6 nguyên nhân xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Philippines
Khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra đời tháng 6-2014, trong khi làn sóng Hồi giáo cực đoan ở Philippines và Indonesia đã có nguồn gốc cách đây nhiều thập niên.
6 nguyên nhân xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Philippines
Khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra đời tháng 6-2014, trong khi làn sóng Hồi giáo cực đoan ở Philippines và Indonesia đã có nguồn gốc cách đây nhiều thập niên.
Người dân ở Marawi đi ngang qua đền thờ Hồi giáo trong đợt di tản ngày 26-5 – Ảnh: Reuters |
Đảo Mindanao ở miền nam Philippines rộng 104.530km2 (gần bằng 1/3 diện tích Việt Nam), tập trung hơn 80% người Hồi giáo ở Philippines sinh sống. Tình trạng chênh lệch về phát triển kinh tế – xã hội là cơ sở tiềm ẩn dẫn đến xung đột sắc tộc và tôn giáo tại Mindanao.
6 nguyên nhân xung đột
Theo chuyên gia Bỉ Olivier Duhayon, có 6 nguyên nhân chính dẫn đến xung đột:
– Nghèo đói và bất công kinh tế: Mindanao vốn là miền đất hứa nhờ giàu khoáng sản và gỗ, đóng góp phần lớn trong xuất khẩu nông nghiệp và có nhiều tiềm năng du lịch do ít bão. Dù vậy người dân vẫn cứ nghèo. Các tỉnh đóng góp nhiều nhưng không được trung ương hỗ trợ tương xứng.
– Lề lối quản lý yếu kém: Philippines tuyên bố độc lập năm 1946. Nền dân chủ còn non trẻ đã phải chịu nhiều sức ép từ nước ngoài song song với nạn nghèođói và xung đột bùng phát trong nước.
– Bất công xã hội và lạm dụng quyền lực: Do lề lối quản lý yếu kém, bất công xảy ra phổ biến, nạn lạm quyền rất dễ xảy ra một khi tài sản chỉ tập trung vào một số ít cá nhân.
– Số nhỏ quyền lực thâu tóm kinh tế: Số ít lãnh đạo chính trị ở địa phương đồng thời là chủ đất, chủ đầu tư, nhà tài chính và buôn chứng khoán. Như vậy thành phần này đã nắm chính trị lẫn kinh tế. Môi trường dân chủ yếu kém là điều kiện để họ nhũng lạm.
– Căn nguyên tước đoạt đất đai: Trước thế kỷ 16, khi Magellan tìm thấy Philippines thì đã có dân gốc Mã Lai cư trú. Sau đó, thực dân Tây Ban Nha đến đã tước đoạt đất đai của họ. Hiện nay họ sống chủ yếu trong rừng hay sống du mục.
– Mâu thuẫn từ các cộng đồng văn hóa: Ngoài dân bản địa còn có cộng đồng người dân tộc Moro theo Hồi giáo. Người Moro chủ yếu là dân di cư từ Indonesia sang và thường bị đánh đồng là chiến binh. Trong khi đó, người Thiên Chúa giáo, hậu duệ của người Tây Ban Nha, chiếm số đông (75% dân số Mindanao) đang làm chủ đồn điền, công ty mỏ, công ty lâm sản.
Hai cộng đồng dân bản địa và người Moro cảm thấy bị tước đoạt, từ đó xem người Thiên Chúa giáo là kẻ xâm lược. Nguy cơ xung đột như ngọn lửa âm ỉ qua nhiều thập niên.
Xung đột Hồi giáo – Thiên Chúa giáo
Nếu tại Philippines có khoảng 80% là giáo dân Thiên Chúa giáo thì Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới. Trên 86% dân số Indonesia theo Hồi giáo.
Năm 1945, Indonesia tuyên bố độc lập khỏi thực dân Hà Lan. Trong thập niên 1950, chính quyền chủ trương “đoàn kết trong đa dạng”, không xem Hồi giáo là quốc giáo và mong muốn các cộng đồng thiểu số Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Ấn giáo cùng sống chung hoà bình với Hồi giáo.
Phong trào Darul Islam (Ngôi nhà Hồi giáo) tố cáo nhà nước phân biệt đối xử với Hồi giáo và khoan dung hơn với các cộng đồng thiểu số. Darul Islam nổi loạn đòi thành lập nhà nước Hồi giáo tại Indonesia và đã bị đàn áp. Đến năm 1962, tổ chức này bị quân đội xoá sổ.
Đến cuối thập niên 1990, xung đột bạo lực gia tăng trở lại chủ yếu do nhóm khủng bố Hồi giáo Jemaah Islamiyah (Cộng đồng Hồi giáo) có liên hệ với Al Qaeda thực hiện. Chúng tuyên bố phát động “thánh chiến”. Đối tượng bị tấn công nhiều nhất là người Indonesia gốc Hoa và giáo dân Thiên Chúa giáo.
Theo trang Asialyst, do âm mưu phát động chiến tranh tôn giáo trên toàn quốc thất bại, từ đó các phần tử Hồi giáo cực đoan chuyển hướng chống phương Tây.
Từ năm 2006, Nhà nước Indonesia kiểm soát khủng bố Hồi giáo rất tốt. Jemaah Islamiyah bị trấn áp rồi dần dần tan rã.
Hiện nay, Indonesia vẫn nêu cao khẩu hiệu “đoàn kết trong đa dạng”. Cho dù trong xã hội còn xuất hiện yếu tố cực đoan nhưng nguy cơ khủng bố đã bị hạn chế rất nhiều. Một số nhóm nhỏ Hồi giáo cực đoan muốn mượn danh IS chỉ nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.
Mindanao là địa bàn hoạt động của nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo. Năm 1965, Phong trào Độc lập Mindanao (MIM) ra đời tại Philippines. Bốn năm sau, Mặt trận Dân tộc giải phóng Moro (MNLF) được thành lập nhằm xây dựng chính quyền tự trị. Đến năm 1984, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ra đời đưa ra chủ trương đòi độc lập. Đến nay MNLF và MILF đã đàm phán hòa bình với chính phủ. Chỉ còn hai nhóm Hồi giáo cực đoan đáng lưu ý là Abu Sayyaf và Maute đã tuyên thệ trung thành với IS. Phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ra đời năm 1991 chỉ lo tổ chức bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. |
Tổng thống Philippines kêu gọi đối thoại Ngày 26-5, Tổng thống Rodrigo Duterte đã kêu gọi nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan đang giao tranh với lực lượng quân đội tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao chấm dứt các hành động thù địch và tiến hành đối thoại với chính phủ, qua đó giải quyết tình trạng bùng phát bạo lực tại khu vực thời gian qua. Ông Duterte cho biết sẵn sàng đối thoại với các tay súng phiến quân song cũng khẳng định nếu tình hình giao tranh không chấm dứt, quân đội Philippines sẽ tiếp tục các chiến dịch tấn công và truy quét. |