10/01/2025

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?: Chạm đến vấn đề nhạy cảm

Trong hàng chục năm qua, một số tỉnh đã tìm cách để tinh giản biên chế, sắp xếp, thanh lọc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thế nhưng đây là việc làm mà chính những người trong cuộc nhìn lại đều đánh giá là rất gian nan.

 

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?: Chạm đến vấn đề nhạy cảm

 

Trong hàng chục năm qua, một số tỉnh đã tìm cách để tinh giản biên chế, sắp xếp, thanh lọc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thế nhưng đây là việc làm mà chính những người trong cuộc nhìn lại đều đánh giá là rất gian nan.




Bỏ biên chế thì phải có giải pháp đồng bộ  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Bỏ biên chế thì phải có giải pháp đồng bộẢNH: NGỌC THẮNG

Cương quyết nhưng thận trọng
Ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, nhớ lại: “Năm 2002, thời điểm bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa hiện hành, thì đề án tinh giản biên chế được phê duyệt, triển khai, nhưng trước đó là cả một quãng đường gian nan. Sở GD-ĐT được giao nhiệm vụ tham mưu, xây dựng dự thảo nhưng ngay trong nội bộ của ngành cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Động chạm đến vấn đề con người là rất nhạy cảm, nên không thể chỉ giải quyết bằng một mệnh lệnh trong văn bản hành chính được. Khi ấy, trước nhiều băn khoăn, trách móc, tôi nói: Ta thương, ta trân trọng đội ngũ giáo viên (GV) ấy, nhưng ta cũng phải thương học trò của chúng ta hiện nay, chúng có quyền được hưởng chất lượng giảng dạy tốt nhất từ phía những người thầy của mình”.
Khi đã xác định được số GV không đủ năng lực theo yêu cầu mới, tùy đối tượng GV, Nghệ An chia thành nhiều cách thức giải quyết khác nhau. GV lớn tuổi thì giải quyết nghỉ hưu sớm. GV không đảm bảo sức khỏe và năng lực thì chuyển sang làm nhân viên trong trường học, thủ thư hoặc nhân viên phòng thí nghiệm… GV bồi dưỡng lại vẫn không đạt yêu cầu nhưng có khả năng thì cho đào tạo lại, đào tạo thêm để đạt chuẩn nghề nghiệp…
Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?: Chạm đến vấn đề nhạy cảm - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?

Nhiều ý kiến tranh luận trước thông tin sắp tới Bộ GD-ĐT giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập.

Ông Hưng chia sẻ: “Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ một đề án chưa từng có tiền lệ. Gần 4.000 GV dưới chuẩn quá xa đã được giải quyết chính sách, thuyên chuyển công việc khác. Động chạm tới gần 4.000 con người chắc chắn không phải việc đơn giản, lại càng không phải vừa lòng được tất cả. Thế nhưng, theo những người xây dựng và thực thi đề án này, bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra là phải dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu. Tuy nhiên, dù cương quyết nhưng cách làm cũng phải hết sức thận trọng để GV dù thuộc đối tượng nào cũng không bị tổn thương”.

Khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, năm nào Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng đều có hướng dẫn tổ chức kiểm tra kiến thức GV nhằm làm căn cứ để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng hợp lý đội ngũ GV, nâng cao chất lượng dạy học. Đối tượng được miễn kiểm tra là những ai dạy giỏi hoặc đạt vòng thi năng lực tại hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh, GV đang trực tiếp tham gia bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh, GV đang trực tiếp giảng dạy môn chuyên tại trường THPT chuyên, GV nam có tuổi đời 55 trở lên và nữ có tuổi đời 50 trở lên.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết thực hiện từ năm 2013 đến nay, đối với GV chưa đạt yêu cầu, đặc biệt qua 2 kỳ kiểm tra liên tiếp vẫn không đạt về kiến thức chuyên môn thì đề nghị trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo trường bố trí, sắp xếp lại công việc cho phù hợp với năng lực và tình hình thực tế của đơn vị. Kiên quyết không bố trí giảng dạy đối với những GV không đạt chuẩn, chất lượng giảng dạy thấp… Tuy nhiên, theo ông Hiền, để làm được việc thí điểm bỏ biên chế thì phải có giải pháp đồng bộ, ngành nội vụ phải vào cuộc.
Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, nên hay không?: Chạm đến vấn đề nhạy cảm - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Sẽ bỏ biên chế ngành giáo dục

Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động…

Cần điều chỉnh bằng luật nhà giáo ?

