04/01/2025

Không mặc cả tiêu chuẩn môi trường

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp thuỷ sản với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành ngày 13.5 tại Hà Nội, các doanh nghiệp than rằng quy chuẩn môi trường đang khiến chi phí của họ rất tốn kém, song Phó thủ tướng cho rằng quy chuẩn không phải là phi thực tế, nên doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ chứ không mặc cả.

 

Không mặc cả tiêu chuẩn môi trường

Tại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp thuỷ sản với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành ngày 13.5 tại Hà Nội, các doanh nghiệp than rằng quy chuẩn môi trường đang khiến chi phí của họ rất tốn kém, song Phó thủ tướng cho rằng quy chuẩn không phải là phi thực tế, nên doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ chứ không mặc cả.




Chế biến cá tra xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu LongẢNH: CÔNG HÂN

Không hạ tiêu chuẩn môi trường
Lãnh đạo Công ty Thuận Phong chuyên xuất khẩu tôm đi Mỹ cho hay do yêu cầu của phía khách hàng Mỹ nên tôm được ngâm trong phốt pho để tăng độ giòn. Tuy nhiên, hàm lượng phốt pho thải ra môi trường cao hơn theo quy chuẩn VN, nên để đáp ứng điều kiện, chi phí xử lý rất tốn kém.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, quá trình thanh tra mới đây ghi nhận một số doanh nghiệp (DN) thuỷ sản ở ĐBSCL mức nước thải có nồng độ phốt pho cao gấp 5 lần cho phép, mặc dù trước đó, trong năm 2015, quy chuẩn mới đã được điều chỉnh theo hướng giảm đi sau khi Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP) có kiến nghị.
“Đây là thông số gây phú dưỡng, ô nhiễm môi trường rất nặng. Vì thế việc DN đề nghị tiếp tục thay đổi chỉ tiêu phốt pho là không được, thậm chí phải sửa đổi theo hướng chặt hơn”, ông Tùng nói. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ rằng, DN luôn muốn giảm tối đa các chi phí trong sản xuất, nhưng với tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường thì phải tuân thủ chứ không được mặc cả. “Chỉ trừ khi các quy định đưa ra phi thực tế, DN không thực hiện được thì mới xem xét thay đổi”, ông Đam nhấn mạnh.
Một vấn đề khác trong lĩnh vực môi trường được các DN thuỷ sản kiến nghị nữa là việc thiếu vắng các DN được phép xử lý chất thải rắn, khiến các công ty gặp khó khăn, nguy cơ bị cơ quan quản lý môi trường địa phương xử phạt. Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, về quản lý chất thải rắn nguy hại theo quy định là phải có đơn vị đủ điều kiện xử lý thì mới được phép tiếp nhận. Trong khi ở địa phương vùng sâu, vùng xa, thì có thể chấp nhận cho đơn vị được công ty đủ điều kiện uỷ quyền thì vẫn được thu gom, song nhiều DN ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện rồi đem đi đổ bừa bãi. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhiều trường hợp không phải là chất thải nguy hại, kể cả rác thải là bao bì carton nhưng DN vẫn bị xử phạt.
Ở Mỹ, doanh nghiệp Việt mất 9 tháng để được bán cà phê
Trong khi đó, vấn đề đối với Bộ Y tế mà hầu hết DN thủy sản kiến nghị là phiền hà và mất thời gian trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về an toàn thực phẩm. Các DN cho biết theo quy định thì việc này phải giải quyết trong 15 ngày, song chỉ đến khi gần hết thời hạn, cơ quan quản lý mới thông báo hồ sơ không hợp lệ, thiếu giấy tờ…
Chia sẻ với các DN, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho hay khi đi khảo sát thì thấy ở nhiều nơi, có tình trạng nhận hồ sơ nhưng không xem ngay và gần hết ngày thì mới thông báo những điểm không hợp lệ tới DN, người dân để làm lại. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường giải thích, theo luật định, trong vòng 15 ngày phải công bố, trả lời cho DN về việc tiếp nhận công bố hợp quy an toàn thực phẩm của DN là hợp lý, vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh. Trong khu vực thì Singapore, Malaysia áp dụng hậu kiểm nên chỉ tiếp nhận bản công bố của DN.
Khi được Phó thủ tướng yêu cầu chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay thực tế, các nước phát triển khi cấp phép cho một mặt hàng đủ điều kiện an toàn vào lưu thông trên thị trường thì họ làm rất cẩn thận. “Tôi xin lấy ví dụ, khi có cá nhân người Việt mua lại một thị trấn tại Mỹ và bán cà phê tại đó, họ mất 9 tháng để xin giấy phép bán cà phê”, ông Khánh nói. Tuy nhiên, theo ông Khánh, có 2 việc có thể học được từ kinh nghiệm các nước phát triển. Thứ nhất, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng về thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa, gồm những hồ sơ nào, hơn nữa hồ sơ rất dễ hiểu, dễ điền thông tin, bảo đảm không nhầm lẫn được. Còn ở VN, như quy định phải có các chứng từ chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm, quy định như vậy thì mỗi người có một kiểu chứng minh.
Hơn nữa, có 2 thời hạn, thời hạn thứ nhất là để xem đã đủ hồ sơ chưa và thời hạn thứ hai là xem xét hồ sơ khi đã đủ. Ví dụ thời hạn 15 ngày thì với một số công chức không thực sự thành tâm với DN, họ sẽ đợi 15 ngày rồi nói là không đủ.
Kinh nghiệm thứ hai, theo ông Khánh, ở các nước phát triển thì DN sản xuất không tự đi làm các thủ tục. “Chúng ta đã học ở 2 lĩnh vực là hải quan và thuế. Ví dụ khai hải quan có rất nhiều công ty khai thuê hồ sơ chuyên nghiệp, khi nộp vào không có chuyện trả lại. Về lĩnh vực thuế, không ai thạo về thuế cả, cũng có các công ty chuyên đi kê khai thuế. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đất nước càng phát triển thì người dân càng quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó hồ sơ ngày càng phức tạp, từ dư lượng kháng sinh, hàm lượng vi sinh đến kim loại nặng… DN không làm được nếu không có phòng ban chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực này. Do đó, nên có các công ty đi làm việc đó cho DN, từ đó rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho DN”, ông Khánh chia sẻ.

 

Chí Hiếu