10/01/2025

Chương trình vệ tinh bí ẩn của Nga

Nhóm vệ tinh Nga được phóng vào quỹ đạo từ năm 2013 – 2015 đang vận hành một cách khó hiểu, làm dấy lên nhiều đồn đoán về nhiệm vụ thật sự của chúng.

 

Chương trình vệ tinh bí ẩn của Nga

Nhóm vệ tinh Nga được phóng vào quỹ đạo từ năm 2013 – 2015 đang vận hành một cách khó hiểu, làm dấy lên nhiều đồn đoán về nhiệm vụ thật sự của chúng.



 

Một cuộc phóng tên lửa mang vệ tinh vào vũ trụ của NgaẢNH: CHỤP MÀN HÌNH EPA

Nga phóng 3 vệ tinh Kosmos-2491, Kosmos-2499 và Kosmos-2504 lên quỹ đạo tầm thấp từ năm 2013 – 2015. Trong hơn 1 năm qua, cả ba đều “ngủ yên”, không có hoạt động hay dịch chuyển gì. Tuy nhiên, mới đây, một trong số 3 vệ tinh bất ngờ dịch chuyển khỏi quỹ đạo bay của mình hàng trăm mét và tiếp cận một mảnh vỡ từ vệ tinh khí tượng đã bị bắn hạ của Trung Quốc, theo tờ The Daily Beast. Vệ tinh Trung Quốc bị bắn trúng trong một vụ thử nghiệm tên lửa hồi năm 2007 và bị phá hủy thành hơn 10.000 mảnh vỡ trôi nổi trong quỹ đạo.
Nhiệm vụ tuyệt mật
Quãng đường di chuyển nói trên của vệ tinh Nga được đánh giá là rất ấn tượng đối với một vệ tinh cỡ nhỏ, chỉ nặng khoảng 90 kg. Thực chất, đây cũng không phải lần đầu tiên nhóm vệ tinh này có chuyển động bất ngờ. Hơn 3 năm qua, chúng thường xuyên thay phiên nhau di chuyển một cách khó hiểu rồi lại quay về trạng thái “ngủ đông”. Trong đó, Kosmos-2491 là đối tượng khiến các chuyên gia phương Tây quan tâm nhất. Theo The Daily Beast, vệ tinh được phóng vào tháng 12.2013 cùng 3 vệ tinh khác. Tuy nhiên, trong khi “các bạn đồng hành” được mô tả rõ là vệ tinh thông tin liên lạc không có khả năng tự di chuyển thì không có bất cứ thông tin nào về Kosmos-2491. Ban đầu, giới quan sát nước ngoài còn tưởng đây là một mảnh vỡ rồi “ngã ngửa” khi thấy vệ tinh tự di chuyển theo quỹ đạo.
Đến nay, không ai biết đích xác nhiệm vụ của nhóm vệ tinh Nga còn Moscow chưa hé lộ bất cứ thông tin nào. Lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ liên bang Oleg Ostapenko chỉ giải thích ngắn gọn rằng chúng “chỉ nhằm mục đích hòa bình”. Trong khi đó, tiến sĩ Laura Grego thuộc Liên minh Các nhà khoa học Mỹ (UCS) đánh giá cao năng lực của vệ tinh Nga khi có thể nằm im trong nhiều năm nhưng vẫn có thể tái hoạt động. Một số chuyên gia suy đoán khả năng tự phục hồi công năng và di chuyển cho thấy những thiết bị này có thể là vệ tinh quan sát chuyên chụp quét và tích hợp thông số của vệ tinh nước khác. Cũng có ý kiến nhận định đây là công cụ thử nghiệm cho chương trình vũ khí không gian.
Chương trình vệ tinh bí ẩn của Nga - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Cuộc đua vũ khí không gian

Không gian cận trái đất có thể sẽ sớm trở thành chiến trường trong tương lai và Nga, Mỹ đều đang phát triển vũ khí mới để bắn hạ mục tiêu ngoài tầng khí quyển.

Sát thủ diệt vệ tinh

Sự mập mờ của chương trình vệ tinh bí mật của Nga làm nảy sinh nhiều giả thuyết trong giới đam mê lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như quan chức các nước rằng có thể Moscow đang hướng tới sở hữu sát thủ diệt vệ tinh. “Bạn có thể lắp vào đó ống phóng laser hoặc gắn thuốc nổ lên để gây thiệt hại, thậm chí phá hủy những vệ tinh xung quanh”, chuyên gia Nga Anatoly Zak nhận định.
Theo chuyên san The National Interest, tại phiên điều trần trước Uỷ ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 11.5, Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats tuyên bố nhiều đối thủ đang theo đuổi chương trình vũ khí không gian nhằm đối phó với Mỹ. “Cả Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí chống vệ tinh toàn diện nhằm giảm sự hiệu quả của quân đội Mỹ”, ông Coats nói. Quan chức này đặc biệt nhấn mạnh giả thuyết Nga và Trung Quốc đang phát triển các loại vệ tinh “vừa có thể giả dạng như những thiết bị không gian khác vừa có thể tự đâm vào và phá huỷ thiết bị của đối phương nếu cần thiết”. Một số chuyên gia Mỹ cho rằng những tính năng này, đặc biệt là tự di chuyển, đều phù hợp với hoạt động của 3 vệ tinh bí ẩn do Nga phóng lên.

Theo UCS, vệ tinh “sát thủ” có thể tự tiếp cận mục tiêu ngoài không gian và ra tay tùy vào chức năng của mục tiêu (truyền thông liên lạc, quan sát…) như gây nhiễu, tấn công mạng hoặc đâm vào để phá huỷ. Số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 12.2016, có 1.459 vệ tinh đang bay ngoài không gian (Mỹ chiếm 593 vệ tinh) phục vụ nhiều chức năng khác nhau gồm quan sát trái đất, thông tin liên lạc, phát triển công nghệ… Vì thế, việc sở hữu vũ khí không gian có thể giúp cho một quốc gia nào đó nắm lợi thế chiến lược lớn vì cả thế giới hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào vệ tinh để ứng dụng cho điện thoại thông minh, internet, hệ thống định vị, truyền hình, giao thông…

Đồn đoán về trạm quan sát vệ tinh Nga tại Nicaragua
Chính phủ Nicaragua vừa lên tiếng phủ nhận thông tin nói trạm quan sát tín hiệu vệ tinh mặt đất mà Nga tài trợ thành lập tại nước này có mục đích do thám Mỹ và các nước trong khu vực. Trạm vệ tinh có tên Glonass đi vào hoạt động từ ngày 7.4 và nằm ở phía nam thủ đô Managua. AP dẫn lời Giám đốc Orlando Castillo của Công ty liên lạc viễn thông nhà nước Nicaragua khẳng định trạm vệ tinh Glonass nhằm giúp thu thập thông tin để đối phó nạn buôn ma tuý, thảm hoạ tự nhiên, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác. Theo Hãng thông tấn Sputnik, dự án Glonass được Nga khởi động từ năm 1993 và được coi là đối trọng với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Mạng lưới này bao gồm 27 vệ tinh, cho phép nhanh chóng định vị đối tượng đang ở trên mặt đất, trên biển hoặc trên không.

Chương trình vệ tinh bí ẩn của Nga - ảnh 3

 
 

 

Bảo Vinh