Sau khi các thông tin về hạ tầng, về địa giới hành chính được chính quyền TP.HCM công bố công khai, cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng dẹp loạn ‘cò’ đất ‘thổi’ giá, cơn sốt đất tại TP.HCM đã chững lại.
Cơn sốt đất đã hạ nhiệt
Sau khi các thông tin về hạ tầng, về địa giới hành chính được chính quyền TP.HCM công bố công khai, cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng dẹp loạn ‘cò’ đất ‘thổi’ giá, cơn sốt đất tại TP.HCM đã chững lại.
TP.HCM: Cò “bỏ chạy”
Theo ông Minh, một người chuyên môi giới và phân lô đất tại H.Bình Chánh (TP.HCM), những ngày qua thị trường đã có dấu hiệu chững lại. Thậm chí tại xã Phong Phú (H.Bình Chánh), cơn sốt đẩy giá đất ở đây lên khoảng 4 triệu đồng/m2, gấp đôi giá trước đó, thì nay giá đã trở lại lúc ban đầu là 2 triệu đồng/m2. Hiện thị trường đất nền tại Bình Chánh đã chững lại do khách mua ít, giao dịch cũng giảm 15% so với thời điểm cách nay một tháng. “Bây giờ là giảm giao dịch, tiếp theo mới giảm giá do khách mua ít, thậm chí không ai mua”, ông Minh nói và cho biết, hiện tách thửa đất đang khó khăn do TP đang sửa Quyết định 33 nên các đầu nậu đều án binh bất động.
Tại dự án Sadeco (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM), nhân viên môi giới ở đây cho hay mấy ngày nay giao dịch giảm hẳn. Nhiều khách ký gửi bán nền dưới giá mặt bằng chung của khu vực nhưng chào mãi cũng không ai mua. Thậm chí dự án Thanh Nhật (đường Phạm Hữu Lầu, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè) cách đây 2 tháng giá bán từ 20 – 20,5 triệu đồng/m2 thì nay còn khoảng 18 triệu đồng/m2 mà cũng không có khách mua.
“Sadeco là dự án đất nền được dùng để tham chiếu giá cho các dự án khác tại khu vực H.Nhà Bè mà chững lại thì giá của những nơi khác trong huyện chắc chắn cũng đứng theo. Khách mua chủ yếu để đầu tư nên gặp thông tin bất lợi là đứng hình ngay”, nhân viên này cho biết.
Bây giờ là giảm giao dịch, tiếp theo mới giảm giá do khách mua ít, thậm chí không ai mua
Ông Minh, một “cò” đất ở H.Bình Chánh (TP.HCM)
Trong khi đó, một điểm nóng về tăng giá đất là khu vực Q.9 (TP.HCM) tình trạng cũng tương tự. Ở các khu đất phân lô bán nền tại khu vực P.Phú Hữu (Q.9), giá đất đã giảm mạnh. Cụ thể, giá đất một số khu phân lô trong hẻm nếu trước đây giá 20 – 22 triệu đồng/m2 thì nay còn khoảng 18 triệu đồng/m2. Lãnh đạo một công ty địa ốc tại Q.9 thừa nhận thị trường đất nền ở khu Đông Sài Gòn đã chững lại sau một thời gian “nóng” ran. “Điều này tốt cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và cả người dân. Bởi thị trường phát triển bền vững thì có thể “kiếm ăn” bền vững, dù không nhiều”, vị này nói. Cách đây 1 – 2 tháng, khu vực này cò đất đứng đầy đường. Mỗi khi có người đi ngang, họ còn lao xuống lòng đường phát tờ rơi, chèo kéo khách thì đến chiều qua các khu phân lô bán nền tại Q.9 gần như không thấy bóng dáng “cò”, các bảng rao bán đất cũng dẹp bớt. Tại các điểm bán hàng chỉ còn “cắm chốt” một đến hai người đứng tư vấn cho khách.
Dạo một vòng các khu vực trước đây là tâm điểm nóng sốt của H.Củ Chi, giá đất nay đã chững lại, người mua cũng không còn “tấp nập” như trước. Ghé vào một quán cà phê ven đường ở xã Trung An, tâm điểm của cơn sốt đất thời gian qua, bà chủ quán kiêm “cò” đất nói không biết chuyện bán buôn đất đai gì cả, muốn mua đất bà sẽ cho số chủ đất. Khi chúng tôi hỏi vì sao trao bảng bán đất nền mà không biết thông tin, bà chủ quán trả lời, trước đây thì có làm “chút chút” nhưng nay không dám làm nữa vì có nhiều thông tin nói “cò” thổi giá, đưa công an vào điều tra nên sợ. Cũng theo bà này, nếu cách đây không lâu giá đất tăng mỗi ngày, người đến mua bán tấp nập thì nay giao dịch không còn, giá cũng đứng im.
