23/01/2025

Tự cung tự cấp ở… New Zealand

Nhắc đến New Zealand (NZ), nhiều người thường nghĩ ngay đến thiên nhiên hùng vĩ, môi trường xanh sạch, chất lượng sống cao. Ít ai biết rằng NZ cũng là nơi người dân có lối sống giản dị, tự cung tự cấp lương thực, rau củ…

 

Tự cung tự cấp ở… New Zealand

Nhắc đến New Zealand (NZ), nhiều người thường nghĩ ngay đến thiên nhiên hùng vĩ, môi trường xanh sạch, chất lượng sống cao. Ít ai biết rằng NZ cũng là nơi người dân có lối sống giản dị, tự cung tự cấp lương thực, rau củ…

 

 

 

Tự cung tự cấp ở… New Zealand
Phiên chợ cuối tuần ngoài trời ở New Zealand. Ở đây, đồ cũ có thể cung cấp tất cả vật dụng sinh hoạt cho một gia đình – Ảnh: BẢO CHÂU

Ông Tony Smith bước vào cửa hàng Family Store ở Wanaka, thị trấn nhỏ tại New Zealand. Ông nhanh chóng chọn được một chồng chén bát tinh xảo và hai cái áo hàng hiệu còn rất tinh tươm, tất cả chỉ vỏn vẹn 10 NZD (tương đương 150.000 đồng), mức giá khó tìm thấy ở VN.

Cảm giác đồ đạc của mình vẫn tiếp tục đời sống của nó với một người khác cần nó hơn khiến tôi thấy rất thoải mái

EMILY DODSON (sinh viên NZ)

Đi chợ đồ cũ: 
cần gì cũng có

Trong các cửa hàng như Family Store mà ông Tony Smith vừa ghé, người ta có thể tìm được mọi thứ từ cái muỗng bạc bé tí, máy sấy tóc, linh kiện xe đạp, mũ bảo hiểm… đến bàn ghế, những bộ quần áo, giày hàng hiệu đã qua sử dụng với mức giá chỉ bằng phân nửa, thậm chí chỉ 1/20 so với giá hàng mới.

Ví dụ giày ở đây trung bình đồng giá chỉ 8 NZD/chiếc (không phải đôi, khoảng 120.000 đồng) bất kể hiệu gì, trong khi giá ở cửa hàng chính thức phải từ 100 NZD trở lên. Mức giá rẻ như vậy vì các cửa hàng này không phải mua hàng.

Ở NZ không có khái niệm bán lại hàng cũ. Đồ đạc trong nhà không dùng nữa, người ta mang ra các cửa hàng dạng này, gọi là quyên góp từ thiện. Nhân viên cửa hàng phân loại, giặt ủi, chà rửa tinh tươm đồ cũ và treo lên bán.

Khệ nệ bưng từ xe hơi vào ba cái túi to toàn quần áo và giày, Emily Dodson (sinh viên Trường AUT, Auckland) cho biết: “Tôi chưa bao giờ vứt hẳn quần áo đi cả. Từ khi còn học tiểu học, tôi đã giúp ông mình mang hàng ra đây mỗi dịp cuối năm nên thành thói quen.

Ông tôi bảo đây là cách tốt nhất để chúng tôi có thể giúp người nghèo. Cảm giác đồ đạc của mình vẫn tiếp tục đời sống của nó với một người khác cần nó hơn khiến tôi thấy rất thoải mái”.

Hầu hết các cửa hàng này đều là một mảng hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận ở NZ. Toàn bộ lợi nhuận đều được sử dụng để giúp trẻ bị bệnh tim, người già, người khuyết tật…

Ngay cả nhân viên trong cửa hàng cũng có nhiều bạn sinh viên đến làm tình nguyện, không nhận lương nên cửa hàng tiết kiệm được tối đa chi phí.

Khách đến các cửa hàng này rất đa dạng, từ những người nhập cư thu nhập thấp đến chị em đi săn hàng hiệu giá rẻ, rồi các bà các cô đi mua đồ nhà bếp, học sinh đi tìm mua đồ làm thủ công, mấy anh nghệ sĩ đi săn đĩa nhạc cũ, sách cũ…

Nhiều người già đã về hưu tuần nào cũng tạt vào xem, mua con búp bê, con gấu chỉ chừng 1-2 đồng cho con cháu ở nhà chơi. Các gia đình nhập cư mới sang NZ đôi khi đi cả đoàn năm, sáu người để bê về nào giường, nào bàn ghế…

Có lẽ vì thế mà không khí trong các cửa hàng này luôn rất bình dân và nhộn nhịp. Khách và nhân viên hầu hết đều quen biết nhau, thảo luận sôi nổi và thậm chí chia sẻ hàng hóa, bình luận quần áo, đồ đạc chọn mua được.

Bà Clarkson (65 tuổi) vui vẻ cho biết: “Tôi đi các cửa hàng này nhiều đến mức rất ít khi mua đồ ở các trung tâm thương mại. Hàng ở đây biết cách tái chế, dùng lại thì nhìn như mới, tiết kiệm lắm”. Ngay cả ở các cửa hàng bán đồ mới tại NZ, người ta cũng luôn có một góc để bán đồ cũ nhằm… cạnh tranh với các cửa hàng đồ cũ!

