24/01/2025

Nguồn lực quốc gia không thể theo lối ‘phân biệt đối xử’

TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa cần phải xác định kinh tế tư nhân làm nền tảng, từ đó có sự phân bổ nguồn lực phù hợp.

 

Nguồn lực quốc gia không thể theo lối ‘phân biệt đối xử’

TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa cần phải xác định kinh tế tư nhân làm nền tảng, từ đó có sự phân bổ nguồn lực phù hợp.

 

 

 

 

Nguồn lực quốc gia không thể theo lối 'phân biệt đối xử'
TS Trần Đình Thiên

“Muốn lớn mạnh về kinh tế thì phải cạnh tranh sòng phẳng, trước hết là cạnh tranh tiếp cận nguồn lực. Nhưng nền kinh tế nước ta hiện nay lại rất thiếu. Các nguồn lực quốc gia nói chung, ngân sách nói riêng, không được phân bổ phù hợp.

Đã là nguồn lực quốc gia thì không thể dành riêng cho DNNN, càng không thể dành theo lối “ưu đãi”, “phân biệt đối xử”

TS Trần Đình Thiên

Ông nói: “Kể từ khi bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới nền kinh tế, Đảng đã xác định nền kinh tế nhiều thành phần, có nghĩa là thừa nhận kinh tế tư nhân, thay thế cho nền kinh tế chỉ dựa vào chế độ công hữu. Cũng từ đây, nền kinh tế đã có sự thay đổi với nhiều khởi sắc. Chính ‘sự thêm vào’ đó của khu vực kinh tế tư nhân đã mang lại sự khác biệt thực sự, khác hẳn về chất cho nền kinh tế, tạo động lực mới và mạnh mẽ cho phát triển”.

Nguồn lực quốc gia không thể theo lối 'phân biệt đối xử'
Tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP và tốc độ tăng trưởng qua một số năm. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần điện tử ASANZO Việt Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp khó lớn và khó mạnh

* Doanh nghiệp tư nhân ngày càng có vai trò lớn trong nền kinh tế, nhưng lại không nhận được nhiều nguồn lực như doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?

– Đúng là khu vực tư nhân có vai trò ngày càng lớn, ngày càng được thừa nhận thực tế. Điều đó có nghĩa rằng trong nhiều năm trước, có sự khác biệt lớn giữa nói và làm – nói là ủng hộ song thực tế lại phân biệt đối xử theo hướng vẫn “kỳ thị” khu vực tư nhân. Việc coi kinh tế nhà nước làm chủ đạo, DNNN là trụ cột, “anh cả” đã khiến phần lớn nguồn lực quốc gia tập trung được dồn cho khu vực DNNN.

Chính sự méo mó chính sách kéo dài, kể cả trong thời kỳ đổi mới vừa qua, đã dẫn tới bất cập trong phân bổ nguồn lực, làm cho khu vực kinh tế tư nhân, vốn yếu thế, bị thiệt thòi rất nhiều – chậm lớn, khó trưởng thành, yếu sức cạnh tranh.

Điều đó cũng giải thích tại sao bây giờ ta lại phải “tái cơ cấu”, tức phân bổ lại nguồn lực cho các khu vực, và tại sao quá trình này lại diễn ra khó khăn đến như vậy.

Các chính sách còn ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Khu vực này mặc dù có đóng góp tốt cho nền kinh tế nhưng cho đến nay cũng không có vượt trội gì “ghê gớm” so với doanh nghiệp trong nước.

Nếu chính sách hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước tốt hơn, thì khối này có thể phát triển “ngang ngửa” với khu vực tư nhân nước ngoài, nhờ đó cạnh tranh và liên kết tốt hơn với họ. Khi đó, nền kinh tế có được “cộng hưởng sức mạnh”, sẽ khoẻ lên, khu vực tư nhân Việt mới có cơ hội trưởng thành vượt bậc.

Đến nay, chúng ta cũng đã có những tập đoàn tư nhân lớn. Nhưng là lớn trong đám đông li ti, vẫn rất thiếu tầm cỡ, chưa đủ tầm vóc để tổ chức và dẫn dắt cuộc chơi lớn, đủ sức “sánh vai” trong cuộc đua toàn cầu hiện đại.

Thực tế là doanh nghiệp lớn ở VN lại chịu rất nhiều rủi ro, tương lai nhiều khi không chắc chắn. Các doanh nghiệp chậm lớn, khó lớn, lại có tâm lý sợ lớn. Một phần lớn sự lớn lên dựa nhiều vào “đầu cơ” chính sách, dựa vào nguồn lực nhà nước, nhờ có “chống lưng”.

