Minh bạch thông tin để chặn sốt đất
Trước thông tin sốt giá đất nền ở TP.HCM, Thành uỷ TP.HCM đã triệu tập cuộc họp mổ xẻ tình hình và đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh.
Minh bạch thông tin để chặn sốt đất
Trước thông tin sốt giá đất nền ở TP.HCM, Thành uỷ TP.HCM đã triệu tập cuộc họp mổ xẻ tình hình và đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh.
Nếu thông tin quy hoạch được cập nhật chính xác sẽ giảm được tình trạng “tù mù” thông tin dẫn đến sốt đất. Trong ảnh: người dân tham khảo bản đồ quy hoạch một dự án đất nền trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Thông tin chính thức quy hoạch về dự án lớn được UBND TP, các quận huyện cung cấp góp phần “giảm nhiệt” thị trường.
Tuy nhiên, nếu những thông tin này được công bố sớm hơn, từ 4-5 tháng trước, liệu có xảy ra chuyện giới đầu nậu, “cò” đất lợi dụng thổi giá tạo sốt đất hay không?
Tuổi Trẻ đã trao đổi với nhà chức trách và các chuyên gia bất động sản xung quanh vấn đề làm sao để tránh những cơn sốt đất gây ra nhiều thiệt hại.
* Ông Nguyễn Văn Lưu (bí thư Huyện uỷ, chủ tịch UBND huyện Nhà Bè):
Ông Nguyễn Văn Lưu |
Minh bạch thông tin là cần thiết
Qua đợt sốt đất vừa rồi, theo dõi tình hình biến động giá đất ở huyện, tôi thấy việc minh bạch thông tin là cần thiết để tránh tình trạng sốt ảo do các đầu nậu thổi giá lên.
Ví dụ như ở Nhà Bè có một dự án sân golf vừa được chuyển thành khu nghỉ dưỡng nhưng các “cò” đất thông tin rằng khu vực trên vừa được xoá dự án treo.
Chính vì vậy, người dân đổ xô vô mua đất ở khu vực này khiến giá đất từ hơn 1,2 triệu đồng/m2 tăng đến gần 4 triệu đồng/m2.
Hoặc thông tin huyện Nhà Bè trở thành quận mặc dù đã được kết luận chính thức nhưng những người môi giới cứ dựa vào đó mà giới thiệu để khách hàng mua đất… chờ thời.
Hầu hết khách mua đất đều là người ở địa phương khác, đến tìm hiểu mua đất không tìm đến cơ quan chức năng mà chỉ nghe qua người giới thiệu.
Vì vậy, thông tin về quy hoạch, dự án của địa phương gần như không được đưa đến người mua một cách chính xác, kịp thời mặc dù thông tin về quy hoạch, dự án được phổ biến, công khai đến tận UBND các xã.
Sắp tới, học tập quận 12 và Thủ Đức, huyện Nhà Bè cũng sẽ triển khai phần mềm cung cấp thông tin quy hoạch đến người dân qua điện thoại di động.
Huyện cũng sẽ thông tin quy hoạch, thông tin về số lượng giao dịch thành công diễn ra trên địa bàn huyện, thậm chí cả giá giao dịch thành công nếu thu thập được đến các tổ dân phố, tổ nhân dân và cả những người uy tín trong cộng đồng dân cư.
Tất cả thông tin chính thức từ huyện cũng sẽ được đưa lên trang web của UBND huyện nhằm tạo nhiều kênh thông tin cho người dân dễ tiếp cận nhất.
* Ông Phạm Lâm (tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Danh Khôi Á Châu):
Ông Phạm Lâm |
Lập kênh thông tin chính thức về nhà đất
Việc sử dụng các thông tin quy hoạch, hạ tầng là chuyện bình thường trong thị trường bất động sản.
Tuy nhiên những thông tin xuất hiện dồn dập, trong thời gian quá ngắn, dẫn đến kỳ vọng của những người đầu tư cá nhân cao.
Dựa vào kỳ vọng từ khách hàng, những người đang nắm giữ quỹ đất tìm nhiều cách làm giá tăng, gia tăng lợi ích. Giá đất được đẩy lên cao, không ai kiểm soát được.
Lấy ví dụ như thông tin có chủ trương làm cầu Cát Lái, kết nối Đồng Nai và TP.HCM. Ngay lập tức những thông tin đó được truyền thông liên tục, nhắc nhớ đối với việc bán hàng.
Cho nên giá đất quận 2 tăng đột biến từ 20 triệu đồng/m2 lên 25-27 triệu đồng/m2. Đồng thời bên kia cầu, giá khu vực trung tâm huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), hồi trước 6-7 triệu/m2, ở những xã xa 4-5 triệu/m2, ngay lập tức người dân ào ào đến, làm giá tăng lên cao 10-12 triệu đồng/m2.
Trong khi thông tin thời gian khởi công dự án đến nay vẫn mù tịt. Còn giới môi giới vẫn thông tin “sắp khởi công”.
Thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước hết sức quan trọng để tránh tình trạng “hô giá, tạo sốt đất ảo”. Việc công bố thông tin phải từ nguồn chính thống, định hướng rõ ràng.
Ngay thời điểm công bố thông tin quy hoạch phải nói rõ cho người dân biết chủ trương của TP, tránh trường hợp người dân hiểu sai.
Hoặc nếu thông tin về siêu dự án, cần phải nói cho người dân hiểu một siêu dự án phát triển trải qua bao nhiêu bước và hiện giờ đang ở bước nào, TP có chấp thuận hay không… để người dân nắm bắt đầy đủ, đắn đo khi đầu tư.
