Nội các mới của Pháp sạch và tinh
Tối 17-5 theo giờ Việt Nam, thủ tướng Pháp đã công bố nội các mới trong nhiệm kỳ năm năm của tân Tổng thống Emmanuel Macron.
Nội các mới của Pháp sạch và tinh
Tối 17-5 theo giờ Việt Nam, thủ tướng Pháp đã công bố nội các mới trong nhiệm kỳ năm năm của tân Tổng thống Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Édouard Philippe đang tỏ ra ăn ý với việc chọn nội các mới – Ảnh: AFP |
Thời gian công bố nội các mới của Chính phủ Pháp đã bị chậm một ngày so với dự kiến trước đó. Theo thông báo từ Điện Élysée, Tổng thống Emmanuel Macron muốn để Tổng cục Tài chính công và Cơ quan Giám định về minh bạch lĩnh vực công có thêm thời gian xác minh đối với các cá nhân được đề cử vào nội các.
Động thái này thể hiện cam kết của ông về bảo đảm tính đạo đức trong lĩnh vực công, như ông từng tuyên bố trong tranh cử.
Nội các mới khác biệt
Nội các mới sẽ thể hiện quan điểm đổi mới rất rõ nét như Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố. Số lượng thành viên sẽ ít hơn trong các đời tổng thống trước, không nhiều quốc vụ khanh và bộ trưởng đặc trách. Cơ cấu nội các mới sẽ cân đối nam – nữ. Nội các mới sẽ mang tính chất đa dạng, mở rộng cửa cho các nhân vật đại diện xã hội dân sự (chưa từng hoạt động chính trị), đặc biệt là những người trẻ từ giới kinh doanh, chứ không chỉ là các nhà chính trị trên 50 tuổi ít hiểu biết giới lao động.
Báo Huffington Post ghi nhận thành phần nội các mới thể hiện học thuyết chính trị của Tổng thống Macron, với trục xoay là thành lập một chính phủ tập hợp cánh hữu và cánh tả. Cách làm này khác với truyền thống chính trị lâu nay ở Pháp.
Tổng cục Tài chính công (thuộc Bộ Kinh tế và tài chính) và Cơ quan Giám định về minh bạch lĩnh vực công (HATVP – cơ quan trung ương độc lập) sẽ nhận một danh sách cần xác minh từ Văn phòng tổng thống.
Nội dung xác minh gồm xác minh ban đầu về tình hình kê khai thuế và xác minh về xung đột lợi ích. Mục đích nhằm bảo đảm bộ trưởng mới không có vấn đề về thuế và tài sản, ngăn chặn xung đột lợi ích bằng cách bắt buộc bộ trưởng mới phải bàn giao cổ phần cho bên thứ ba, bảo đảm minh bạch qua bản kê khai tài sản.
Công tác xác minh ban đầu trước bổ nhiệm không theo quy định của luật, bởi luật chỉ quy định xác minh sau khi các bộ trưởng chính thức được bổ nhiệm. Thông tin sau xác minh cũng chỉ là cơ sở tham vấn ban đầu trong việc thành lập nội các mới trong sạch để củng cố lòng tin của người dân.
Sau bổ nhiệm, HATVP sẽ tiếp tục xác minh kỹ càng hơn trên cơ sở bản kê khai tài sản mới của các bộ trưởng.
Các bộ trưởng mới sẽ phải ký bản cam kết danh dự bảo đảm giữ gìn liêm khiết và đạo đức. Bản kê khai tài sản của họ phải khai thời gian xa hơn ngoài năm năm theo quy định của luật.
“Phải chấm dứt tình trạng bộ trưởng chỉ mang tiếng là công chức |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron |
Thủ tướng cũng phải kê khai
Công tác xác minh ban đầu được thực hiện cũng nhằm tránh xảy ra trường hợp tương tự ông Thomas Thévenoud.
Ngày 26-8-2014, ông này được bổ nhiệm giữ chức quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, quảng bá du lịch và người Pháp ở nước ngoài. Chín ngày sau ông từ chức vì lý do cá nhân. Báo chí Pháp lúc đó loan tin ông Thomas Thévenoud không kê khai thu nhập và không đóng thuế nhiều năm liền.
Thông báo của Điện Élysée nêu rõ công tác xác minh đối với danh sách đề cử vào nội các mới sẽ được thực hiện từ thông tin HATVP có được.
Theo đạo luật ngày 11-10-2013 của Pháp, đã có 15.000 công chức và người trúng cử phải kê khai tài sản. Tuy nhiên, trong danh sách đề cử nội các mới có các cá nhân thuộc xã hội dân sự, tức không nằm trong guồng máy nhà nước nên không thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thuế hay xung đột lợi ích. Bởi thế để xác minh, HATVP phải tập hợp thông tin từ nhiều nguồn.
Trả lời báo Libération, HATVP cho biết Thủ tướng Édouard Philippe cũng thuộc đối tượng xác minh ban đầu trước khi được chỉ định giữ chức thủ tướng.
Trước đó, ông từng bị HATVP phạt vì trong bản kê khai tài sản năm 2014 ông đã không khai giá trị của nhiều bất động sản. Ông cũng không làm rõ thu nhập từ tiền lương, tiền công từ năm 2009 đến 2012 lúc giữ chức giám đốc Tập đoàn Areva, rồi làm luật sư trước khi được bầu vào quốc hội năm 2012.
Theo học thuyết chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron, giai đoạn đầu tiên là chỉ định Thủ tướng Édouard Philippe đến từ Đảng Những người Cộng hoà. Mục đích nhằm gây hoang mang trong cánh hữu, bởi cánh hữu không biết có nên ủng hộ chính phủ mới hay không. Kế tiếp, trong bầu cử quốc hội sắp tới vào ngày 11 và 18-6 sẽ tạo một đa số rộng rãi ủng hộ tổng thống và loại trừ phản ứng đối lập từ các đảng cũ bằng cách tạo vành đai ủng hộ từ “các cá nhân tiến bộ” trong Đảng Xã hội và cánh trung hữu. |