Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ
Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đề án này.
Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ
Sáng 20.5, tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đề án này.
Chế biến sâu mới nâng cao giá trị
Chuỗi này thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2016 sản lượng cá ngừ đánh bắt của 3 tỉnh này là 92.192 tấn. Từ năm 2015, công tác bảo quản, chế biến cá ngừ vây vàng, mắt to đã được cải thiện, cùng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu nên giá cá ngừ câu vàng (câu truyền thống) dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, giá cá ngừ câu tay (câu hiện đại) từ 83.000 – 95.000 đồng/kg, riêng cá ngừ vằn giá ổn định từ 25.000 – 32.000 đồng/kg.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thuỷ sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết sau khi triển khai thí điểm chuỗi cá ngừ thì chất lượng cá ngừ ở khâu nguyên liệu đã nâng cao nhờ áp dụng công nghệ trong khâu đánh bắt, bảo quản.
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết năm 2016, tỉnh Bình Định tổ chức 12 chuyến biển cho 25 tàu cá tham gia khai thác theo công nghệ Nhật Bản, đã đánh bắt được 5.147 con với tổng trọng lượng 207.787 kg, nhưng chỉ đưa sang Nhật Bản 28 con (1.225 kg) để bán đấu giá. “Số lượng cá ngừ đạt chất lượng để xuất khẩu sang Nhật Bản chưa nhiều nên chưa tăng giá trị, tạo thu nhập cho ngư dân. Hơn nữa, chi phí lưu kho, vận chuyển máy bay, bán đấu giá… tại Nhật Bản rất cao nên doanh nghiệp không có lãi mà chỉ mới xây dựng thương hiệu cho cá ngừ VN tại Nhật Bản”, ông Phúc nói.
Trong khi đó, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định, cho biết công ty đưa cá ngừ Bình Định sang Nhật Bản với giá bán từ 230.000 – 240.000 đồng/kg, nhưng phải bù lỗ gần 30.000 đồng/kg. “Chi phí đưa cá ngừ sang Nhật Bản để bán đấu giá rất cao, chiếm hơn 60% giá trị nên chúng tôi phải bù lỗ”, bà Lan giải thích.
Công ty TNHH Nguyễn Hưng (Phú Yên) liên kết tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ vằn với 25 tàu cá của ngư dân. Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ mới chế biến thô cá ngừ vằn làm nguyên liệu để bán cho một công ty Thái Lan làm đồ hộp. Khi tham quan công ty này, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đã mong muốn công ty xây dựng nhà máy chế biến thành sản phẩm đồ hộp, các sản phẩm phụ trích xuất từ cá ngừ như omega, collagen… thì mới nâng cao giá trị cá ngừ, tăng thu nhập cho ngư dân được.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận trong quá trình thí điểm sẽ có mô hình hiệu quả và chưa hiệu quả nên phải rút kinh nghiệm. “Hiện vẫn còn 2 vấn đề tồn tại lớn nhất, đó là liên kết chuỗi và sản phẩm tiêu thụ chỉ mới tiêu thụ thô, chưa có chế biến sâu. Chúng ta chưa làm chủ công nghệ và chưa có những sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt sản phẩm từ phụ phẩm con cá ngừ. Thành thử giá trị con cá ngừ vẫn chưa được nâng lên. Tới đây, chúng ta cần tập trung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị”, ông Tám nói.
Cần cảng chuyên dụng cho cá ngừ
Bà Cao Thị Kim Lan cũng chỉ ra nguyên nhân chất lượng cá ngừ giảm một phần do chưa có cảng cá chuyên dụng. “Cá đánh bắt về cảng, nhưng để vận chuyển lên bờ thì phải di chuyển từ tàu này qua tàu nọ nên chất lượng cá ngừ sẽ suy giảm. Cần phải có cảng cá ngừ chuyên dụng mới giải quyết dứt điểm được vấn đề này”, bà Lan đề nghị.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết hiện Bộ NN-PTNT đang đầu tư cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Định xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng. “Khi có cảng cá ngừ chuyên dụng rồi, chúng ta sẽ xây dựng quy chuẩn chuyên biệt cho cá ngừ”, ông Tám nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: qua 2 năm thực hiện thí điểm chuỗi cá ngừ đã có một số mô hình chuỗi thực hiện khá tốt, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Nhiều mô hình để khẳng định tính bền vững còn phải thử thách thời gian. Theo Bộ trưởng, hiện nay các doanh nghiệp chế biến cá ngừ chú trọng thị trường xuất khẩu nhưng lại bỏ quên thị trường trong nước.
Sự cố tàu vỏ thép là đáng tiếc
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết sự cố xảy ra đối với các tàu vỏ thép ở Bình Định và Phú Yên đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ là điều đáng tiếc (Thanh Niên đã nhiều lần phản ảnh). Nhưng phải khẳng định tàu vỏ thép, vật liệu mới là xu hướng hiện đại hoá ngành khai thác thuỷ sản nói chung và tàu cá nói riêng. Phần lớn các tàu vỏ thép đóng đúng quy cách, thực sự chuẩn thì đều phát huy hiệu quả. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thuỷ sản rà soát lại những nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ cũng như Tổng cục Thuỷ sản. Qua những lỗi của tàu vỏ thép, Bộ NN-PTNT sẽ tìm hiểu có khiếm khuyết gì không và cử các đoàn về địa phương để xem xét. Bộ sẽ có kết luận cụ thể từng trường hợp.
|
Đức Huy