11/01/2025

Quyết xử lý ‘cục máu đông’ nợ xấu

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa mở rộng đường xử lý dứt điểm khoảng 500.000 tỉ đồng nợ xấu tồn đọng, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

 

Quyết xử lý ‘cục máu đông’ nợ xấu

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa mở rộng đường xử lý dứt điểm khoảng 500.000 tỉ đồng nợ xấu tồn đọng, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.



Nợ xấu đang cần một cơ chế mạnh mẽ để được xử lý dứt điểm, khơi thông nguồn vốn vào nền kinh tế /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nợ xấu đang cần một cơ chế mạnh mẽ để được xử lý dứt điểm, khơi thông nguồn vốn vào nền kinh tếẢNH: NGỌC THẮNG

Dự thảo vừa được Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp sẽ được khai mạc ngày 22.5 tới.
Rộng cửa xử lý
 
 
Quyết xử lý 'cục máu đông' nợ xấu - ảnh 1
Cơ chế xử lý nợ xấu được mở ra linh hoạt hơn, 
thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia, tăng tính thanh khoản của nợ xấu trên thị trường, có thể đẩy tốc độ xử lý nợ xấu đi nhanh hơn
Quyết xử lý 'cục máu đông' nợ xấu - ảnh 2
 
PGS-TS Võ Trí Hảo
 

PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, sau 6 năm loay hoay gỡ rối nợ xấu, dự thảo nghị quyết (NQ) đang đi đúng hướng và sẽ là cú hích lớn không chỉ đối với hệ thống ngân hàng (NH), mà còn với cả nền kinh tế. Đa số nút thắt lớn được hoá giải về cơ chế. Theo đó, NH – tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản đảm bảo theo giá thị trường, kể cả bán thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ. Thứ hai, tổ chức mua bán nợ xấu được bán cho pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Đáng chú ý, dự thảo cho phép NH được quyền cùng các cơ sở đảm bảo cho việc thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Đồng thời, NH cũng được phân bổ dần số lãi dự thu tối đa trong vòng 10 năm. “Rõ ràng cơ chế xử lý nợ xấu được mở ra linh hoạt hơn, thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia, tăng tính thanh khoản của nợ xấu trên thị trường, có thể đẩy tốc độ xử lý nợ xấu đi nhanh hơn”, ông Hảo phân tích.

