06/01/2025

Tin rác biến tướng ‘dội bom’ khách hàng

Sau một thời gian im ắng, khoảng 1 – 2 tuần trở lại đây, tin nhắn rác xuất hiện trở lại với tần suất khá nhiều. Đặc biệt, nhiều khách hàng than họ bị làm phiền bởi “rác” từ chính các nhà mạng.

 

Tin rác biến tướng ‘dội bom’ khách hàng

Sau một thời gian im ắng, khoảng 1 – 2 tuần trở lại đây, tin nhắn rác xuất hiện trở lại với tần suất khá nhiều. Đặc biệt, nhiều khách hàng than họ bị làm phiền bởi “rác” từ chính các nhà mạng.




Tin nhắn rác xuất hiện dày đặc trở lại trong thời gian gần đây, dưới dạng tin dịch vụ có tên các thương hiệu (ảnh nhỏ)ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Phản ánh với Báo Thanh Niên, chị H.N, chủ thuê bao số 09181… (ngụ Q.1, TP.HCM) nói hầu như mỗi ngày chị nhận được gần cả chục tin nhắn quảng cáo, rao vặt, bất động sản, vay tiêu dùng… trong đó có sự tham gia từ tổng đài nhà mạng.
“Những tưởng tin nhắn rác sẽ phải giảm đi nhiều vì từ đầu năm nay nghe các nhà mạng cam kết ngăn chặn, nhưng gần đây tình trạng tin nhắn rác lại có dấu hiệu hoành hành trở lại”, chị H.N bức xúc.
Chuyển từ sim rác sang đầu số dịch vụ
 
 
Tin rác biến tướng 'dội bom' khách hàng - ảnh 1
Quyền lợi của các nhà mạng khá lớn nên họ vẫn không quyết liệt chặn tin nhắn rác. Bởi về mặt kỹ thuật công nghệ thì không có gì khó nhưng quan trọng là nhà mạng có muốn chặn hay không. Nếu không thì khó giải quyết được triệt để câu chuyện tin nhắn rác
Tin rác biến tướng 'dội bom' khách hàng - ảnh 2
 
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav
 

Đáng lưu ý, theo phản ánh của anh Đ.Trung (Q.3, TP.HCM), hiện tin nhắn quảng cáo từ những số điện thoại vô danh đã chuyển sang các loại tin dịch vụ, mang tên các thương hiệu hoặc định danh (brandname) như “Căn hộ Q.7”, hay tên một thương hiệu, doanh nghiệp cụ thể… trở nên phổ biến.