Ngoài ra, khi có thông tin chủ trương cập nhật mới cũng cần tổ chức các cuộc họp chuyên sâu, công bố thông tin bằng thông cáo báo chí để thông tin rộng rãi cho người dân. Muốn làm được điều này, TP phải xây dựng một kênh thông tin chính thống để người dân theo dõi.
* Ông Phan Công Chánh (chuyên gia bất động sản cá nhân):
Ông Phan Công Chánh |
Thường xuyên cập nhật thông tin quy hoạch, dự án
Thông tin về quy hoạch, dự án… là yếu tố thúc đẩy giá bất động sản tăng nhanh nhất. Trong đó có những nhóm thông tin nếu đưa ra sẽ làm bất động sản tăng giá một cách phi mã như: thông tin về hạ tầng, quy hoạch, về những siêu dự án… Vừa rồi thông tin lại rơi vào cả ba nhóm như vậy nên sốt giá đất.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước tương đối nặng nề, một là minh bạch, hai là để cho các bên tham gia thị trường hiểu đúng đắn các thông tin mà các cơ quan nhà nước muốn công bố.
Người dân bình thường không thể nào hiểu một cách đúng đắn mà không có sự giải thích từ các bên liên quan. Đã đến lúc các cơ quan nhà nước phải xem chuyện cung cấp thông tin cho các bên liên quan như là câu chuyện “cơm bữa”.
Phải kịp thời có động thái định hướng, điều chỉnh thông tin sai lệch cho thị trường. Không thể chờ đến sốt đất diễn ra mới có phản ứng.
Những thông tin về quy hoạch, dự án… phải thường xuyên cập nhật qua những kênh độ tin cậy cao thông qua trang web, kênh báo chí, bàn tròn chuyên gia, hội thảo chuyên đề…
Ngoài ra, cần tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội, công ty đánh giá thị trường để nghe thông tin, tổng hợp xem xét, đánh giá thị trường để thông tin cho người dân.
Ngoài ra, khi có thông tin biến động thị trường phải nhanh chóng tổ chức các cuộc họp khẩn để đưa ra giải pháp “giảm nhiệt”.
Ông Quang Phú (Q.Tân Bình, TP.HCM): Thông tin kịp thời sẽ “trị” sốt Các vụ sốt đất là do người bán tận dụng thông tin mập mờ về quy hoạch để đẩy giá lên, trong khi người mua mờ mịt thông tin nên rơi vào “bẫy”. Tôi thấy thời gian qua báo đăng thông tin huyện này huyện kia lên quận, hẳn nhiên là giới kinh doanh “thổi” thêm thông tin lên, chủ yếu là “sắp rồi”, và người dân đọc báo thì cho rằng có cơ sở. Bài học rút ra là khi chính quyền có thông tin quy hoạch huyện lên quận, xã lên phường hay dự án gì đó dẫn đến sốt đất, chính quyền phải nhanh chóng lên tiếng chính thức. Chính thông tin công khai, kịp thời sẽ “trị” được những cơn sốt vốn trú ngụ trong sự mập mờ thông tin để trục lợi. |
* Bà Vũ Thị Khuyên (phó phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM):
Lập mạng lưới nghiên cứu giá ở quận, huyện Hiện nay một công cụ được sử dụng để biết thị trường nhà đất sốt hay không sốt là bảng chỉ số giá đất khu vực. Bộ Xây dựng rất quan tâm đến việc này và đã chỉ đạo các tỉnh xây dựng mạng lưới nghiên cứu chỉ số giá đất. Tuy nhiên, tại TP.HCM mới chỉ thông tin giá bán ở các dự án. Còn thông tin giá bán đất ngoài dự án chưa thể thiết lập được. Sở Xây dựng TP.HCM đã triển khai thu thập dữ liệu hai lần liên tiếp trong hai năm, tất cả số liệu được lấy từ cơ quan tài nguyên – môi trường, tư pháp, văn phòng công chứng, thậm chí thuê công ty tư vấn thực hiện nghiên cứu, nhưng kết quả số liệu cuối cùng lệch nhau khủng khiếp. Hai căn nhà cạnh nhau nhưng chỉ số giá chênh nhau 10-20 lần, cho nên không hiệu chỉnh được. Nguyên nhân là do hiện nay việc thanh toán khi chuyển nhượng nhà đất chủ yếu bằng tiền mặt, không qua ngân hàng. Ngoài ra, giá trị mua bán trong hợp đồng bị người dân khai sai lệch giá mua thật. Người muốn trốn thuế thì kê giảm, người muốn kê tăng để đưa vào ngân hàng… Ngoài ra, một trong những vấn đề tạo nên đợt sốt là do hiểu biết của người mua đất. Từ trước tới nay, thông tin quy hoạch, dự án đã đưa lên trang web các sở, ngành, nhưng người nào sử dụng đó làm kênh tham khảo thì cần phải có kiến thức, chứ không thể không biết gì, khi cần thiết phải thuê tư vấn. Cũng có chuyện thông tin công bố chưa chính thức nhưng đã bị bên ngoài khai thác, sai sự thật. Hiện sở đã kiến nghị UBND TP giao cho Cục Thống kê xây dựng mạng lưới nghiên cứu chỉ số giá bất động sản trên toàn địa bàn TP.HCM. Nếu làm được việc này, hằng quý sẽ có những báo cáo chính thức về chỉ số giá từng khu vực các quận huyện được công bố để mọi người tham khảo. Khi có những bất thường về giá cả sẽ phản ảnh lên cho lãnh đạo để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời. |