Số kinh doanh dựa vào thực lực, trên nền tảng công nghệ rất ít. Họ lại ít được quan tâm hỗ trợ chính sách đúng kiểu nên thường đơn độc, gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường. Vì thế khó lớn và khó mạnh.

* Tại sao lại có sự méo mó chính sách như trên trong suốt một thời gian dài?

– Cần phải nhìn nhận hai thực tế trong nền kinh tế nước ta. Một là môi trường chính sách lệch lạc. Hai là không có lực lượng doanh nghiệp đúng nghĩa. Doanh nghiệp nhỏ nên chủ yếu phải lo “kiếm sống”, cạnh tranh nếu có là để “sinh tồn” chứ không phải là “cạnh tranh phát triển”.

Với họ, tính “lực lượng” nói chung là yếu. Mà trong thời đại hiện nay, lại đi sau như Việt Nam, không có lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh thì từng doanh nghiệp khó có thể lớn lên được.

Căn nguyên là do mô hình kinh tế của ta lệch lạc, duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Nền công nghiệp trình độ thấp mà lại ít chú trọng vươn lên về mặt công nghệ, thiếu tính cạnh tranh.

Với một nền kinh tế chỉ khuyến khích đầu cơ, khuyến khích đi làm tư vấn, “cò mồi” nhiều hơn là sản xuất thật thì dẫn tới sự méo mó trong cấu trúc, chính sách.

Khi cấu trúc và mô hình đã méo mó thì từng cá thể doanh nghiệp khó lớn, khó vươn lên. Khai thác tài nguyên cũng chỉ được vài doanh nghiệp lớn lên thôi, là nhờ quen thân theo kiểu “chủ nghĩa thân hữu”, để kiếm được giấy phép khai thác tài nguyên. Việc hỗ trợ DNNN phải theo nguyên tắc thị trường chứ không thể nào bao cấp, nuôi con theo kiểu “bơm sữa” như vậy.

Nguồn lực quốc gia không thể theo lối 'phân biệt đối xử'

Phải thoát khỏi “tư duy nhà nước”

* Thực tế, Nhà nước vẫn nắm lượng vốn và nguồn lực rất lớn. Cái gì cản trở như vậy, thưa ông?

– Đã là thị trường thì phải dựa trên nền tảng cạnh tranh. Muốn vậy, phải thoát khỏi “tư duy nhà nước”. Mặc dù gần đây các văn kiện và tuyên bố chính thức đều nói khu vực tư nhân là động lực quan trọng, song DNNN vẫn là “chủ lực”, là trụ cột của “chủ đạo” như cũ. Chưa hề có sự giải thích lại rõ ràng.

Dù đã nhận thức ra được vấn đề, là phải cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, chuyển nguồn vốn nhà nước sang cho khu vực tư nhân. Nhưng thực tế vẫn có những giằng níu, sai lệch.

Nói là đồng ý cổ phần hóa, tái cơ cấu, chuyển phần vốn sang khu vực tư nhân để làm chủ, nhưng chỉ đặt mục tiêu bán 5-10% vốn là “hoàn thành nhiệm vụ”, thì lại là sai. Không có ông chủ tư nhân nào ngờ nghệch đồng ý mua mấy phần trăm vốn của các doanh nghiệp đang xập xệ, đầy nợ nần để chẳng có tí quyền điều hành, quản trị nào.

* Theo ông, cần phải làm gì để có nền kinh tế thị trường thực sự và thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển?

– Phải nhận thức đầy đủ rằng cổ phần hoá là tái cơ cấu, chuyển phần vốn nhà nước sang khu vực tư nhân để khu vực tư nhân mua tài sản ấy, làm chủ nó thực sự và thay đổi cách thức quản trị, điều hành.

Nếu DNNN chỉ bán có vài phần trăm vốn thì không giải quyết được vấn đề gì. Cách tiếp cận này không triệt để, không rõ ràng về mặt sở hữu. Quản trị kinh doanh phải trên nền tảng sở hữu khác hẳn, đấy mới là tái cơ cấu đúng nghĩa.

Nguyên lý là sở hữu phải rõ ràng, quyền tài sản phải rõ ràng. Khi đó mới có chủ thể sở hữu thực. Khái niệm “sở hữu tư nhân” là như vậy. Coi kinh tế tư nhân là nền tảng, một cách hết sức tự nhiên. Đó là cốt lõi, là nền tảng của kinh tế thị trường, là cơ sở để có cạnh tranh bình đẳng.

Hoạt động của DNNN cần và phải tập trung vào các lĩnh vực công ích, làm những việc mà tư nhân không muốn làm, không thể làm. Rõ ràng là rất quan trọng. Chức năng của DNNN là như vậy.

