Miền nam Philippines rúng động vì đợt tấn công táo tợn của các tay súng cực đoan có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.Miền nam Philippines rúng động vì đợt tấn công táo tợn của các tay súng cực đoan có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Chân rết IS bạo loạn ở miền nam Philippines
Miền nam Philippines rúng động vì đợt tấn công táo tợn của các tay súng cực đoan có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.Miền nam Philippines rúng động vì đợt tấn công táo tợn của các tay súng cực đoan có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Trong lúc cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông vẫn chưa có hồi kết, quan ngại ngày càng tăng về các chân rết của lực lượng này ở Đông Nam Á. Từ năm 2016, IS đã kêu gọi những người ủng hộ tham gia “chi nhánh” ở Philippines nếu không đến được Syria và Iraq. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần cảnh báo khu vực miền nam nước này có nguy cơ trở thành địa bàn của IS. Đến nay, ít nhất 2 nhóm vũ trang Abu Sayyaf và Maute đã tuyên bố trung thành với IS. Từ chiều 23.5, các tay súng Maute, và có thể cả một số phần tử Abu Sayyaf, đã gây ra cuộc bạo loạn tại TP.Marawi trên đảo Mindanao, đồng thời sát hại một quan chức địa phương.
Khói lửa ở Marawi
Đánh bom kép tại thủ đô Jakarta
Tối 24.5, một vụ đánh bom kép xảy ra tại trạm xe buýt thuộc khu Kampung Melayu ở thủ đô Jakarta của Indonesia, theo Reuters. Ban đầu, cảnh sát cho biết có 3 nạn nhân nhưng sau đó truyền thông nước này đưa tin vụ nổ kép làm 2 người thiệt mạng (gồm 1 viên cảnh sát và nghi phạm đánh bom) và từ 3 – 5 người bị thương. Lực lượng công lực đã nhanh chóng phong toả khu vực xung quanh hiện trường vụ đánh bom.
Lan Chi
Cuộc bạo loạn nổ ra sau khi lực lượng an ninh Philippines bố ráp một ngôi nhà ở Marawi để lùng bắt thủ lĩnh Isnilon Hapilon của nhóm Abu Sayyaf. Hapilon bị Mỹ xếp vào diện phần tử khủng bố nguy hiểm nhất thế giới và treo thưởng 5 triệu USD cho ai bắt được y. Hiện chưa rõ tung tích của người này, nhưng AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết ngay sau cuộc bố ráp, hơn 100 tay súng bất ngờ đột kích, đốt phá nhà thờ, trường học và tiến hành các đợt nổ súng vào lực lượng an ninh trên khắp thành phố. Theo ông Lorenzana, nhóm tấn công đã chiếm đóng toà thị chính, một bệnh viện và trại giam, đồng thời thả nhiều tù nhân bị xếp vào diện nguy hiểm. Nhiều thành viên Maute ẩn náu trong các toà nhà và bắn tỉa vào các binh sĩ. Hình ảnh được người dân địa phương chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các tay súng đi trên nhiều con đường ở Marawi, tay cầm cờ IS. Đến hôm qua, đã có ít nhất 2 binh sĩ và một cảnh sát thiệt mạng, 12 người khác bị thương.
Bên cạnh đó, trang CBCP News của Hội đồng thường trực giám mục Philippines dẫn lời giám mục Edwin de la Peña của Marawi cho biết trước khi đốt nhà thờ, nhóm tay súng Maute đã bắt cóc một linh mục và hơn 10 người làm con tin, doạ sẽ sát hại tất cả nếu quân đội không rút lui. Chưa hết, chiều 24.5, Tổng thống Duterte cho hay cảnh sát trưởng của Malabang, thành phố ngay cạnh Marawi, đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan chặt đầu khi đang trên đường về nhà.
Đến tối qua, theo nguồn tin địa phương, nhiều tay súng vẫn đang cố thủ tại một số địa điểm trong thành phố. Trong khi đó, ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của tổng thống, khẳng định: “Chính quyền hoàn toàn kiểm soát tình hình” còn Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana cho biết đã có thêm 1.000 binh sĩ được điều động đến Marawi. Mặc dù chính quyền khuyến cáo người dân ở yên trong nhà nhưng AFP đưa tin hàng ngàn người đã tháo chạy đến thành phố Iligan kế cận. Trên mọi lối ra vào Marawi đều có chốt kiểm tra của quân đội và đoàn xe sơ tán bị rà soát nghiêm ngặt.
Nhiều nước bị cáo buộc trục xuất các phần tử nước ngoài muốn gia nhập tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đến Malaysia dù họ không mang quốc tịch nước này.
Thiết quân luật
Vụ việc rúng động xảy ra giữa lúc Tổng thống Duterte đang thăm Nga khiến ông phải rút ngắn chuyến công du để về nước. Nhà lãnh đạo phải hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sớm hơn dự kiến và huỷ cuộc gặp Thủ tướng Dmitry Medvedev. Ông cũng đề nghị Nga tăng hỗ trợ vũ khí hiện đại cho Philippines để chống IS.
Ngay từ lúc còn ở Nga, ông Duterte tuyên bố áp đặt thiết quân luật khắp đảo Mindanao, quê nhà của ông. Trên máy bay, nhà lãnh đạo tiếp tục cảnh báo thiết quân luật ở Mindanao sẽ cứng rắn không khác thời nhà độc tài Ferdinand Marcos trong thập niên 1970 để có thể trấn áp hiệu quả các tay súng. “Thiết quân luật là thiết quân luật. Nó sẽ không khác so với những gì Tổng thống Marcos đã làm. Tôi sẽ cứng rắn”, tờ The Philippine Star dẫn lời ông Duterte nhấn mạnh.
Theo Hiến pháp Philippines, tổng thống được phép ban bố thiết quân luật trong 60 ngày khi có “xâm lược hoặc nổi loạn và theo nhu cầu bảo đảm an ninh quốc gia”. Tuy nhiên Tổng thống Duterte không nêu rõ thời hạn lệnh áp đặt ở Mindanao. “Trong bao lâu à? Nếu cần phải một năm, chúng tôi sẽ kéo dài ra một năm. Nếu mọi thứ kết thúc trong một tháng, tôi sẽ rất vui mừng”, ông nói. Không lâu sau khi biết tin cảnh sát trưởng Malabang bị giết hại, nhà lãnh đạo còn cảnh báo có thể áp đặt thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Philippines. Hồi tháng 1, Tổng thống Duterte từng nói nếu cần thiết, ông có thể bỏ qua hiến pháp để bảo vệ đất nước và cuộc sống của người dân bằng thiết quân luật.