Tự cung tự cấp ở… New Zealand
Anh Craig hướng dẫn học sinh cách cắt rau củ các em thu hoạch từ vườn ở trường – Ảnh: BẢO CHÂU

Tự trồng rau, nuôi ong và cả săn bắn

Với nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp, rau củ quả luôn chiếm vị trí đẹp nhất trong các siêu thị tại NZ.

Tuy nhiên, nhiều người NZ không cần mua rau củ, thậm chí thịt cá tại các siêu thị, vì họ hoàn toàn có thể tự trồng trọt, săn bắt hoặc câu cá quanh nhà.

Ngay tại Auckland – thành phố đang được xem là có nhà cửa đắt đỏ nhất thế giới, rất nhiều gia đình vẫn có một khoảnh vườn trồng rau củ và trồng hoa.

Craig Satherley (giáo viên tiểu học) cho biết lâu lắm rồi nhà anh không mua rau ngoài chợ hay siêu thị, vì nhà có khoảnh sân rất dễ trồng rau. “Muốn ăn gì cứ ra vườn cắt vào ăn, việc gì phải ăn rau củ đông lạnh ở siêu thị” – anh nói.

Tại trường Craig đang làm việc, anh cũng là người phụ trách chương trình Garden to Table hướng dẫn học sinh cách trồng rau, canh tác và thu hoạch trong vườn của nhà trường.

Các em còn được hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản bằng rau mình trồng được như sushi, bánh muffin và cả… gỏi cuốn Việt Nam.

Craig còn làm các thùng gỗ và gửi về cho phụ huynh để hướng dẫn các em tự trồng rau tại nhà.

Có lẽ nhờ các chương trình này, trẻ em ở NZ làm quen rất nhanh với việc làm vườn, phân biệt rành rọt các loại rau và thậm chí rất thích thú khi bắt gặp sâu, giun, kiến… trong vườn.

Alex (10 tuổi) hào hứng cho biết: “Nhà con cũng có một vườn rau, bố và con cùng nhau chăm sóc rất vui, trong vườn có một con giun được con đặt tên là Benji”.

Ra khỏi Auckland, đến các tỉnh vùng ven thì việc tự cung tự cấp rau thịt này càng trở nên phổ biến hơn nhờ đất đai rộng rãi. Vợ chồng anh Jack sống ở Tongariro là một điển hình. Cả hai đều là người Pháp, 10 năm trước quyết định rời Paris đô hội sang NZ sinh sống sâu trong vùng núi này.

Ngôi nhà do hai người tự thiết kế, tự xây rất xinh xắn, có chuồng gà phía ngoài và cả khu vực nuôi ong lấy mật. Đi sâu vào rừng phía sau nhà một chút là khu vực săn bắn hươu nai (ở NZ, việc săn bắn hươu nai là hợp pháp).

Cả hai sống nhờ vào việc chăn nuôi và kinh doanh nhà nghỉ AirBnB cho khách đi săn bắn hoặc leo núi. “Rau củ trong vườn đã có, thịt thì thường khách đi săn về dư ra rất nhiều, họ để lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đổi lại với họ mật ong nhà làm” – anh Jack nói.

Không chỉ gói gọn trong gia đình, NZ cũng là nơi có rất nhiều phiên chợ trời bán rau củ quả, bánh kẹo, mật ong do người dân tự làm và mang ra bán. Hầu hết trung tâm của bất kỳ xã, phường hay thành phố nào ở NZ cũng có những phiên họp chợ như thế.

Ngay tại Britomart, khu vực trung tâm nhộn nhịp nhất ở Auckland (tương tự khu Nguyễn Huệ ở TP.HCM), cứ sáng chủ nhật hằng tuần những quầy hàng bánh mì tự làm thơm phức, hoa hướng dương vàng rực, rau củ quả tươi rói, rồi đồ trang sức tự làm, quần áo tự may luôn bày biện và người mua người bán ồn ào, sôi động như các phiên chợ huyện ở ta.

Chị Minh Tuyết (du học sinh Việt Nam tại NZ) chia sẻ: “Trước khi sang NZ, tôi có thói quen đi mua sắm thì phải vào siêu thị, trung tâm thương mại mới là sang.

Nhưng sống ở đây lâu, thấy người dân ở đây họ trân trọng hàng hoá tự làm, tự sản xuất, tự nhiên tôi lại thấy những sản vật quê nhà, những cái quần cái áo tự làm ra lại có giá trị, có cái hay riêng của nó mà bao lâu nay mình vô tình quên mất”.

Có phải vì người New Zealand… 
nghèo không?

Với vị trí là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia thịnh vượng trên thế giới trong nhiều năm liền, “nghèo” không phải là lý do cho các lựa chọn mua sắm khác biệt thành tập quán này.

Nguyên nhân chính là người NZ không hề ngại ngần trong việc tìm mua và dùng lại đồ cũ (bất kể họ giàu hay nghèo).

Khắp nơi trên đất nước NZ, từ thành phố nhộn nhịp tới thị trấn heo hút, các cửa hàng bán đồ cũ như Family Store, Hospice Shop, St. John Opportunity Shop, Recycle Boutique, SPCA Op Shop… luôn có vị trí buôn bán rất thuận lợi và nhộn nhịp khách ra vào.

ĐOÀN BẢO CHÂU