Pháp đang nỗ lực trả lại tên tuổi cho những người thiệt mạng trong lúc xây dựng nhà máy sản xuất tên lửa tầm xa đầu tiên trên thế giới.
Bí mật chưa kể về chương trình V2 của Hitler
Pháp đang nỗ lực trả lại tên tuổi cho những người thiệt mạng trong lúc xây dựng nhà máy sản xuất tên lửa tầm xa đầu tiên trên thế giới.
Tài liệu về phong trào kháng chiến chống quân Đức Quốc xã chiếm đóng châu Âu vào thời Thế chiến thứ 2 vẫn được lưu giữ một cách chi tiết cho đến nay tại Pháp. Thế nhưng ít ai biết rằng hàng ngàn thành viên của phong trào này đã bị buộc phải làm việc cho dự án vũ khí tuyệt mật phục vụ tham vọng bá chủ của trùm phát xít Đức Adold Hitler: tên lửa V2, nguyên mẫu của thế hệ tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên trên thế giới. Giờ đây, sau hơn 70 năm, người Pháp muốn đưa vụ việc ra ánh sáng, với mục tiêu trả lại tên tuổi và danh dự cho gần 9.000 người bị buộc phải lao động khổ sai trong những đường hầm lạnh lẽo dưới mặt đất, theo Hãng tin AFP.
Boong ke bí ẩn
Theo tư liệu của Đài BBC, bắt đầu từ tháng 9.1944, hơn 3.000 quả V2 đã được khai hỏa về phía các nước thuộc lực lượng Đồng minh, khởi đầu là London, và sau đó là Antwerp và Liège. May mắn là vào thời điểm Đức Quốc xã tung ra V2, các lực lượng Đồng minh đã tràn khắp vùng Normandy. Dù vậy, các chương trình tên lửa của Đức cũng đã tước đoạt hàng ngàn mạng sống vô tội. Ước tính khoảng 9.000 người thiệt mạng trong những vụ tấn công bằng V2.
Bị bao vây bởi môi trường khắc nghiệt, thiếu ánh sáng mặt trời lẫn không khí trong lành, tổng cộng có khoảng 4.500 người Pháp bị lưu đày, chủ yếu là nam giới, đã thiệt mạng tại trại tập trung Mittelbau-Dora ở TP.Nordhausen kể từ khi nó được thành lập vào tháng 8.1943. Gần 1/3 trong số này đã tử vong trong vòng 8 tháng đầu tiên khi trại được đưa vào hoạt động. Những câu chuyện hết sức đau lòng về họ đã được góp nhặt từng chi tiết một và đang được lưu giữ tại Trung tâm tưởng niệm và lịch sử La Coupole, một viện bảo tàng về Thế chiến thứ 2 tại Helfaut, gần thị trấn Saint-Omer ở miền bắc Pháp.
Viện bảo tàng ở biên giới Pháp – Bỉ được xây dựng trên nền một boong ke khổng lồ, tên là La Coupole, nằm sâu trong vùng nông thôn đầy cây cối xung quanh Dunkirk. Đây là một trong những công trình xây dựng lớn nhất, cũ nhất và cũng thuộc dạng bí mật nhất vào thời chiến tranh ở châu Âu. Chính tại đây, Hitler và đội ngũ các nhà khoa học chuyên về rốc két đã lên kế hoạch chế tạo vũ khí bí mật V2 với mưu đồ biến
London thành đống gạch vụn và loại quân Anh khỏi cuộc chiến. Được thiết kế để gieo rắc sự kinh hoàng và phá hủy các mục tiêu ở London trong vòng 5 phút sau khi rời bệ phóng, V2 chính là phiên bản tên lửa tầm xa đầu tiên của thế giới. “Cha đẻ” của loại tên lửa vô cùng uy lực này không ai khác ngoài Wernher von Braun, nhân vật sau khi chiến tranh kết thúc đã giúp người Mỹ nhanh chóng triển khai sứ mệnh chinh phục không gian và đưa con người đặt chân lên mặt trăng vào cuối thập niên 1960.
Phần dễ thấy nhất của hầm trú bom La Coupole chính là mái vòm dày khoảng 7,3 m, đủ sức trụ vững trước những đợt rải bom dữ dội từ các máy bay chiến đấu của không quân Hoàng gia Anh (RAF). Ngày nay, vẫn có thể tìm thấy những dấu tích của thời chiến bên trong hệ thống đường hầm với tổng chiều dài đến 8 km và khoảng cách từ mái vòm đến sàn khu vực lắp ráp tên lửa là hơn 41 m. Nhiệt độ trong hầm luôn duy trì từ 7 – 90C và trần nhà vẫn tiếp tục rỉ nước. Mỗi căn phòng đều được đục khoét vào sâu trong sườn đồi nhờ vào công sức của những tù nhân chiến tranh người Liên Xô, người Bỉ gốc Do Thái và lính Pháp. Họ liên tục bị đánh đập và tra tấn trong lúc xây dựng nhà máy vũ khí khổng lồ dưới lòng đất, với thiết kế và quy mô tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong các bộ phim về điệp viên James Bond của Anh.
