Những thông tin thu được từ vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy CHDCND Triều Tiên đang tăng tốc chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Bước tiến tên lửa hạt nhân Triều Tiên
Những thông tin thu được từ vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy CHDCND Triều Tiên đang tăng tốc chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã phóng 10 tên lửa, trong đó vụ thử ngày 14.5 được đánh giá là phức tạp nhất và cũng thành công nhất. Theo Hãng thông tấn KCNA ngày 15.5, đối tượng thử nghiệm là tên lửa đạn đạo chiến lược mang tên Hwasong-12 mới được phát triển. Giới chức Triều Tiên khẳng định vụ thử diễn ra thành công, tên lửa được phóng với góc cao nhất để “bảo đảm an ninh của các nước láng giềng”, nên đạt độ cao 2.111 km và bay xa 787 km. Giới quan sát Mỹ và Hàn Quốc nhận định nếu phóng theo độ cao chuẩn 550 km thì tên lửa Triều Tiên có thể vươn xa từ 4.500 – 6.000 km, dễ dàng đặt căn cứ quân sự Mỹ ở Guam vào tầm ngắm.
KCNA còn tuyên bố Hwasong-12 “có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn” và đây là đợt thử nghiệm cực kỳ quan trọng, được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát. Sau khi chứng kiến vụ phóng, ông Kim hết lời khen ngợi “đây là hệ thống vũ khí hoàn hảo”.
Chuyên gia John Schilling bình luận trên trang 38 North của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) rằng vụ thử ngày 14.5 thể hiện khả năng “chưa từng có” của tên lửa Triều Tiên và là nền tảng để nước này sớm sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). “Điều sẽ làm thay đổi cân bằng chiến lược chính là một ICBM có khả năng vươn tới lục địa Mỹ”, ông Schilling nhận định. Tuy nhiên, cũng trong hôm qua, các quan chức quân đội Hàn Quốc nói tên lửa Triều Tiên chưa đạt được khả năng quay lại bầu khí quyển, chìa khóa để phát triển ICBM.
Đầu tư quyết liệt
Theo tờ The Wall Street Journal, Triều Tiên đã thực sự tăng tốc chương trình tên lửa và hạt nhân dưới thời ông Kim Jong-un. Trong một nhà máy cách thủ đô Bình Nhưỡng chưa đầy 100 km, hàng chục hệ thống máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính (CNC) đã được trang bị để phục vụ công tác chế tạo các bộ phận phức tạp dùng cho tên lửa và máy ly tâm hạt nhân. Hình ảnh từ truyền thông Triều Tiên về một chuyến thị sát nhà máy của lãnh đạo Kim vào tháng 8.2016 cho thấy hệ thống CNC cùng cánh tay rô bốt mang nhãn hiệu của Công ty kỹ thuật ABB (Thụy Sĩ). Qua phân tích hình ảnh vệ tinh và ảnh do Triều Tiên công bố, nhiều chuyên gia vũ khí cho rằng máy CNC giờ đây xuất hiện ở hầu hết các nhà máy tên lửa của nước này.
Mặc dù nói vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên không đe dọa an ninh, Nga vẫn quyết định đặt hệ thống phòng không ở vùng Viễn Đông lên mức sẵn sàng chiến đấu.
Theo giới chức Mỹ, Công ty cơ giới Keyongda Đằng Châu của Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị hiện đại cho Bình Nhưỡng. The Wall Street Journal dẫn lời một quản lý giấu tên của công ty này cho biết từng chuyển hệ thống máy móc trị giá 40.000 USD cho Triều Tiên thông qua trung gian cách đây vài năm. Người này tiết lộ Bình Nhưỡng định mua thêm nhiều máy nữa trong năm nay nhưng phía Trung Quốc từ chối do quan hệ hai nước đang trắc trở. Trong khi đó, phát ngôn viên Công ty ABB tuyên bố không hề bán thiết bị cho Triều Tiên nhưng không loại trừ khả năng một số sản phẩm đã bị một bên thứ ba bán lại. Bên cạnh đó, Triều Tiên bắt đầu phát triển công nghệ nhiên liệu rắn cho tên lửa từ năm 2014 và tới tháng 2.2017 thì tuyên bố thử thành công tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn. Công nghệ này giúp tên lửa sẵn sàng khai hoả chỉ trong vài phút, an toàn hơn và có thể phóng từ bệ phóng di động, một lựa chọn hiệu quả để phòng ngừa Mỹ tấn công phủ đầu vào các bãi phóng.
Cứng rắn hơn
Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong vòng 3 năm qua, Triều Tiên đã thử tên lửa nhiều hơn cả 3 thập niên trước cộng lại. Từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, ông Kim Jong-un nhanh chóng thúc đẩy nâng cấp chương trình vũ khí hạt nhân. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông Kim Jong-un thực sự quyết liệt với mục tiêu này là vào tháng 3.2012, chỉ 3 tháng sau khi lên nắm quyền. Khi đó, nhà lãnh đạo ra lệnh nâng cấp Bộ Chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược của Triều Tiên ngang với Bộ Tham mưu không quân và lục quân. Lãnh đạo cơ quan này, ông Kim Rak-gyom cũng là tướng 4 sao.
Tới năm 2013, ông Kim Jong-un đã công bố chính sách “byungjin” (song hành) với nội dung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với phát triển vũ khí hạt nhân. Kể từ đó, nhà lãnh đạo liên tục bổ nhiệm người có năng lực về kỹ thuật tên lửa thay thế những quan chức từ thời cha mình, theo chuyên gia về Triều Tiên Joseph Bermudez. Báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc còn cho thấy một số người được bổ nhiệm vào Bộ Chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược đã trải qua đào tạo ở nước ngoài.
Bloomberg ước tính Triều Tiên hiện sở hữu nhiều tên lửa có thể bắn đến các mục tiêu tại Hàn Quốc, Nhật Bản và đang tập trung phát triển tên lửa tầm xa nhằm bắn đến lãnh thổ Mỹ. Tên lửa tầm bắn xa nhất của Triều Tiên hiện nay được cho là loại Taepodong-2 (15.000 km) nhưng giới quan sát cho rằng loại này chỉ có thể dùng để phóng vệ tinh. Trong khi đó, trước khi Hwasong-12 xuất hiện thì tên lửa gây lo ngại nhất là KN-08 đang được phát triển với tầm bắn khoảng 11.500 km.