Gần đây, xảy ra tình trạng nhiều hộ nông dân trồng cam ở Vĩnh Long và Đồng Tháp thuê người chích thuốc cho cây cam để trị bệnh vàng lá gân xanh (một loại bệnh chưa có thuốc đặc trị), khiến cam bị chết hàng loạt.
Cam chết hàng loạt do chích thuốc ‘lạ’
Gần đây, xảy ra tình trạng nhiều hộ nông dân trồng cam ở Vĩnh Long và Đồng Tháp thuê người chích thuốc cho cây cam để trị bệnh vàng lá gân xanh (một loại bệnh chưa có thuốc đặc trị), khiến cam bị chết hàng loạt.
Ông Trần Văn Thắng (55 tuổi, ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết gia đình ông có vườn cam rộng 6.000 m2, với khoảng 2.500 cây cam, trong đó hơn 1/4 bị bệnh vàng lá. Cách đây hơn 2 tháng, có người đến nhà gạ gẫm ông bỏ tiền chích thuốc trị bệnh cho cam, đảm bảo hết bệnh 100%. “Họ ra giá chích thuốc 12.000 đồng/cây. Vườn nhà tôi có 600 cây cam bị bệnh, tổng số tiền mướn chích là 7,2 triệu đồng. Tôi trả trước 5 triệu đồng, số còn lại hẹn khi cam xanh tốt sẽ trả dứt. Tuy nhiên, sau 2 tháng chích thuốc, cây cam bắt đầu rụng lá, rụng trái rồi chết dần khiến tôi phải thuê người cưa bỏ để trồng lại cây khác”, ông Thắng bức xúc.
Theo ông Thắng, đợt đó có cả chục hộ ở xung quanh cùng thuê chích thuốc trị bệnh cho cam như ông và đến nay mọi người đều chung cảnh ngộ. “Mấy ngày nay, tôi điện thoại thì các “kỹ sư” đó không dám nghe máy”, ông Thắng cho biết thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Luân cho rằng chích thuốc trực tiếp vào cây cam bị bệnh vàng lá gân xanh là phản khoa học
Ống chích được bơm thuốc và gắn vào lỗ khoan trong 24 giờ
Tương tự, gia đình ông Trần Văn On (60 tuổi, ở ấp Hòa Bình, xã Tân Hoà, H.Lai Vung, Đồng Tháp) có 3.000 m2 trồng cam mật, tuổi thọ gần 7 năm, cho thu hoạch được 4 mùa nhưng gần đây khoảng 70% cây trong vườn có dấu hiệu vàng lá. Tháng trước có người đến rủ ông chích thuốc để trị bệnh vàng lá cho cam. Thấy địa phương có nhiều người làm nên ông làm theo, hy vọng vớt vát được vườn cam. Tuy nhiên, đến nay hầu hết số cây được chích thuốc đều có dấu hiệu bị “hoại tử”, nứt da và chảy mủ ngay tại vết chích. “Họ khoan vào gốc cam một lỗ sâu khoảng 2 cm, cách mặt đất 10 cm; sau đó dùng ống chích bơm thuốc vào vị trí đã khoan thông qua đoạn ống dẫn “chế” từ ruột xe dài hơn 20 cm rồi dặn tôi sau 24 giờ thì rút ống bơm ra. Cứ mỗi ống bơm thuốc họ lấy 12.000 đồng (cây lớn thì 2 ống, cây nhỏ 1 ống). Họ pha thuốc vào trong xô nước, có mấy loại là nông dược, nhưng có 1 loại không có nhãn mác. Hỏi thuốc gì họ không nói, chỉ cho biết là thuốc của ông thầy giao cho đi làm”, ông On kể.
Ông Huỳnh Quang Toàn, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết đã nghe chuyện chích thuốc cho cam, nhưng chưa có báo cáo cụ thể từ địa phương. Còn chỉ vào những thân cây cam bị đốn hạ, thạc sĩ Nguyễn Minh Luân, cán bộ kỹ thuật Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật H.Trà Ôn, nói: “Xung quanh lỗ chích đã bị nhiễm bệnh. Bên trong lõi cây thì bị nhiễm thuốc thâm đen, cây chết là điều tất nhiên. Không có cách nào cứu chữa được. Đây là cách làm phản khoa học, bởi khoan vào thân cây sẽ tạo vết xước, mầm bệnh dễ dàng tấn công vào gốc”.
Ông Nguyễn Minh Thuấn, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Trà Ôn, khẳng định sẽ cho cán bộ kiểm tra và khuyến cáo bà con trồng cam không nên chích thuốc cho cây. Nếu phát hiện loại thuốc chích không có nhãn mác rõ ràng sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.