|
Ông Mueller (trái) lắng nghe ông James Comey phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21-6-2013 về việc được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc FBI dưới trào Obama – Ảnh: Reuters |
“Chưa hề có một công tố viên đặc biệt nào được bổ nhiệm để điều tra các hành động bất hợp pháp diễn ra trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton và chính quyền Tổng thống Obama
|
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter |
Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI), ông Robert S. Mueller, 72 tuổi, giữ chức công tố viên đặc biệt là sự kiện mở ra một chặng mới trong vụ khủng hoảng quyền lực ở Mỹ.
Nhiệm vụ của ông là giám sát cuộc điều tra tư pháp của FBI để giải đáp câu hỏi: Năm 2016, êkip tranh cử tổng thống của Donald Trump có thông đồng với các quan chức Chính phủ Nga để triệt hạ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton hay hậu thuẫn cho ông Trump?
Người được lòng hai phía
Quyết định bổ nhiệm ông Mueller do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein ký vì đầu tháng 3, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã rút khỏi cuộc điều tra của FBI về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ.
Bộ Tư pháp chỉ báo cáo với Tổng thống Trump sau khi Thứ trưởng Rosenstein ký quyết định và 30 phút trước khi công bố quyết định vào tối 18-5.
Trả lời báo giới sau đó, Tổng thống Trump cho biết ông tôn trọng quyết định này, song nêu rõ nó sẽ gây chia rẽ đất nước. Ông Trump đồng thời khẳng định: “Chắc chắn không có sự thông đồng giữa tôi cũng như ban vận động tranh cử của tôi với Nga”.
Người đứng đầu nước Mỹ cũng tái khẳng định không có chuyện ông từng đề nghị giám đốc FBI James Comey dừng cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn với Nga. Ông Trump bày tỏ mong muốn gạt bỏ tất cả các vấn đề này lại phía sau để tập trung vào tạo việc làm, củng
cố quân đội và cải cách y tế.
Ông Mueller từng giữ chức giám đốc FBI trong 12 năm (từ năm 2001-2013) dưới thời Tổng thống George W. Bush (Đảng Cộng hoà) và Tổng thống Barack Obama (Đảng Dân chủ), bởi thế hai đảng đều trọng vọng ông và đều có phản ứng tích cực.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Đảng Dân chủ) nhận xét: “Ông ấy là công tố viên liên bang tốt và giám đốc FBI tầm cỡ. Chúng ta không thể tìm ai tốt hơn để đảm trách nhiệm vụ này”.
Dù vậy, Đảng Dân chủ còn muốn tiến xa hơn, cho rằng chỉ định công tố viên đặc biệt chỉ là bước đầu và kế tiếp phải thành lập một uỷ ban điều tra đặc biệt về Nga.
Trong khi đó, phần lớn nghị sĩ Đảng Cộng hoà ban đầu bác bỏ đề nghị chỉ định công tố viên đặc biệt nhưng từ nhiều ngày nay một số nghị sĩ đã thay đổi ý kiến.
Thượng nghị sĩ Susan Collins (Đảng Cộng hoà) phát biểu: “Một quyết định chọn lựa tuyệt vời”. Còn theo hạ nghị sĩ Jason Chaffetz, ông Mueller là lựa chọn đúng đắn
và ông có lý lịch quá tuyệt.
Cựu bộ trưởng tư pháp Eric Holder khen ngợi ông Mueller là người không thể bị mua chuộc. Kênh truyền hình Fox News đã phát ý kiến của nhiều nhà bình luận đều ủng hộ ông Mueller.
“Siêu công tố viên” khó bị cách chức
Tại Mỹ, công tố viên đặc biệt sẽ được chỉ định khi xuất hiện nhiều nghi vấn về xung đột lợi ích có khả năng bóp méo kết quả điều tra đối với các định chế then chốt của chính quyền, hoặc khi xảy ra những điều kiện đặc biệt cần điều tra nhân danh lợi ích công cộng.
Thông thường công tố viên đặc biệt được lựa chọn từ các thẩm phán cấp cao đã nghỉ hưu vì người được chỉ định đã có nhiều kinh nghiệm pháp lý và nghề này không phụ thuộc bộ máy chính phủ.
Công tố viên đặc biệt là chức danh được xem như “siêu công tố viên” với thẩm quyền mở rộng. Trên thực tế công tố viên đặc biệt có toàn quyền hành động. Với chức danh này, ông Mueller sẽ hoạt động với tính chất độc lập cao hơn công tố viên liên bang bình thường hoặc giám đốc FBI.
Phạm vi điều tra lần này bao gồm mọi liên hệ và/hoặc mọi phối hợp giữa Chính phủ Nga với các cá nhân có cộng tác trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, và mọi vấn đề phát sinh từ quá trình điều tra.
Theo báo New York Times, ông Mueller sẽ không thể bị cách chức, trừ phi ông phạm lỗi nặng hoặc khi Tổng thống Trump chỉ thị cho Bộ Tư pháp cách chức. Tuy nhiên, lần cuối cùng một tổng thống ra lệnh cách chức công tố viên đặc biệt là lần xảy ra dưới thời Richard Nixon trong vụ Watergate.
Ông Mueller được xem là có khá nhiều “kinh nghiệm trận mạc”, khi ông vừa được bổ nhiệm giám đốc FBI thì một tuần sau xảy ra vụ đánh bom khủng bố ngày 11-9-2001. Sau đó, FBI đã trải qua quá trình cải tổ sâu rộng. Ông đã cố chống chọi trong khi có nhiều ý kiến muốn giải thể FBI vì cơ quan này không dự báo được vụ khủng bố.
Ông đã bảo vệ chương trình giám sát thông tin ngăn chặn khủng bố. Năm 2004, ông suýt bị mất chức vì chương trình nghe lén trái pháp luật do Tổng thống Bush chỉ đạo.
Đến nay ông không có bất kỳ liên quan nào đến Tổng thống Trump. Riêng đối với giám đốc FBI James Comey vừa bị ông Trump sa thải, hai người quen biết nhau đã nhiều năm. Lúc ông Mueller làm giám đốc FBI thời Tổng thống George W. Bush, ông James Comey giữ chức thứ trưởng tư pháp.
Ông Mueller đã hậu thuẫn để Comey kế nhiệm ông đứng đầu FBI.
Từng tham chiến ở Việt Nam
Sau thời gian học đại học và lấy bằng cao học văn học, ông Robert Mueller đi quân dịch ba năm, từng là sĩ quan sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Ông lấy bằng tiến sĩ luật năm 1973 rồi hành nghề luật sư.
Từ năm 1982 ông làm việc trong nhiều cơ quan công tố suốt 12 năm.
|