09/01/2025

Doanh nghiệp lý giải tiêu hết 5.000 tỉ đồng vẫn phá sản

Nhằm làm rõ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã làm gì khi tiếp quản Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS), để bây giờ nhà máy vẫn đứng trước nguy cơ phá sản, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Hải, phó tổng giám đốc DQS. Ông Hải nói:

 

Doanh nghiệp lý giải tiêu hết 5.000 tỉ đồng vẫn phá sản

Nhằm làm rõ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã làm gì khi tiếp quản Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS), để bây giờ nhà máy vẫn đứng trước nguy cơ phá sản, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Hải, phó tổng giám đốc DQS. Ông Hải nói:

 

 

 

Doanh nghiệp lý giải tiêu hết 5.000 tỉ đồng vẫn phá sản
Bên trong Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ngày 24-5. Ảnh: Trần Mai

– Hơn 5.000 tỉ đồng mà PVN rót về đều để trả nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) để lại. Trong đó trả 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ, thực chất là Vinashin đi vay khi thực hiện dự án. Hơn 3.000 tỉ đồng trả nợ đến hạn mà Vinashin vay của các tổ chức tín dụng quốc tế. PVN hỗ trợ rất nhiều trong việc duy trì nhà máy. Không trả hộ nợ quá hạn của Vinashin sẽ bị các tổ chức tín dụng quốc tế kiện.

Nợ rất lớn

* PVN có cơ chế gì để vực dậy DQS sau khi tiếp quản, 
thưa ông?

– Cơ chế vực dậy của PVN khi tiếp nhận DQS từ Vinashin là động viên toàn ngành có bao nhiêu công việc dồn cho nhà máy làm. Trong đó có sửa chữa, bảo trì và đóng mới. Nhưng thật ra với tàu đóng mới, hầu hết chúng tôi phải tự tìm kiếm. Trong những năm qua, chúng tôi tham gia đấu thầu và đóng mới ba chiếc với tổng giá trị hơn 1.300 tỉ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện, cùng với một tàu dịch vụ dầu khí đã bàn giao.

 

* Vậy DQS đã cải cách những gì sau khi trả nợ hơn 5.000 tỉ đồng mà Vinashin để lại?

– Nhà máy này lớn nhất Đông Nam Á. Quá quy mô, nhiều nơi không sử dụng nên mình gói gọn lại. Thứ hai là cải tiến lại hoạt động đóng, sửa chữa tàu cho phù hợp với thiết bị. Nhân sự lúc khởi điểm của nhà máy là khoảng 2.500 người, đã làm gọn nhẹ lại còn khoảng 1.200 người. Thực tế là trong năm 2014, 2015 chúng tôi hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.

* Hoạt động kinh doanh có lãi nhưng tại sao vẫn báo lỗ. Ông giải thích thế nào về vốn sở hữu âm đến 1.600 tỉ đồng và nợ lên đến 6.000 tỉ đồng?

– Đó không phải lãi ròng. Sản xuất có lãi nhưng phải lấy đó trả lương cho công nhân viên và duy trì nhà máy hoạt động. Giải thích cái này liên quan đến quản trị doanh nghiệp về tổng tài sản, tổng nợ vay, rất phức tạp. Lỗ là do nợ tồn đọng lâu phát sinh lãi.

Đang liên hệ đối tác Mỹ, Hàn Quốc…

* Nếu DQS phá sản, Nhà nước còn gì ở nhà máy không, thưa ông?

– Trước hết tôi cần phải nói rõ, phá sản chỉ là một trong ba đề xuất lên Chính phủ chứ không phải là DQS đã phá sản. Ba đề xuất gồm: Thứ nhất là mua bán sáp nhập, tìm đối tác để cùng nhau đầu tư. Thứ hai là tái cơ cấu với những giải pháp giãn nợ để khôi phục đầu tư hoặc chuyển giao cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC – Vinashin trước đây). Thứ ba là phá sản.

Tất nhiên là khi phá sản doanh nghiệp phải có một tổ chức định giá. Có một cơ quan sẽ bán doanh nghiệp. Sau đó thống kê nợ. Cái gì thuộc về thuế, Nhà nước thu hồi, cái gì liên quan đến nợ sẽ cùng nhau chia sẻ…

* Phương án bán, hiện tại đã có đơn vị nào quan tâm chưa? Nếu tái cơ cấu, Nhà nước sẽ lại phải hỗ trợ?

– Hiện tại có ba đối tác từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, chúng tôi đang liên hệ làm việc. Đương nhiên là chúng tôi lựa chọn đối tác quốc tế bởi họ có tiềm lực và làm trong ngành đóng tàu lâu năm mới có thể mua được nhà máy đóng tàu này.

Vừa rồi có đề xuất trả lại cho SBIC và ghi nợ số tiền mà PVN bỏ ra đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Sau này SBIC sẽ trả lại. Phương án này đang chờ Chính phủ quyết. Nếu nhà máy này nằm trong hệ thống của SBIC sẽ tốt hơn, bởi họ có nhiều nhà máy đóng tàu, người lao động muốn điều chuyển dễ hơn.

Nếu thực hiện tái cơ cấu nhà máy, có lẽ Chính phủ phải xem xét lại nợ của DQS để thực hiện các phương án kinh doanh như giãn nợ. Có nghĩa là các ngân hàng cần không tính lãi trong một thời gian để đơn vị ổn định làm ăn, từ đó 
trả nợ gốc.

Nhà máy đầu tư quá dàn trải

Trả lời câu hỏi về tình trạng của nhà máy đóng tàu của Vinashin khi PVN tiếp nhận, ông Lương Minh Hải cho biết “Vinashin đi vay nhưng đầu tư rất khủng”. Khi lập dự án, Vinashin nghĩ có hợp đồng đóng tàu sẽ trả dần bởi thị trường hàng hải năm 2007 rất tốt. Nhưng hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tạo nhiều khó khăn. Đó là khách quan, còn chủ quan, ông Hải công nhận Vinashin đã đầu tư dàn trải, không theo từng bước mà cùng một lúc đầu tư đồng loạt. Đến nay, khu nhà ở chuyên gia xây dở dang bỏ đấy, khu dịch vụ cũng dang dở…

TRẦN MAI