11/01/2025

Tăng giờ làm thêm, đừng để người lao động thiệt thòi

Đề xuất mới của Bộ Lao động – thương binh và xã hội về thời gian làm thêm tối đa 400 giờ/năm, tăng hơn 100 giờ/năm so với quy định hiện hành, chưa hẳn là tốt cho người lao động.

 

Tăng giờ làm thêm, đừng để người lao động thiệt thòi

Đề xuất mới của Bộ Lao động – thương binh và xã hội về thời gian làm thêm tối đa 400 giờ/năm, tăng hơn 100 giờ/năm so với quy định hiện hành, chưa hẳn là tốt cho người lao động.

 

 

 

Tăng giờ làm thêm, đừng để người lao động thiệt thòi
Sau giờ làm việc, các nữ công nhân còn phải đi chợ, nấu ăn… cho gia đình – Ảnh: D.PHAN

Việc kéo dài thời gian làm việc không phải là giải pháp tốt để giải quyết các vướng mắc về sức cạnh tranh, mức sống và năng suất lao động hiện nay như một số nhận định đã đưa ra. Trong khi đó, những giờ làm việc kéo dài sẽ giảm chất lượng cuộc sống của bản thân người lao động.

Thời gian làm việc đã ở mức cao

Nhiều doanh nghiệp cho rằng trên thực tế, so với các quốc gia trong khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (giờ làm thêm trần ở Trung Quốc: 36 giờ/tháng – tương đương 432 giờ/năm, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng, Malaysia: 104 giờ/tháng, Thái Lan: 36 giờ/tuần).

Tuy nhiên, việc so sánh này phải gắn với quy định thời giờ làm việc ở Việt Nam rất cao, tối đa 48 giờ/tuần. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu cộng thêm với thời giờ làm thêm là 400 giờ/năm) thì tổng quỹ thời gian làm việc trung bình của người lao động Việt Nam có thể lên đến 2.720 giờ/năm.

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Indonesia được phép huy động người lao động làm thêm tới 728 giờ/năm, nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần nên cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa thì quỹ thời gian làm việc của người lao động nước này là 2.608 giờ/năm (thấp hơn ở Việt Nam 112 giờ).

 

Tương tự, ở Hàn Quốc quy định số giờ làm thêm là 624 giờ/năm, còn tại Trung Quốc là 432 giờ/năm, nhưng cộng cả giờ làm chính thức và giờ làm thêm tối đa theo quy định thì quỹ thời gian làm việc của người lao động ở các nước này đều thấp hơn tại Việt Nam với các con số lần lượt là 2.446 giờ/năm và 2.288 giờ/năm.

Như vậy, có thể nói thực chất quỹ thời gian làm việc của người lao động Việt Nam đang ở mức cao. Điều này đi ngược với xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới.

Đừng để người lao động thiệt thòi

Phải thừa nhận rằng hiện nay năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp so với khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn hai lần so với năng suất bình quân khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN. Còn theo nghiên cứu của ILO, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Tuy nhiên, điều này không phải hoàn toàn do lỗi của người lao động mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường làm việc, trang thiết bị máy móc của doanh nghiệp. Tăng năng suất lao động không phải bằng cách kéo dài thời gian làm việc mà phải thông qua việc cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và đưa thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực. Nếu chỉ đáp ứng nguyện vọng một phía cho doanh nghiệp thì sẽ thiệt thòi cho người lao động.

Trên thực tế, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khoẻ, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khoẻ gia đình của người lao động.

Tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động không chịu đựng nổi, dẫn đến suy kiệt sức khoẻ, chưa kể khả năng dinh dưỡng cho người lao động còn đang bị hạn chế. Thời giờ làm thêm phải tính toán sao để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động trong hoàn cảnh tố chất thể lực của người Việt không cao, môi trường làm việc lại chưa phải là tốt.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng xảy ra tai nạn lao động trong thời gian làm thêm giờ cao hơn rất nhiều so với thời gian làm việc chính thức. Vì thế phải cân nhắc, cân đối để vừa giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng vừa đảm bảo được quyền lợi cũng như sức khoẻ của người lao động.

Những giờ làm việc kéo dài sẽ giảm chất lượng cuộc sống của bản thân người lao động, do mâu thuẫn giữa thời gian dành cho gia đình, thời gian dành cho nhiệm vụ và các nhu cầu khác ngoài công việc, thật khó để có thể sắp xếp một cuộc sống trọn vẹn trong khi quỹ thời gian dành cho công việc quá nhiều.

Trong bối cảnh hiện nay, việc làm thêm giờ của công nhân là một nhu cầu thực tế cần chấp nhận. Song cần cân đối hài hoà để người lao động có thể đảm bảo cuộc sống bằng thu nhập của chính mình, vừa có thời gian cho những nhu cầu cũng như những nhiệm vụ khác, làm sao để họ có cuộc sống thực sự để “sống”.

Không thể kéo dài giờ làm thêm

Từ những năm 1990, Công ty Ford Motor thông qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: với số giờ làm việc được khuyên là 40 giờ/tuần thì cứ làm thêm 20 giờ sẽ dẫn đến sự gia tăng năng suất chỉ diễn ra trong 3-4 tuần, sau đó năng suất lao động sẽ giảm lại và nếu cứ thường xuyên làm việc nhiều giờ thì tình trạng căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến năng suất tiếp tục tụt lại phía sau và chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ.

THS TRỊNH THỊ HIỀN