Khi thực hiện chức năng “đặc thù” này, khả năng DNNN bị lỗ là rất cao. Nhưng phải lỗ một cách minh bạch, được công khai theo nguyên tắc thị trường. Chứ không thể như lâu nay, ưu tiên, ưu đãi nhưng không công khai minh bạch, làm méo mó thị trường.

Kết cục là cả ông được ưu đãi lẫn ông không được ưu đãi đều “khổ”, đều yếu và kém đi. Động lực “ngược” là như vậy.

Nguồn lực quốc gia không thể theo lối 'phân biệt đối xử'
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH cơ điện Minh Khoa, huyện Củ Chi, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Muộn còn 
hơn không

Hơn 30 năm thăng trầm, “lên bờ xuống ruộng” không biết bao lần trên thương trường đầy khắc nghiệt, nhưng khi hay tin Chính phủ chính thức xác lập quan điểm “sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân”, ông Đỗ Duy Thái – chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Việt (Pomina) – chia sẻ:

“Muộn thật. Nhưng còn hơn không. Cảm giác này giống như đứa con xa cha mẹ lâu ngày, nay lại được tìm thấy, được đón nhận.

Có thể hơi cường điệu nhưng là thật. Vì lâu nay cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chúng tôi tồn tại, hoạt động, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng luôn trong tình trạng phải nghe ngóng Chính phủ ‘liếc’ về phía nào, phải nhìn ‘ý chí’ phát triển của Chính phủ đặt trọng tâm vào đâu, để tìm con đường cho mình đi.

Có đi cùng chiều dài phát triển của đất nước mới hiểu được thế hệ doanh nghiệp chúng tôi mong chờ điều này ra sao”.

Theo ông Thái, Chính phủ phải có chính sách đi kèm để phát triển cho bằng được mục tiêu đã đề ra, với sự giám sát đặc biệt. Các giải pháp đó, bao gồm việc Chính phủ nhất thiết phải tạo ra được sự công bằng trong môi trường kinh doanh, cũng như có kế hoạch phát triển đúng đắn cho các ngành nghề đã quy hoạch.

TRẦN VŨ NGHI

Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, dự kiến ngày 15-5 Thủ tướng sẽ có buổi đối thoại với doanh nghiệp (DN) với chủ đề “Đồng hành cùng DN”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Thu Hằng – tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) – cho biết đây là sự kiện thường niên, nơi cộng đồng DN nêu các vướng mắc, khó khăn cũng như các kiến nghị, đề xuất trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ.

DN càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều

Bà Hằng cho hay VCCI sẽ báo cáo 1 năm thực hiện nghị quyết số 35 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Bên cạnh đó, VCCI cũng có đánh giá về các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, hiến kế các giải pháp của DN sao cho hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.

Để chuẩn bị buổi đối thoại, theo bà Hằng, từ tháng 2 VCCI gửi công văn cho các hiệp hội và DN để tiếp nhận các vướng mắc, bức xúc, kiến nghị của DN liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, VCCI đã nhận được hơn 200 ý kiến của các DN tập trung vào một số nhóm vấn đề lớn.

Thứ nhất, theo bà Hằng, là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, thuế và hải quan, thanh tra, kiểm tra. Năm qua, các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này cũng được cải thiện hơn so với năm trước. Tuy nhiên, chưa đáp ứng được như kỳ vọng của cộng đồng DN.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, cho hay điều tra của VCCI trong nhiều năm liền có thấy xu hướng đáng buồn là cứ DN càng quy mô lớn thì phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra càng nhiều.

Để chấm dứt tình trạng này, bà Hằng đề nghị Chính phủ cần phải cụ thể hóa những chỉ đạo này trong các văn bản quy phạm pháp luật chứ không chỉ dừng lại ở nghị quyết. Bởi khi có quy định pháp luật cụ thể thì các cơ quan quản lý phải thực hiện và làm sai thì chịu chế tài.

DN tư nhân vẫn chịu thiệt thòi

Về nhóm vấn đề thứ hai, cũng theo bà Hằng, là DN kiến nghị Chính phủ cần thiết phải bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN. Vì ngay trong nghị quyết 35, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch – đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, thực tế dự luật này cũng vấp phải phản ứng rất mạnh của cộng đồng DN khi quy định hay các điều kiện để hỗ trợ rất chung chung.

Một nhóm vấn đề lớn thứ ba là DN kiến nghị giảm chi phí kinh doanh cho DN. Theo VCCI, DN tha thiết mong muốn giảm chi phí sử dụng đường bộ, các phí dịch vụ cảng biển…

LÊ THANH

NGỌC AN thực hiện