Lực lượng bí mật của Nga ở Syria
Nga được cho là đang triển khai tại Syria một đội đặc nhiệm tinh nhuệ, mang lại nhiều lợi thế về chiến đấu lẫn chính trị.
Lực lượng bí mật của Nga ở Syria
Nga được cho là đang triển khai tại Syria một đội đặc nhiệm tinh nhuệ, mang lại nhiều lợi thế về chiến đấu lẫn chính trị.
Từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria vào tháng 9.2015 đến nay, Nga đã giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad từ chỗ liên tiếp thất bại tiến đến đẩy lùi phe nổi dậy lẫn các nhóm vũ trang cực đoan và tái chiếm thành công TP.Aleppo hồi tháng 12.2016. Với việc thành trì lớn nhất của phe nổi dậy đã nằm trong sự kiểm soát của quân chính phủ Syria, mới đây Moscow tuyên bố giảm hiện diện quân sự bằng việc rút bớt lực lượng và một nửa số máy bay khỏi căn cứ Hmeymim.
“Vũ khí” bí mật
Tuy nhiên, chuyên san Foreign Policy dẫn các nguồn tin quân sự tiết lộ dù có giảm quân số và khí tài thì sự hiện diện của lực lượng Nga tại Syria vẫn hết sức vững chắc và hiệu quả nhờ một “vũ khí” bí mật được triển khai từ cuối năm 2016. Đó là đơn vị đặc nhiệm người Hồi giáo dòng Sunni từ Chechnya và Ingushetia. Theo các nguồn tin, về mặt danh nghĩa, các binh sĩ này giữ vai trò “quân cảnh” nhưng thực chất họ đều là thành viên lực lượng đặc nhiệm Spetnaz tinh nhuệ bậc nhất nước Nga và có nhiều năm kinh nghiệm đối phó lực lượng Hồi giáo cực đoan đòi ly khai ở Chechnya. Họ hiện đảm trách các nhiệm vụ quan trọng như điều phối hậu cần, cố vấn kế hoạch tác chiến, bảo vệ các căn cứ quân sự và phối hợp tổ chức phòng ngự cho quân chính phủ Syria.
Quy mô cụ thể của lực lượng này vẫn là thông tin mật. Tuy nhiên, theo truyền thông Nga, hiện có khoảng 500 biệt kích Chechnya và hơn 300 người từ Ingushetia đang hiện diện tại Syria. Ngoài ra, Foreign Policy nhấn mạnh các binh sĩ đều có nhiều kinh nghiệm trận mạc bên ngoài nước Nga. Họ được cho là đã sát cánh cùng lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine và từng tham gia cuộc chiến Nga – Georgia hồi tháng 8.2008.
Theo giới quan sát, đơn vị biệt kích bí mật tại Syria giúp hạn chế những hoạt động đơn phương của quân chính phủ có thể gây tổn hại lợi ích chiến lược lâu dài của Nga tại Trung Đông, đồng thời mang lại cho Tổng thống Vladimir Putin một lựa chọn lợi hại khi cần chứng tỏ sức mạnh trên bộ.
Hiệu quả chiến lược
Theo tờ Novaya Gazeta, binh sĩ Hồi giáo của Nga tỏ ra hiệu quả hơn nhiều đồng đội người Slav khi cần đối thoại với các tay súng nổi dậy cũng như tiếp cận người dân địa phương. Đa số cư dân vùng Bắc Caucasus (Nga) theo Hồi giáo Sunni, tương tự phần đông dân số Syria. Thành viên đội đặc nhiệm được yêu cầu sử dụng ngôn ngữ Hồi giáo thông dụng chào hỏi người địa phương khi tuần tra để gây thiện cảm. Thậm chí, họ còn công khai đứng ra tổ chức các buổi lễ đạo Hồi tại Aleppo để lấy lại niềm tin của người dân sau một thời gian dài nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy.
Ngoài ra, “vũ khí bí mật” này còn đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ chiến lược tam giác Nga – Syria – Iran. Theo Business Insider, thỏa thuận ngừng bắn tại Aleppo được ký kết cuối năm ngoái với sự ủng hộ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Iran bị cho “ra rìa”. Sau đó, một số nhóm vũ trang được cho là do Iran chống lưng bất ngờ nổ súng tại Aleppo hồi tháng 12.2016. Gần như ngay lập tức, Nga triển khai đội “quân cảnh” Chechnya đến thành phố này. Việc duy trì lực lượng tinh nhuệ, có khả năng tác chiến độc lập cao tại đây giúp Nga có thể phản ứng nhanh và hiệu quả trong trường hợp xảy ra vụ việc tương tự.
Theo trang tin Kavkaz-uze, hôm 27.3, nhiều binh sĩ thuộc đội biệt kích tại Syria đã trở về Chechnya và được lãnh đạo Ramzan Kadyrov tặng thưởng. Chưa đầy một tháng sau, ông Kadyrov tuyên bố tiếp tục triển khai “quân cảnh” đến Syria theo lệnh từ trung ương. Trong khi đó, nhóm binh sĩ Ingushetia vẫn tiếp tục đóng tại Damascus và được ghi nhận hoạt động tích cực ở trung tâm thủ đô. Hồi tháng 3, khi phe nổi dậy đụng độ với lực lượng an ninh ở quận Jobar, đơn vị “quân cảnh” Nga được cho là đã tổ chức phòng thủ hiệu quả cho quân chính phủ. Theo Foreign Policy, các binh sĩ này sẽ kết thúc nhiệm vụ trong tháng 5, nhưng nhiều khả năng sẽ được triển khai đợt mới sau thành công tại Damascus.
Cửa ngõ nối Nga và thế giới Hồi giáo
Việc Nga thông qua cộng đồng Hồi giáo tại những địa phương thuộc vùng Bắc Caucasus như Chechnya và Ingushetia để kết nối với Trung Đông không phải chuyện mới. Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov thường đóng vai trò cầu nối giữa Moscow và các quốc gia Ả Rập theo Hồi giáo Sunni cũng như thực hiện các chuyến thăm với tư cách đại diện cho Tổng thống Putin. TP.Grozny của Chechnya cũng được chọn làm địa điểm họp cấp cao và làm chủ nhà cho nhiều diễn đàn quốc tế của các nước Hồi giáo Sunni.
|
Ngọc Mai