29/11/2024

Hé lộ thất bại của CIA trên đất Trung Quốc

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đã trừ khử gần 20 nguồn tin và “phá hủy một cách có hệ thống” các chiến dịch tình báo của CIA tại nước này.

 

Hé lộ thất bại của CIA trên đất Trung Quốc

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đã trừ khử gần 20 nguồn tin và “phá hủy một cách có hệ thống” các chiến dịch tình báo của CIA tại nước này.



Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh  /// Reuters

 

 

Đại sứ quán Mỹ tại Bắc KinhREUTERS

 

Hôm qua, tờ The New York Times dẫn lời 10 quan chức đương nhiệm và từng làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tiết lộ về một chương cay đắng chưa từng được hé lộ trong lịch sử của cơ quan này. Cụ thể, mạng lưới thu thập tin tức dày công thiết lập tại Trung Quốc đã bị triệt phá hoàn toàn trong giai đoạn 2010 – 2012. Thậm chí đã hơn 5 năm trôi qua nhưng CIA vẫn chưa tìm ra nguyên nhân đằng sau thất bại này.
Mạng lưới bị bẻ gãy
Theo The New York Times, chỉ trong vòng 2 năm, đã có 18 – 20 nguồn tin của CIA bị thủ tiêu hoặc bỏ tù và hầu như làm tê liệt công tác thu thập tình báo tại Trung Quốc cho đến nay. Trước thời điểm đó, CIA thường xuyên nhận được nhiều tin tức giá trị về Bắc Kinh sau thời gian dài vất vả cài đặt thành công mạng lưới tại chỗ với nhiều nguồn tin là quan chức hoặc thân cận với bộ máy chính quyền, theo một số cựu chỉ huy tình báo Mỹ. Tuy nhiên, luồng thông tin mật bắt đầu khan hiếm từ cuối năm 2010 rồi lần lượt biến mất vào đầu năm 2011.
Theo 3 quan chức CIA, thậm chí một người Trung Quốc bị bắn chết ngay trước mắt các đồng nghiệp trong sân của một toà nhà chính phủ. Phía Mỹ nhận định rằng vụ này có thể là lời cảnh cáo để không còn ai dám phản bội đất nước. Có một thời gian câu thông báo: “Chúng ta vừa mất thêm một nguồn tin” đã trở thành nỗi ám ảnh của giới chức CIA. Đến nay, mức độ tổn thất vẫn chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, các cựu quan chức đánh giá số lượng nguồn tin bị triệt tiêu không thua kém gì 2 vụ gián điệp hai mang chấn động trước đây của Aldrich Ames và Robert Hanssen. Theo CNN, ông Ames làm gián điệp cho Liên Xô trong thập niên 1980, còn ông Hanssen bán tin cho Moscow từ năm 1979 – 2001. Cả hai bị cho là đã khiến hàng chục nguồn tin của Mỹ tại Liên Xô, sau này là Nga, bị lộ.
Quá tự tin ?
Trong nhiều năm, CIA đã hợp tác với FBI mở cuộc điều tra chung mang tên Honey Badger do các quan chức phản gián hàng đầu của 2 cơ quan đích thân triển khai. Từ một cơ sở bí mật ở bang Virginia, họ bắt đầu xem xét chi tiết từng chiến dịch tại Bắc Kinh cũng như theo dõi sát sao mọi nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nhằm tìm kẻ rò rỉ thông tin. Theo The New York Times, các điều tra viên nghi ngờ một điệp viên từng làm việc cho đơn vị phụ trách Trung Quốc của CIA, nhưng không có đủ chứng cứ để bắt giữ người này và ông hiện đang định cư tại một nước châu Á. Họ cũng cho rằng có thể tin tặc Trung Quốc đã bẻ khóa thành công để xâm nhập hệ thống liên lạc giữa CIA và các nguồn tin.
Một giả thuyết khác là cách thức hoạt động của mạng lưới ở Bắc Kinh trở nên quá lỏng lẻo. Sau thời gian thành công ban đầu, các điệp viên trở nên chủ quan và khi đi gặp nguồn tin, họ di chuyển trên cùng một lộ trình, không thường xuyên đổi điểm hẹn hoặc trao nhận tin tại những nhà hàng đã bị gài thiết bị nghe lén tại những nơi này.
Đến năm 2013, CIA được cho là một lần nữa bắt tay vào việc cài đặt mạng lưới đặc vụ mới tại Trung Quốc nhưng chưa rõ có thành công hay không. Cơ quan này cùng FBI lẫn chính quyền Trung Quốc đều chưa có phản ứng với các tiết lộ từ The New York Times.
Gián điệp Anh, Mỹ trước nguy cơ lộ sáng
Thông tin của The New York Times được tung ra giữa lúc giới tình báo Mỹ còn đang phải khắc phục hậu quả vụ rò rỉ chấn động bắt đầu cách đây 2 tháng và chưa có dấu hiệu kết thúc. Khi đó, WikiLeaks công bố một loạt tài liệu mật về các công cụ được CIA dùng để chiếm quyền điều khiển và thao túng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, ti vi… Mới đây, tổ chức này tiếp tục đưa lên mạng hồ sơ về mã độc Athena/Hera của CIA sử dụng chung với tình báo Anh. Theo đó, Athena chủ yếu tấn công các máy tính chạy Windows XP đến Windows 10, trong khi phiên bản Hera được tạo dành riêng cho Windows 8 trở đi. Một khi xâm nhập thành công, mã độc cho phép kiểm soát thiết bị, truy xuất dữ liệu để sao chép, xóa hoặc gửi về máy chủ. Tờ The Telegraph dẫn lời giới chức giấu tên cảnh báo tiết lộ này có thể khiến cơ quan phản gián các nước phát hiện và lần theo dấu vết của các gián điệp Anh và Mỹ sử dụng Athena/Hera.


 

Thuỵ Miên