Đường tồn kho kỷ lục
Lượng đường tồn kho của các nhà máy hiện ở mức trên 700.000 tấn, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay nhưng giá bán tại nhà máy vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Đường tồn kho kỷ lục
Lượng đường tồn kho của các nhà máy hiện ở mức trên 700.000 tấn, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay nhưng giá bán tại nhà máy vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Đường tồn kho tại một số nhà máy đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm – Ảnh: Trần Mạnh |
Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) cho biết nguyên nhân chính của tình trạng tồn kho kỷ lục nói trên là đường lậu với giá rẻ tràn vào qua nhiều cửa khẩu biên giới phía Tây và Tây Nam. Nhưng nhiều đơn vị kinh doanh cho biết đường tồn kho nhiều vì các công ty chưa chịu giảm giá để bán hàng.
Tồn kho kỷ lục
Tính đến ngày 3-5, theo VSSA, lượng đường tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn, nếu cộng với đường trong các kho thương mại, tổng tồn kho lên đến trên 700.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2016 tới 200.000 tấn.
Ông Đỗ Thành Liêm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hoà, cho biết đường tồn kho trước hết do sức tiêu thụ kém, các nhà sản xuất thực phẩm dùng nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo, sữa… giảm mua đường. Ông Liêm nhận định giá nhiều nông sản giảm mạnh nên nông dân khó khăn, khiến lượng đường tiêu thụ giảm cả trực tiếp (mua đường) và gián tiếp (mua các sản phẩm có đường).
Ông Nguyễn Hải, tổng thư ký VSSA, cho biết nếu như các năm trước đường lậu vào VN chủ yếu qua các cửa khẩu biên giới Campuchia ở các địa phương như An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước thì năm nay đường lậu về qua cả các cửa khẩu ở miền Trung – Tây Nguyên.
Với nhiều hình thức buôn lậu và gian lận thương mại tinh vi, đường lậu có thể đưa về mọi ngõ ngách để bán cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất công nghiệp. Ước tính của VSSA cho biết có đến 30% tổng lượng đường tiêu thụ tại VN, tương đương 400.000 tấn/năm, là đường lậu.
Chờ đợi…
Theo giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM, với lượng đường tồn kho như trên, chỉ cần giá đường tăng giảm từ 500-1.000 đồng/kg, chênh lệch đã lên tới 350-700 tỉ đồng. Trong khi các nhà máy đường chưa khó đến mức phải giảm giá bán để đẩy hàng đi như một số năm trước đây. Vì vậy, họ vẫn còn giữ hàng trong kho để hi vọng thời gian tới giá sẽ tăng.
“Các doanh nghiệp đang chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để truy quét đường lậu như năm 2016. Đường lậu giảm đi, đường trong nước sẽ tăng giá hoặc giữ được mức giá hiện nay nhưng bán được nhiều hơn” – vị giám đốc này cho biết.
Ông Nguyễn Hải cho biết gần như toàn bộ đường nhập lậu có xuất xứ từ Thái Lan. Với chính sách phân chia tổng sản lượng đường trong nước theo hạn ngạch, Thái Lan luôn có một lượng đường rất lớn để bán đi với giá rẻ hơn nhiều so với giá trong nước. Nên theo ông Hải, cạnh tranh với đường lậu chỉ doanh nghiệp sẽ không thể giải quyết được.
Nhiều DN thay đường bằng chất tạo ngọt? Theo VSSA, ngoài các nguyên nhân như buôn lậu, đường tiêu thụ của VN giảm trong những tháng đầu năm còn do nhiều nhà sản xuất thực phẩm đã chuyển từ dùng đường (mía hoặc củ cải đường) sang các chất tạo ngọt khác. Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, giá bán đường trắng tại các nhà máy hiện ở mức 15.500-16.500 đồng/kg. Nếu so với giá bán buôn cùng kỳ năm ngoái, giá bán đường hiện nay của các nhà máy vẫn cao hơn từ 1.500-2.000 đồng/kg. Giá đường lậu ở khu vực các cửa khẩu chỉ ở mức 14.500-15.000 đồng/kg. |