Ngày ấn tượng của Tổng thống Trump
Các thoả thuận đầu tư và hợp đồng vũ khí trị giá 350 tỉ USD là dấu ấn chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày đầu tiên công du đến Saudi Arabia.
Ngày ấn tượng của Tổng thống Trump
Các thoả thuận đầu tư và hợp đồng vũ khí trị giá 350 tỉ USD là dấu ấn chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày đầu tiên công du đến Saudi Arabia.
Vua Salman của Saudi Arabia trao huân chương Abdulaziz cho Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-5 – Ảnh: Reuters |
Mặc cho những lộn xộn chính trị đang hoành hành ở quê nhà, Tổng thống Donald Trump đã có một khởi đầu thuận lợi tại Riyadh (Saudi Arabia) trong chuyến công du 9 ngày xuyên Trung Đông và châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết các hợp đồng vũ khí ký giữa Mỹ và Saudi Arabia đạt 110 tỉ USD và cộng với các khoản đầu tư khác, con số có thể lên đến 350 tỉ USD.
Thành công bị phủ bóng
Thành quả của ông Trump tại Riyadh có lẽ sẽ giành nhiều sự quan tâm hơn, nếu truyền thông Mỹ không quá “quan tâm” đến sự kiện giám đốc FBI James Comey bị sa thải (ngày 9-5). Các tên tuổi lớn như Đài CNN, báo New York Times, Washington Post… công bố nhiều “tin rò rỉ” gây bất lợi ngay trước thềm chuyến công du của ông Trump, khiến Nhà Trắng phải chật vật đối phó.
Nếu bỏ qua chút “phiền muộn” đó, ông Trump tỏ ra khá lạc quan sau ngày làm việc đầu tiên của chuyến công du. “Hàng trăm tỉ USD đầu tư sẽ đổ vào Mỹ và (sẽ tạo ra) việc làm, việc làm, việc làm… Nên tôi muốn gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân Saudi Arabia” – Tổng thống Mỹ hào hứng trước các phóng viên sau buổi lễ trao đổi thỏa thuận với các quan chức Saudi Arabia.
Theo một số nội dung hợp đồng được công bố, 150 chiếc trực thăng BlackHawk của Hãng Lockheed Martin sẽ được lắp ráp tại Saudi Arabia trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 6 tỉ USD. Hãng dầu khí Saudi Aramco ký nhiều thỏa thuận trị giá 50 tỉ USD với các công ty Mỹ trong nỗ lực đa dạng hoá nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu dầu – theo giám đốc điều hành Amin Nasser. Hãng General Electric của Mỹ cũng kiếm được các hợp đồng trị giá 15 tỉ USD với các tổ chức của Saudi Arabia…
Cả Mỹ và Saudi Arabia đều không ngần ngại khẳng định các hợp đồng vũ khí nhằm đối phó với Iran, đúng vào ngày ông Hassan Rouhani tái đắc cử chức tổng thống (20-5). Ngoại trưởng Tillerson cho rằng ông Rouhani nên dành khoảng thời gian nhiệm kỳ hai để chấm dứt các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran và “ngừng cổ vũ cho chủ nghĩa cực đoan trong khu vực”.
Trong các sự kiện khác, ngày 21-5 Tổng thống Trump đã có các cuộc hội đàm riêng với lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh bao gồm Bahrain, Qatar, Ai Cập, Kuwait và Oman. Chính quyền mới của Mỹ được đánh giá đang theo đuổi chiến lược thành lập một liên minh Ả Rập tương tự NATO để đối phó với Iran. |
“Khởi đầu của bước ngoặt”
Giới quan sát nhận xét Nhà vua Salman bin Abdulaziz của Saudi Arabia dành cho ông Trump sự đón tiếp nồng hậu hơn, nếu so với chuyến thăm năm ngoái của người tiền nhiệm Barack Obama. Theo Reuters, nguyên nhân có thể vì ông Obama bị thế giới Ả Rập đánh giá quá mềm mỏng với Iran và không dứt khoát trong vấn đề Syria.
Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir ca ngợi kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và Vua Salman, gọi đó là “khởi đầu của một bước ngoặt” giữa Mỹ, Saudi Arabia và các nước đồng minh của Washington ở vùng Vịnh. Trong một cử chỉ thể hiện sự trọng vọng tại cung điện hoàng gia al-Yamama, Vua Salman đã trao cho Tổng thống Trump tấm huân chương Abdulaziz – vinh dự cao quý nhất dành cho công dân và người nước ngoài có cống hiến lớn cho Saudi Arabia.
Trong bài diễn văn trưa 21-5 ở Riyadh, Tổng thống Mỹ kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết chống lại mối đe dọa từ các nhóm phiến quân mang tư tưởng (Hồi giáo) cực đoan. Đây có thể xem là nỗ lực của ông Trump khởi động lại quan hệ với thế giới Hồi giáo, sau nhiều lần có các phát ngôn phân biệt người theo đạo Hồi. Ông cũng từng ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân bảy nước Hồi giáo.
Chưa sẵn sàng kết nối Israel – Palestine Báo Haaretz của Israel dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Israel và Palestine không nhằm mục đích tái khởi động đàm phán hòa bình giữa hai bên. “Tổng thống cho rằng hòa bình là có thể và cách tiếp cận mới sẽ hiệu quả. Tuy nhiên, ông biết giai đoạn hiện tại vẫn còn sớm. Vì vậy chúng tôi cho rằng chưa đến thời điểm tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo, hoặc đàm phán ba bên về hòa bình Israel – Palestine” – báo Haaretz dẫn nguồn tin Nhà Trắng. Cũng theo nguồn tin này, ông Trump muốn dành chuyến thăm Israel để “khôi phục và nâng cao” quan hệ hai nước, vốn trải qua giai đoạn “8 năm khó khăn” dưới thời ông Obama. “Chúng tôi có một khởi đầu tốt và chúng tôi muốn cho dân tộc Israel thấy liên minh này sẽ trở lại con đường đúng của nó” – nguồn tin nhấn mạnh. |