“Các tin nhắn có gắn tên công ty, thương hiệu này đã “lọt lưới” cản của phần mềm lọc tin nhắn rác trên điện thoại mà tôi đang xài”, anh Trung nói. Thực tế này được ông ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, xác nhận. “Tin nhắn rác hầu như không giảm bao nhiêu. Nó chỉ chuyển từ hình thức nhắn từ sim rác sang các đầu số dịch vụ. Quan trọng là các đầu số dịch vụ khi nhắn tới điện thoại người dùng chỉ thấy tên mà không thấy hiển thị số. Phần mềm chặn tin nhắn rác chỉ được thiết lập việc chặn theo số điện thoại thì hoàn toàn bất lực trong trường hợp này”, ông Thắng nhận định.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav, cũng khẳng định số lượng tin nhắn rác chỉ giảm nhẹ không đáng kể và phần lớn đang xuất phát từ các đầu số dịch vụ, từ các brandname. Với dạng tin nhắn này, các đơn vị hay nhà mạng có thể cùng lúc phát tán một lượng tin nhắn khổng lồ qua mạng internet đến hàng trăm ngàn người dùng khác nhau. “Nếu chỉ sử dụng thủ công nhắn tin quảng cáo từ sim điện thoại thông thường thì một thiết bị nhắn tin thường chỉ sử dụng được 8 – 16 sim. Nhưng các đầu số dịch vụ hoặc định danh thì lượng tin nhắn được gửi đi cùng lúc sẽ rất nhiều. Đây mới chính là nguồn phát tán tin nhắn rác chính hiện nay”, ông Vũ Ngọc Sơn phân tích.
Cùng tin nhắn từ các dịch vụ bên ngoài, nhiều khách hàng phản ánh nhà mạng hiện cũng góp phần dội bom tin nhắn tới người dùng từ các tổng đài 999, 090, 9494, 888, 9898… của chính họ với số lượng ngang ngửa “nguồn rác” khác.
Lợi nhuận kếch xù, nhà mạng làm ngơ cho tin rác ?
Hiện nay, cả nước có hơn 200 công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động, đây là các đối tác của hầu hết nhà mạng. Việc gửi tin nhắn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các công ty này mà còn mang về doanh thu lớn cho các nhà mạng khi tỷ lệ ăn chia lợi nhuận giữa hai bên vẫn được duy trì ở mức 50% – 50%, 55% – 45%, thậm chí nhà mạng hưởng đến 60% với mỗi tin nhắn SMS khoảng 300 đồng. Chính vì lợi nhuận nên nhà mạng vẫn không mạnh tay ngăn chặn tin nhắn rác.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, chặn sim rác chỉ bớt một phần lượng tin nhắn rác. Bởi số lượng tin nhắn rác được phát tán từ sim rác đơn lẻ chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần lớn là tin nhắn từ các đầu số dịch vụ và từ chính bản thân các nhà mạng. “Quyền lợi của các nhà mạng khá lớn nên họ vẫn không quyết liệt chặn tin nhắn rác. Bởi về mặt kỹ thuật công nghệ thì không có gì khó nhưng quan trọng là nhà mạng có muốn chặn hay không. Nếu không thì khó giải quyết được triệt để câu chuyện tin nhắn rác”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Trong khi đó, luật sư Lê Hữu Trí, Trưởng văn phòng Trilaw, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, buộc nhà mạng phải chấn chỉnh, hạn chế gửi tin nhắn quảng cáo cho khách hàng, chẳng hạn giới hạn 1 – 2 lần/tuần, đồng thời quy định tuyệt đối nhà mạng không được phép tự ý gia hạn các gói dịch vụ mà phải do khách hàng tự đăng ký sử dụng. “Việc các nhà mạng trước đây từng cài sẵn vào sim điện thoại các dịch vụ gia tăng mà khách hàng không biết để trừ tiền hằng tháng, hay câu chuyện như tự động gia hạn dịch vụ 3G mà không hỏi ý kiến khách hàng… là hành động gian lận cũng như vi phạm đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, dù đã được phản ánh nhiều nhưng đến nay dường như các nhà mạng vẫn không bị xử phạt về hành động này”, luật sư Trí phân tích.
Nhà mạng “móc túi” khác
Bên cạnh tình trạng bị “dội bom” tin rác, nhiều khách hàng cũng phản ánh tình trạng bị nhà mạng cố tình “móc túi”. Anh Đ.Trung sử dụng sim Vinaphone và đăng ký gói 3G hằng tháng 70.000 đồng. Một lần anh đăng ký thêm gói cước MAX100 với giá 100.000 đồng thì tháng sau đó, gói cước MAX100 này lại tự động được gia hạn. “Các gói dịch vụ này là để cung cấp thêm khi người dùng có việc đột xuất. Nhưng chỉ một lần đăng ký xong rồi thôi, tại sao lại tự động gia hạn như vậy? Đáng nói là tôi chỉ đăng ký gói 100.000 đồng có 1 lần từ lâu rồi, sau đó thỉnh thoảng đăng ký thêm gói 19.000 đồng nhưng nhà mạng lại chọn gia hạn gói data nhiều tiền nhất, đăng ký từ lâu nhất để gia hạn và trừ tiền của tôi là sao?”, anh Đ.Trung bức xúc nói. 
Tương tự, chị Hồng, chủ thuê bao số 090907… tại Q.Tân Bình kể giữa tháng 5, chị đăng ký gói cước D10 của MobiFone trong một ngày. Khi đăng ký không thấy nhà mạng thông báo thành công hay chưa. Chị gọi tổng đài MobiFone thì báo có đăng ký rồi. Nhưng khi nhắn tin kiểm tra trên điện thoại lại được thông báo chưa đăng ký gói cước nào. Bất ngờ qua ngày hôm sau, chị nhận được tin nhắn báo “Gói cước D10 vừa được gia hạn”. Tin nhắn báo liên tục được gửi đến cho chị Hồng vào các ngày sau đó mặc dù chị đã vào nhắn tin hủy. Thế là chỉ trong vòng một tuần, chị Hồng đã bị trừ 60.000 – 70.000 đồng dù không nhận được thông báo có dịch vụ và hủy cũng không xong.
Sim rác vẫn bán vô tư
Kể từ đầu tháng 11.2016, khi các nhà mạng cam kết thu hồi sim được kích hoạt sẵn, sim đăng ký thuê bao ảo… hay gọi chung là sim rác. Theo số liệu được công bố, đến hết tháng 4.2017 các nhà mạng đã thu hồi được khoảng 20 triệu sim rác. Thế nhưng, dù bị siết nhưng hiện sim rác vẫn được rao bán khắp nơi, cả ở cửa hàng lẫn trên mạng internet. Mới nhất vào ngày 27.5, khảo sát của Thanh Niên tại TP.HCM cho thấy nhiều cửa hàng bán phụ kiện điện thoại di động trên đường 3 Tháng 2 (Q.10), Nguyễn Phúc Nguyên (Q.3)… vẫn bày bán công khai sim được kích hoạt sẵn. Sim rác được bán với nhiều mệnh giá khác nhau như sim giá 120.000 đồng trong tài khoản có sẵn 130.000 đồng, sim giá 150.000 đồng trong tài khoản có được 170.000 đồng… Không chỉ riêng tại TP.HCM, giữa tháng 4.2017, Đội cảnh sát kinh tế Công an Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng cho hay đã phát hiện gần 7.000 sim trả trước được kích hoạt sẵn sau khi kiểm tra một số cửa hàng bán sim card điện thoại trên địa bàn.


 

Mai Phương