Một khu nhà ở London bị V2 biến thành bình địaẢNH: AFP
Địa ngục trần gian
Dù bao nhiêu năm đã trôi qua, cựu tù nhân trại Mittelbau-Dora là cụ ông Georges Jouanin vẫn còn nhớ như in những thời khắc kinh hoàng lúc đó. “Tôi đã trải qua cảnh địa ngục ở Mittelbau-Dora. Chúng tôi ngủ trên những chiếc giường tầng đầy rận (được đặt chen chúc bên trong những đường hầm), và làm việc quần quật 18 giờ/ngày để phá đá. Chúng tôi chứng kiến bạn bè mình chết đi”, theo AFP dẫn lời cụ ông đã 94 tuổi.
Ban đầu, ông Jouanin bị đẩy đến trại tập trung Buchenwald vào tháng 12.1943 sau khi rơi vào tay lực lượng Đức Quốc xã ở Paris. Một tháng sau đó, ông bị chuyển đến gần Mittelbau-Dora, nơi tù nhân làm việc không ngơi nghỉ trong các đường hầm dài 2 km nhằm xây dựng một nhà máy trong lòng đất, tránh khỏi tầm ném bom của quân Đồng minh. Đức Quốc xã đã lựa chọn nơi này thay thế cho nhà máy bị đánh bom ở TP.Peenemuende, trên bờ biển Baltic thuộc Đức.
Hơn 1/3 trong số 60.000 người bị giam cầm ở Mittelbau-Dora, chủ yếu là người Nga, đã thiệt mạng trong những điều kiện vượt xa sự tưởng tượng của con người, theo sử gia chuyên về La Coupole là Laurent Thiery. Kế hoạch là đến năm 2020, ông cùng với 20 đồng nghiệp sẽ hoàn tất hồ sơ về những thành viên của phong trào kháng chiến Đức, với mục tiêu “trả lại danh tính và cuộc đời cho những con người đã lặng lẽ bỏ mạng”. Trong đó, nghề nghiệp của từng người, cũng như chi tiết về nhân thân và quan điểm chính trị, cùng với hoàn cảnh khiến họ rơi vào số phận thảm khốc, đều sẽ được phản ánh thông qua kho tài liệu dày công thu thập. Đội ngũ sử gia của viện bảo tàng đã góp nhặt được một kho dữ liệu quý giá từ gia đình và bạn bè của những người đã khuất. Tại Trung tâm tưởng niệm Mittelbau-Dora, các nhà nghiên cứu Pháp cũng đang ra sức tìm tòi những dấu tích và tư liệu còn sót lại nơi này, theo AFP dẫn lời Regina Heubaum, một trong các chuyên gia đang góp phần vào dự án đầy ý nghĩa.
Trong số các tài liệu quý có thể kể đến vụ lưu đày tù khổ sai người nước ngoài, đa số là người Nga, Ukraine và Nam Tư, vào tháng 4.1944. Họ đã bị chuyển từ các trại tập trung Buchenwald và Neuengamme đến Mittelbau-Dora để xây dựng La Coupole. Đây là nguồn nhân lực nhằm thay thế các tù binh người Pháp, do phía Đức Quốc xã muốn bảo toàn bí mật về sự tồn tại của nơi xuất xưởng vũ khí hủy diệt V2. Tuy nhiên, RAF không mất nhiều thời gian để phát hiện La Coupole, và thế là quân Đồng minh đua nhau dội bom nơi này.
Theo tờ Daily Mail, tổng cộng RAF đã triển khai 16 vụ không kích lớn, rải 3.000 tấn bom xuống cấu trúc kiên cố của Đức Quốc xã. Những quả bom nặng đến 5 tấn đã khiến một phần toà nhà bị nứt và sụp xuống, nhưng hoạt động sản xuất tên lửa vẫn không bị gián đoạn ở những nơi khác. Đến mùa thu năm 1944, lô V2 đầu tiên đã đánh trúng các mục tiêu ở London. Tên lửa của nhà khoa học Von Braun có tầm bắn 360 km, di chuyển ở tốc độ 5.632 km/giờ, với uy lực kinh hoàng. Tuy nhiên, dù một số khu vực London bị phá hủy trước đòn tấn công của V2, các nhà khoa học của Hitler đã không sản xuất kịp tên lửa để đánh bại người Anh.
Về phần Von Braun, thay vì bị mang ra xét xử vì các tội ác chống lại loài người sau khi chiến tranh kết thúc, ông được người Mỹ đưa về nước, cùng với nhiều nhà khoa học tài năng của Đức. Von Braun đã đảm nhiệm chương trình không gian Mỹ, và chính nhờ tên lửa đẩy Saturn V do ông thiết kế mà phi hành gia Neil Armstrong và đồng nghiệp đã có thể bay vào không gian và đặt chân lên mặt trăng.
Đức Quốc xã từng bí mật lên kế hoạch xây dựng một siêu hạm đội với tham vọng làm chủ biển cả, nhưng cũng chính ý đồ này góp phần dẫn đến thất bại của họ trong Thế chiến 2.