Điệp viên giải cứu khủng hoảng hạt nhân Trung – Đài
Nhờ một nhà khoa học Đài Loan đào tẩu, châu Á tránh được một trong những cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thời hậu chiến.
Điệp viên giải cứu khủng hoảng hạt nhân Trung – Đài
Nhờ một nhà khoa học Đài Loan đào tẩu, châu Á tránh được một trong những cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thời hậu chiến.
Ở tuổi 73, ông Trương Hiến Nghĩa đang sống một cuộc đời lặng lẽ ở bang Idaho (Mỹ). Trong nhiều năm qua ông sống trong bí mật vì lo sợ sẽ bị các điệp viên Đài Loan ám sát do tiết lộ toàn bộ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bí mật của hòn đảo này trong thập niên 1980. Sau nhiều thập niên im lặng, ông Trương gần đây đã viết một cuốn sách về vai trò của mình trong câu chuyện kịch tính song ít được biết đến này. Một trong những tiết lộ đó là hành động của ông, chủ yếu xuất phát bởi lý tưởng, đã giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Đài Loan khi chỉ còn một hoặc hai năm nữa là họ có thể sản xuất bom nguyên tử.
Chương trình tuyệt mật
Vào tháng 10.1964, Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên, khiến chính quyền Đài Loan đứng ngồi không yên. Sau đó, lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch hối thúc Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc nhưng bị từ chối. Vì vậy, Đài Bắc xúc tiến phát triển công nghệ và kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử để ứng phó, theo tờ The New York Times. Công việc này được tiến hành tại Viện Khoa học công nghệ quốc gia Trung Sơn, cơ quan phát triển vũ khí chủ chốt của Đài Loan, và Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân (INER) nằm kế cận. INER đã mua một lò phản ứng hạt nhân 40-megawatt, thiết bị, uranium từ Canada, Đức, Mỹ, Na Uy hoặc Pháp. Mỹ còn cung cấp một dạng plutonium cho Đài Loan. Tất cả nguyên liệu này về bề ngoài là dùng cho nghiên cứu dân sự. Tuy nhiên đến năm 1974, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) kết luận rằng chương trình hạt nhân của Đài Loan được vận hành với “lựa chọn vũ khí rõ ràng trong tư duy và có thể tạo ra một thiết bị hạt nhân sau khoảng 5 năm”.
Đến cuối năm 1976 hoặc đầu năm 1977, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế phát hiện Đài Loan có thể chuyển đổi thanh nhiên liệu từ lò phản ứng sang hướng phát triển vũ khí hạt nhân. Washington lập tức gây sức ép buộc Đài Loan chấm dứt chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân và trả lại số plutonium được Mỹ cung cấp. Về bề ngoài, chương trình vũ khí hạt nhân của Đài Loan đã bị dừng lại, nhưng thực tế vẫn được tiến hành một cách bí mật hơn. Giới chuyên gia đánh giá rằng đến tháng 12.1987, Đài Loan chỉ còn khoảng một hoặc hai năm là có thể hoàn tất việc chế tạo một quả bom hạt nhân. Tiết lộ về việc Đài Loan sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đẩy châu Á vào một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất thời hậu chiến và có thể kích hoạt cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào hòn đảo này.
Tuy nhiên, do chương trình được thực hiện bí mật nên Washington không thể thu thập được đủ bằng chứng để “ba mặt một lời” với Đài Bắc. Vì vậy, CIA đã quyết định tổ chức cho một điệp viên của họ đào tẩu để cung cấp mảnh ghép còn thiếu, từ đó gây sức ép buộc Đài Bắc từ bỏ cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Điệp viên CIA đó chính là đại tá Trương Hiến Nghĩa.
Trong một bài viết vào tháng 5.2017, BBC dẫn lời ông Trương cho biết ông được CIA tuyển mộ vào những năm đầu thập niên 1980, khi làm Phó viện trưởng INER. Là một trong những nhà khoa học chủ chốt của Đài Loan thời đó, ông Trương hưởng được nhiều đặc ân cùng mức lương hấp dẫn, nhưng ông bắt đầu băn khoăn liệu Đài Loan có nên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không sau thảm họa nguyên tử Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Cuối cùng, ông đã bị phía Mỹ thuyết phục rằng ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân sẽ tốt cho hòa bình và có lợi cho Đài Loan lẫn Trung Quốc. “Điều này in sâu vào suy nghĩ của tôi rất nhiều, nhưng lý do quan trọng nhất mà tôi đồng ý là họ cam đoan sẽ bảo vệ an toàn cho tôi”, BBC dẫn lời ông Trương cho hay.
|
Kế hoạch đào tẩu
Sau khi ông Trương đồng ý đào tẩu, CIA lên kế hoạch đưa ông cùng gia đình rời khỏi Đài Loan. Khi đó, giới sĩ quan không thể rời khỏi Đài Loan nếu không được cấp phép. Vì vậy, ông Trương trước tiên phải đảm bảo an toàn cho vợ và 3 đứa con bằng cách đưa họ tới Nhật. Bà Trương kể lại rằng bà không hề hay biết chồng mình là gián điệp và cho hay hai người chỉ bàn về khả năng ông nhận được một công việc tại Mỹ, theo BBC. Bà cùng các con rời khỏi Đài Loan vào ngày 1.8.1988 để đến Nhật và đến hôm sau, ông Trương dùng hộ chiếu giả do CIA cấp đi chuyến bay đến Mỹ.
