bại thì họ cũng không hối tiếc khi đã nỗ lực hết mình.
Một người theo dõi sát sao làn sóng khởi nghiệp ở Campuchia là anh Thul Rithy, nhà đồng sáng lập vườn ươm start-up SmallWorld ở Phnom Penh. “Kể từ khi SmallWorld mở cửa năm 2011, đã có 60 nhóm bạn trẻ khởi nghiệp sử dụng không gian tại đây và tỷ lệ thất bại khá cao. Họ đến rồi đi, tôi thậm chí không nhớ hết tên”, Rithy chia sẻ. “Nhưng tôi rất tự hào vì các bạn trẻ khởi nghiệp. Họ sáng tạo, bất chấp khó khăn, luôn nỗ lực hết sức để bảo vệ ý tưởng của mình”, theo Rithy. Hiện có 10 nhóm khởi nghiệp đang thuê chỗ làm việc ở SmallWorld với nhiều ý tưởng khác nhau, từ thiết kế đồ gia dụng cho đến chuỗi quán cà phê và hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu máy tính.
Theo các chuyên gia, dân số Campuchia với phân nửa người dưới 30 tuổi là “nguồn năng lượng tích cực” cho môi trường khởi nghiệp, đặc biệt là với xu hướng “chảy ngược” của dòng chất xám. Điều quan trọng hiện nay là giới hữu trách cần tiếp tục có các bước đi mạnh mẽ hơn nữa để duy trì đà phát triển này và không khiến giới trẻ cảm thấy bị vỡ mộng. “Nếu chính phủ có chính sách phát triển phù hợp với những người trẻ sáng tạo và có trình độ cao thì chắc chắn họ sẽ tự trở về, hạn chế chảy máu chất xám”, doanh nhân Serge Pun lưu ý.

 

Phúc Duy