Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4, VN nhập khẩu từ Trung Quốc 17,6 tỉ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 13,7 tỉ USD, tăng đến 45,3%. Trong khi đó, xuất khẩu của VN sang Hàn Quốc chỉ đạt 4,4 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với con số 8,6 tỉ USD từ Trung Quốc.
Thuế giảm, vẫn khó thâm nhập
Phải thay đổi cơ cấu xuất khẩu với nhiều mặt hàng mới có giá trị cao hơn đồng thời giảm bớt các mặt hàng không cần thiết phải nhập từ Hàn Quốc
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong
Theo các chuyên gia, sự bứt phá về nhập khẩu hàng từ Hàn Quốc xuất phát từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do VN – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đua nhau tăng đầu tư vào VN, thúc đẩy thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu từ phía các DN VN chưa được như kỳ vọng, dẫn đến tình trạng nhập siêu với thị trường này ngày càng tăng cao.
VKFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 20.12.2015 với 95,44% số dòng thuế được cắt giảm trong đó có các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của VN như hàng dệt may, tôm, thủy sản đông lạnh, trái cây nhiệt đới… Đổi lại, VN cam kết cắt giảm thuế quan với 89,15% số dòng thuế, trong đó có các mặt hàng như máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, mỹ phẩm… Các DN Việt đã kỳ vọng rất nhiều vào chuyện đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc khi thuế giảm, nhưng thực tế, rào cản về chất lượng và kỹ thuật lại được siết chặt hơn khiến hàng hoá VN khó khăn khi thâm nhập thị trường này. Đơn cử, mặc dù VN là đối tác ký kết hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang…, nhưng các hàng rào vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) lại cản chân DN VN. Hay đối với mặt hàng tôm là thế mạnh của VN, trong năm 2016, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu tăng cường kiểm tra các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ VN, do phát hiện chỉ tiêu AOZ (thuộc nhóm hoá chất kháng sinh nitrofurans) có trong một số sản phẩm tôm đông lạnh đang được lưu thông trên thị trường này. Các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ VN vì vậy phải chịu tần suất kiểm tra lên đến 10%. Mới đây, Bộ Thuỷ sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) cũng đã thông báo sẽ tiến hành kiểm dịch các lô hàng thuỷ sản nhập khẩu vào nước này, trong đó có mặt hàng tôm mà VN hiện là nhà cung cấp lớn nhất. Theo đó, kể từ ngày 1.4.2017, tất cả thuỷ sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư nhập khẩu, do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.
Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc trong năm 2016 do vậy chỉ đạt 607,7 triệu USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của VN sang thị trường Hàn Quốc cũng chỉ đạt mức một con số. Trong năm 2016, VN xuất khẩu 2,3 tỉ USD hàng dệt may sang Hàn Quốc, tăng 7,4% so với năm 2015.
Ở chiều ngược lại, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào VN vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư từ Hàn Quốc tính lũy kế đến tháng 4.2017 đã đạt hơn 54 tỉ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào VN. Việc Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào VN kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh, khiến kim ngạch nhập khẩu và theo đó là nhập siêu cũng tăng lên.
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016 của Bộ Công thương, VN chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất, gia công, xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 2016, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc là 32 tỉ USD, tăng 15,9% so với năm 2015 trong đó, có nhiều mặt hàng tăng khá mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28,8%, đạt 8,7 tỉ USD); điện thoại các loại và linh kiện (tăng 18,4%, đạt 3,6 tỉ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (tăng 14,1%, đạt 5,8 tỉ USD)…
Đặc biệt, với việc VKFTA được ký kết, nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Hàn Quốc tăng đáng kể do DN được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt theo hiệp định này là 10%, thấp hơn mức thuế MFN và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định khác nên kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Hàn Quốc trong năm 2016 đạt 940 triệu USD, tăng 426% so với năm 2016 và vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn thứ 3 của VN. Khối lượng xăng dầu DN VN nhập khẩu từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1.1 – 30.4 là 986.462 tấn, trị giá hơn 604,8 triệu USD. Nếu so với con số 479.429 tấn của cùng kỳ năm ngoái thì khối lượng nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay đã tăng hơn gấp đôi (hơn 105%).
“Vượt” hàng rào kỹ thuật bằng chất lượng
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hàng VN xuất khẩu ngày càng khó tiếp cận thị trường Hàn Quốc là do chúng ta chưa vượt qua được các rào cản kỹ thuật phi kinh tế từ phía họ. Về chất lượng, an toàn, mẫu mã đều không đáp ứng được nên muốn tăng xuất, không có cách nào khác là các DN phải chủ động cố gắng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ, giúp các DN tìm cách tháo gỡ những khó khăn và các trung tâm kịp thời phổ biến các quy định mới tới DN để họ chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp.
Theo Th.S Trần Quốc Trung, Đại học Ngoại thương TP.HCM, nhập siêu từ Hàn Quốc đã trở thành một xu hướng ngay cả trước khi có VKFTA. Làn sóng nhập siêu từ Hàn Quốc đã bắt đầu khi Samsung tăng cường mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp tại VN và nhập về các linh kiện điện tử, phụ tùng phục vụ cho việc sản xuất, chế tạo. Sau khi VKFTA có hiệu lực, môi trường đầu tư đã thông thoáng hơn khi các hàng rào thuế suất được cắt giảm đáng kể, tạo điều kiện để các DN Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào VN nên nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh cũng là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, ông Trung cho rằng chưa nên quá lo ngại về việc gia tăng nhập siêu từ Hàn Quốc, vì VN nhập khẩu nhiều từ thị trường này chủ yếu là máy móc thiết bị, linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất và đầu tư. “So với nhập siêu từ Trung Quốc, nhập siêu từ Hàn Quốc vẫn còn an toàn hơn, vì nếu xét về công nghệ và trình độ phát triển, Hàn Quốc hơn hẳn Trung Quốc”, ông nói. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nhập siêu hàng tiêu dùng mới thực sự đáng sợ, còn việc nhập siêu máy móc, linh kiện hay bán thành phẩm để phục vụ sản xuất cũng không phải là việc quá lo ngại.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, khi VKFTA có hiệu lực, các DN Hàn Quốc đã tận dụng rất tốt việc một số các mặt hàng có thuế suất về 0% để đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư vào VN. Ông cho rằng mặc dù nhập siêu từ Hàn Quốc chủ yếu phục vụ việc sản xuất hàng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, tuy nhiên nếu cán cân thương mại song phương quá lệch cũng sẽ gây mất cân bằng cho nền kinh tế. Theo ông, chỉ có cách duy nhất để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc là các DN phải nhanh chóng tiếp cận các hàng rào về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh đầu tư vào kỹ thuật, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua rào cản SPS, qua đó tận dụng tối đa ưu đãi từ VKFTA.
“Hàn Quốc còn thắt chặt hơn các nước khác bởi các lô hàng không đạt tiêu chuẩn không những bị trả về mà DN còn phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng. Chính vì thế, đảm bảo chất lượng phải được đặt lên hàng đầu”, ông nói và đề xuất: “Phải thay đổi cơ cấu xuất khẩu với nhiều mặt hàng mới có giá trị cao hơn đồng thời giảm bớt các mặt hàng không cần thiết phải nhập từ Hàn Quốc. Nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển công nghiệp hỗ trợ, có như vậy mới giảm được việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, giúp giảm bớt nhập siêu”.