Tại Tokyo, bà Trương được một người phụ nữ trao cho lá thư của chồng. Đó là lúc bà phát hiện chồng mình là gián điệp của CIA và đã đào tẩu. “Thư viết “Em sẽ không bao giờ trở lại Đài Loan và từ Nhật, em sẽ đến Mỹ”… Tôi bật khóc khi biết rằng tôi không còn có thể trở lại Đài Loan”, bà Trương nhớ lại. Sau đó, bà cùng các con được đưa lên một máy bay bay đến TP.Seattle, nơi họ được ông Trương đón ở phi trường. Gia đình ông được đưa vào một ngôi nhà an toàn ở bang Virginia vì giới chức lo ngại ông có thể bị gián điệp Đài Loan ám sát.
Trái với thông tin trước đây rằng Trương Hiến Nghĩa đã mang nhiều tài liệu mật sang Mỹ, trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC mới đây, ông khẳng định mình không mang theo bất kỳ tài liệu nào khi rời khỏi Đài Loan mà chỉ đem theo một số tiền mặt và tài sản cá nhân. “Chính quyền Mỹ đã có tất cả bằng chứng, họ chỉ cần một người – chính là tôi – để xác nhận điều đó”, ông Trương khẳng định.
Trong vòng một tháng sau vụ đào tẩu của Trương Hiến Nghĩa, Mỹ thành công trong việc gây sức ép buộc Đài Loan kết thúc chương trình vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng thông tin tình báo mà CIA thu thập được và lời khai của ông Trương, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn ở châu Á.
Về phần ông Trương, sau khi đến Mỹ được hai năm, ông định cư ở bang Idaho và làm việc tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Idaho cho đến khi về hưu vào năm 2013. Sau khi đào tẩu, ông bị Cơ quan phòng vệ Đài Loan liệt vào danh sách những người chạy trốn. Dù lệnh truy nã ông hết hiệu lực vào năm 2000, ông Trương không trở về Đài Loan và cũng không có ý định hồi hương, theo BBC. Lý do là ông không muốn trả lời những chỉ trích mà ông chắc sẽ đối mặt và những tác động tiêu cực sẽ xảy đến đối với gia đình ông ở Đài Loan.
Sau nhiều thập niên im lặng, ông Trương kể lại câu chuyện của mình qua hồi ký Nuclear! Spy? CIA: Record of an Interview with Chang Hsien-yi (tạm dịch: Hạt nhân! Gián điệp? CIA: Ghi chép cuộc phỏng vấn với Trương Hiến Nghĩa). Tuy nhiên, cuốn sách do một học giả Đài Loan chấp bút và được xuất bản hồi tháng 12.2016 đã châm ngòi cuộc tranh luận về việc liệu ông Trương có làm một việc đúng đắn cho Đài Loan hay không. Có người khen ngợi ông đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng nhưng một số người khác chỉ trích ông đã tước bỏ cơ hội sở hữu vũ khí hạt nhân với mục đích phòng vệ và tồn tại của Đài Loan.
Ông Trương lý giải cho hành động của mình rằng ông sợ những chính trị gia Đài Loan đầy tham vọng trong thập niên 1980 sẽ dùng vũ khí hạt nhân để tái chiếm Trung Quốc đại lục. Ông còn cho rằng ngày nay vẫn có những chính trị gia muốn dùng vũ khí hạt nhân để đưa Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc bằng mọi giá. Theo BBC, một số lãnh đạo Đài Loan trước đó đã tỏ dấu hiệu muốn tái kích hoạt chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng ý tưởng này lập tức bị Washington bác bỏ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng từng dọa sẽ tấn công nếu Đài Loan phát triển vũ khí hạt nhân. Từ đó, ông Trương khẳng định ông không hối hận khi hỗ trợ Mỹ ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Đài Loan mà chỉ hối tiếc vì không thể gặp mặt cha mẹ trước khi họ qua đời, theo BBC.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ cân nhắc bán tiêm kích F-35 và THAAD cho Đài Loan
Thoả thuận mua bán vũ khí tiềm năng này có thể là “lá bài mặc cả” của Mỹ trong cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc về các vấn đề thương mại cũng như ngoại hối.
Văn Khoa