Hà Nội: rao giá cao nhưng bán không được
Nếu cơn sốt ở TP.HCM đã bắt đầu hạ nhiệt thì tại Hà Nội môi giới vẫn đang “miệt mài” đẩy giá đất. Đơn cử như tại dự án Thanh Hà Cienco 5, nhiều người có nhu cầu bán đất nền liền kề tại đây đang rao 18 – 24 triệu đồng/m2 tùy lô. Thậm chí, tại một số vị trí đẹp, giá đất được đẩy lên đến 31 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo lời anh Ngô Văn Long, chủ một tin rao vặt đất tại Thanh Hà Cienco 5, thì khách hầu như đều trả giá thấp hơn mức rao bán nhiều. Do đó, rao tin cả vài tháng nhưng anh vẫn chưa bán được mảnh đất diện tích hơn 80 m2 của mình.
“Mình rao giá 21 triệu đồng/m2, mức trung bình so với thị trường nhưng cũng chưa bán được, khách nói giá cao vì một số chỗ rao 15 – 18 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá này mình đã cân đối và tính toán”, anh Long chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, giá đất dự án Thanh Hà Cienco 5 bị đẩy lên khá mạnh. Hiện tại, có khu vực rao giá gấp 1,5 – 2 lần so với giá trên hợp đồng mua bán ban đầu. Một số người làm môi giới tại văn phòng nhà đất quanh khu vực này thậm chí báo giá 50 – 55 triệu đồng/m2 (giá hợp đồng 24 triệu đồng/m2 cho lô đẹp cạnh đường). Còn khu vực gần hồ, đất đang được đẩy lên mức giá khoảng 25 – 28 triệu đồng/m2 so với giá hợp đồng 16 triệu đồng/m2.
Một môi giới tự giới thiệu tên Xuân thúc giục, nếu nhà đầu tư không quyết nhanh, giá đất còn tăng lên từng ngày. Để thuyết phục khách “xuống tiền”, Xuân đưa ra một số chiêu thức “hết sức hiệu quả” là mua bán sang tay nhanh kiếm chênh lệch. “Lẽ ra phải vào ngay 50% tổng giá trị hợp đồng nhưng có thể xin lùi đóng 2/3 với lý do phải xoay tiền. Trong thời gian chờ đóng tiếp số còn lại sẽ tìm cách đẩy đi với giá cao hơn, cũng ăn chênh được một khoản”, Xuân nói. Nhưng mọi chuyện không dễ ăn như vậy. Một người mua đất đang bị “sa lầy” vì chiêu thức này đau khổ cho biết, việc đẩy hàng đi rất khó khăn bởi nhà đầu tư nào có chút kinh nghiệm thì đều biết là đất ở đây đang bị thổi giá, giao dịch thật không có nhiều.
Không ít nhà đầu tư đến thăm mua đất tại dự án này cũng thuộc đội quân “thổi giá”. Khi biết chúng tôi có nhu cầu “lướt sóng” đất tại Thanh Hà Cienco 5, một nhà đầu tư giới thiệu tên Tuấn Anh cho hay nếu ngại mua đơn lẻ, có thể gom tiền chung với một số người khác, sau đó cùng nhau thổi giá. “Đến mức hợp lý là cùng bảo nhau chốt, đẩy đi, thu tiền về”, anh này chắc mẩm.
Đáng nói là dù giá bị thổi tăng vùn vụt, hạ tầng dự án này hầu như chưa có gì. Hiện tại, dự án vẫn mới chỉ có 3 toà nhà hoàn thiện, hạ tầng cây xanh chưa có. Phần hồ theo như thiết kế cũng chưa có nhưng giá bán đã bị đội lên gấp 1,5 – 2 lần so với giá vào hợp đồng. Trước đó, dự án này có khá nhiều tai tiếng. Gần nhất, vào tháng 6.2016, cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã yêu cầu dừng hoạt động huy động vốn liên quan kinh doanh bất động sản thuộc dự án này. Nhiều năm liền, dự án cũng liên quan đến kiện cáo, tranh chấp, không đưa vào hoạt động. Ngoài Thanh Hà Cieco 5, tại Hà Nội, đất ở một số khu vực khác cũng bị “thổi giá” mạnh như ở P.Dương Nội (Q.Hà Đông) điểm gần dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall sắp đầu tư, P.Mỗ Lao (Q.Hà Đông), khu đô thị Văn Phú (Q.Hà Đông)…
Lừa rao cho thuê đất công của nhà nước
Ngày 22.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến trong một cuộc họp với các sở ngành cho biết vừa phát hiện một người đã chuyển tiền cọc 100 tỉ đồng vào tài khoản treo ngân hàng để được thuê khu đất 79 Trương Định, P.Bến Thành, Q.1. Đáng nói là khu đất trên thuộc sở hữu nhà nước có diện tích khuôn viên 1.293 m2, diện tích sàn xây dựng 4.652 m2, được TP giao cho Sở Khoa học – Công nghệ quản lý sử dụng. Khu nhà này hiện bỏ trống, hư hỏng nặng. Ông Tuyến khẳng định việc rao trên mạng cho thuê khu đất này là phi pháp, cần phải ngăn chặn ngay lập tức, vì đây là đất công, đã có chủ trương đầu tư.