Nếu dự thảo được thông qua, một lượng vốn nợ xấu sẽ được đưa trở lại phục vụ nhu cầu vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt hơn, điểm có thể tháo gỡ nút thắt xử lý nợ xấu lâu nay là mua bán nợ xấu không còn gói gọn chỉ có NH và Công ty quản lý tài sản (VAMC), mà cho mua nợ xấu theo giá thị trường, đồng thời cho phép nhiều chủ thể khác nhau tham gia xử lý nợ xấu. “Đã là nợ xấu thì làm sao đảm bảo theo giá trị sổ sách, ai mua cao nhất thì bán. Vấn đề là đảm bảo tổ chức đấu giá, mua bán cạnh tranh, công khai, minh bạch”, ông Hảo nói.
Tổng giám đốc một NH than phiền, lâu nay các NH gặp vướng mắc lớn nhất là không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo mặc dù luật có quy định. Cụ thể như thủ tục đem tài sản bán đấu giá quá nhiêu khê, thời gian khởi kiện kéo dài hàng mấy năm trời, trong khi thi hành án lại không quy định thời hạn cụ thể, làm NH quá mệt mỏi. Chính vì vậy, việc cho phép các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm đang khiến các NH như cất được gánh nặng trên lưng. Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), quy định này hợp với Hiến pháp và bộ luật Dân sự. “Việc NH thu giữ tài sản đảm bảo nợ vay không những thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình mà còn giúp người vay giảm bớt hậu quả lớn hơn vì nợ càng để lâu, không xử lý thì tiền phạt lãi phát sinh ngày càng cao, đồng thời cũng thực hiện quyền của người gửi tiết kiệm”, ông nói. Ông Hưởng cũng nói thêm, NQ hệ thống hoá lại những quy định, tháo gỡ những vướng mắc, hướng đến những giải pháp, cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn quá trình xử lý nợ xấu. Do điều kiện quá cấp bách nên kỳ vọng việc xử lý nợ xấu trong thời gian thực hiện NQ có lợi cho đất nước và doanh nghiệp (DN), còn về lâu dài, việc xử lý nợ xấu phải được luật h đề điều tiết vì còn hoạt động cho vay thì còn phát sinh nợ xấu. Việc NH lợi dụng quyền này để xử lý tài sản những khoản nợ tốt, ông Hưởng cho rằng khó thể xảy ra. “Phần mềm quản lý nợ của NH được lập trình trên cơ sở quy định của pháp luật nên nợ được cài đặt nhảy nhóm tự động. NH không thể tự tiện chuyển nợ tốt của khách hàng sang nợ xấu, làm vậy khách hàng sẽ không chấp nhận. NH tối kỵ tỷ lệ nợ xấu cao bởi ảnh hưởng đến các quyền lợi khác của NH”, ông Hưởng nói.
Thông vốn cho nền kinh tế
Lý do cấp bách ban hành dự thảo NQ để kịp kỳ họp Quốc hội, theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, là nợ xấu đã phình to, xử lý càng chậm càng gây tổn thất lớn đến nền kinh tế. Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 50.165 tỉ đồng. Phó chủ tịch HĐQT một NH chỉ rõ, ở góc độ xử lý nợ xấu, khoản nợ xấu bán cho VAMC không được xử lý triệt để, mà chỉ mới “gói” lại, VAMC “cho mượn” nhà kho để NH gửi nợ xấu. NH cũng tự xử lý nợ xấu nhưng mức độ còn hạn chế.
Trong khi đó, theo số liệu của NHNN, tính đến 31.12.2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (ở mức 2,46%), nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ. Như vậy, với tổng dư nợ hơn 5,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2016, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu lên đến khoảng 500.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể số nợ xấu đang có xu hướng tăng về quy mô. “Ngành NH rất cần cơ chế như NQ đề cập, cũng như nâng cao vai trò của các cơ quan địa phương, công an trong giải quyết nợ xấu. Khi các NH thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu, nghĩa là giảm phần lợi nhuận chịu thuế, phần thu thuế của nhà nước sẽ giảm. Đồng thời, NH ghi nhận lãi dự thu mà có thu được đâu, trong khi vẫn phải trả lãi huy động vốn của phần đó. Chừng nào nợ xấu còn ứ đọng, chi phí của NH còn tăng lên. Đó là lý do vì sao lãi suất cho vay thời gian qua cứ đứng yên, dù lãi suất huy động giảm”, TS Bùi Quang Tín phân tích.
Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư – tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, với thực trạng nền kinh tế hiện nay, yêu cầu giải quyết ngay bài toán nợ xấu đang rất cấp bách. Bởi nợ xấu là gánh nặng không chỉ cho hoạt động NH, DN mà cho cả nền kinh tế. Xử lý chậm ngày nào thì cả NH và DN đều khó khơi thông vốn thêm ngày ấy. “Nợ xấu tiếp tục dồn ứ ở mức cao sẽ khiến DN càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH. Chẳng hạn, nợ xấu ở một NH là 50 đồng cho vay ra không thu về được. Thay vì NH huy động 100 đồng cho vay 80 – 90 đồng, thì nay phải dành 50 đồng nuôi nợ xấu, nên phần đem cho vay chẳng còn bao nhiêu. Nền kinh tế mất đi một lượng vốn lớn do vốn không được quay vòng, dòng tiền trong kinh tế không lưu thông được, hệ thống NH tiếp tục khó khăn về thanh khoản. Hơn nữa, khi nợ xấu quá ngưỡng cho phép, thông thường dưới 5% trên tổng dư nợ là bình thường, thì phải có biện pháp xử lý nợ xấu từ nhiều phía”, ông phân tích.
Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận rằng, cơ chế mở đường cho xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn khi đi kèm với việc cho giải thể, phá sản, sáp nhập NH được triển khai một cách mạnh mẽ. Điều lớn hơn là một khi mở đường cho cơ chế này, nếu NH không xử lý dứt điểm, hoặc xử lý không hiệu quả thì có một phần cơ sở để tuyên bố phá sản.
Theo ông Hưởng, thực chất nợ xấu hiện được “gói đi cuộn lại” nên nếu thông qua NQ này, một khi nợ xấu được giải quyết triệt để, từ đó giúp khơi thông được dòng vốn trong nền kinh tế.
Dự thảo NQ được thực hiện trong 5 năm, có hiệu lực từ 1.7 tới, nghĩa là ngay trong năm nay, dự báo sẽ có chuyển biến lớn trong việc xử lý nợ xấu trong hệ thống NH.

 

Hồng Sương – Thanh Xuân