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong ngành với lộ trình 5 năm, từ 2015 – 2021. Theo hướng dẫn này, các đơn vị GD-ĐT công lập sẽ phải rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, xây dựng kế hoạch tinh giản, nêu rõ phương án bố trí sắp xếp nhân sự đúng theo vị trí việc làm để không còn GV, nhân viên có trình độ chuyên môn không phù hợp, không đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện thì chính sách này cũng chưa áp dụng hiệu quả trên thực tế.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Các trường hiện nay hoàn toàn không được quyền tự chủ về công tác nhân sự, tuyển dụng đội ngũ. Ví dụ, Hà Nội hiện rất mong ưu tiên tuyển dụng đối tượng có chất lượng cao nhưng không được vì đó là chuẩn chung”.
Theo ông Độ, trong vấn đề đội ngũ với GV thì quan trọng nhất là cơ cấu vì thực tế đủ về số lượng nhưng lại không đảm bảo về cơ cấu. Ví dụ với cấp THCS, Bộ giao định biên là 1,9 GV/lớp nhưng thực tế nhiều khi tuyển đủ về số lượng nhưng chỉ theo kiểu “điền vào ô trống”. Có trường thiếu GV nhạc hoạ nhưng không tuyển được thì lại lấp chỗ trống bằng cách tuyển GV toán vào để đủ định biên. Điều này dẫn tới tình trạng, tổng số thì vẫn là 1,9 GV/lớp nhưng có khi vẫn thiếu GV ở một số môn học. Không đồng bộ về cơ cấu, chất lượng giáo dục sẽ bị giảm. Nếu giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc tuyển chọn GV thì họ sẽ tuyển đúng, tuyển đủ GV ở những bộ môn mà họ đang cần.
Bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho hay: “Lãnh đạo tỉnh đang đề nghị chúng tôi làm đề xuất chính sách cho GV hợp đồng được hưởng mọi quyền lợi như viên chức, được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên… như viên chức, chỉ khác là không đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo”. Tuy nhiên, bà Oanh cũng nhìn nhận: “Việc liên quan đến con người mà lại là nhà giáo nên rất nhạy cảm. Chúng tôi cũng nói với nhau, nhà giáo vừa đa sự vừa nhạy cảm, nếu làm không có lộ trình cẩn thận thì sẽ rất khó”.
Góp ý kiến về chủ trương chuyển từ biên chế sang hợp đồng đối với GV, bà Oanh nhận định: “Chuyển GV sang hợp đồng mục tiêu là tốt cho nhà giáo nhưng luật Nhà giáo chưa có trong khi luật Viên chức quy định trong các cơ sở công lập thì không được hợp đồng lao động. Nếu hợp đồng lao động mà chưa có luật Nhà giáo để điều chỉnh nội dung này thì sẽ là vấn đề khó”.


Ý kiến
Tạo môi trường tốt và đãi ngộ thoả đáng
Nên tranh thủ khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Cùng với đó phải thay đổi cách đánh giá GV vì nếu đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp hiện nay thì hầu như ai cũng “đạt yêu cầu”. Bên cạnh đó, cần tạo động lực, môi trường làm việc tốt và sự đãi ngộ thoả đáng cho GV.
Nguyễn Thị Nhiếp 
(Hiệu trưởng THPT Yên Hoà, Hà Nội)
Nên thí điểm ở những vùng thuận lợi
Trước tiên, việc thí điểm không còn công chức, viên chức trong GV nên thực hiện ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi như ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Bởi ở những nơi này có mô hình trường dân lập đã thực hiện việc trả lương cho GV theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Còn ở những vùng miền khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên thực hiện sau cùng.
GS Đinh Quang Báo 
 
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)


 

Tuệ Nguyễn