Tăng trách nhiệm người sử dụng phân bón
Các quy định quản lý phân bón hiện tại thay đổi liên tục, không đủ chặt chẽ khiến doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng gặp khó khăn trong khi không thể quản lý được nạn làm phân bón giả, kém chất lượng.
Tăng trách nhiệm người sử dụng phân bón
Các quy định quản lý phân bón hiện tại thay đổi liên tục, không đủ chặt chẽ khiến doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng gặp khó khăn trong khi không thể quản lý được nạn làm phân bón giả, kém chất lượng.
Quy định hiện nay còn nhiều điểm khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chất lượng. Trong ảnh: vận chuyển phân bón đi tiêu thụ – Ảnh: A.T. |
Đó là thực tế được đưa ra tại hội nghị góp ý về dự thảo nghị định mới quản lý phân bón do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chủ trì tổ chức ngày 5-5 ở TP.HCM, với sự đồng hành của Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí – đạm Phú Mỹ.
Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc ràng buộc trách nhiệm cả người sử dụng phân bón.
Nhiều “kẽ hở” lớn
Cùng việc đưa ra dự thảo nghị định mới, ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thừa nhận hàng loạt bất cập của nghị định hiện nay dù cho rằng nó đã có đóng góp nhất định.
Ví dụ quy định cho phép doanh nghiệp tự khảo nghiệm phân bón rồi công bố chất lượng, theo ông Trung, khiến nhiều doanh nghiệp không khảo nghiệm nhưng vẫn ghi có và lưu thông sản phẩm trên thị trường, gây thiệt hại cho người sử dụng.
Đặc biệt, có tình trạng hoạt động trình diễn, quảng cáo phân bón không đúng bản chất sản phẩm gây nhầm lẫn cho người dân; nhiều loại trên bao bì là phân bón nhưng công dụng lại là của hoá chất bảo vệ thực vật…
Ông La Hoàng Đức, tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Ngọc Tùng, cho biết nghị định mới cho ngành phân bón là điều các công ty sản xuất phân bón chân chính mong chờ từ lâu.
Bởi từ ngày nghị định quản lý phân bón 202/2013 ban hành, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cùng quản lý phân bón và nhiều quy định thay vì hỗ trợ lại khiến doanh nghiệp rất… khổ sở.
“Nhiều lúc chúng tôi đã có ý định thanh lý và giải thể nhà máy sản xuất phân bón 10 triệu USD đã đầu tư ở Long An” – ông Đức cho hay.
Đặc biệt, ông Đức nói thẳng nhiều khi quản lý thị trường không biết lấy mẫu nên làm sai lệch kết quả phân tích. Ông Đức đề nghị cho doanh nghiệp được quyền mời cơ quan phân tích độc lập đến lấy mẫu phân tích.
Quy định mới vẫn chưa ổn
Dù Bộ NN&PTNT đã đưa ra dự thảo nghị định mới, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng một số nội dung chưa hợp lý, chưa phù hợp với thị trường, cần bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phân bón….
Ông Vũ Tu Nghĩa, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển thương mại An Lạc, cho biết mỗi lần nghe thấy thay đổi giấy phép là lo lắng… mất ăn mất ngủ.
Doanh nghiệp dù đã có đủ các giấy tờ về đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, địa điểm mà nộp hồ sơ xin phép phải mất hai tháng cơ quan chức năng mới vào đánh giá, rồi một tháng sau nữa mới có kết quả thì quá tốn kém và mệt mỏi. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị các chính sách mới nên thông thoáng hơn nữa.
Cũng theo ông Nghĩa, nghị định mới yêu cầu doanh nghiệp phải có phòng kiểm nghiệm riêng là không hợp lý.
Bởi đầu tư một phòng kiểm nghiệm, xài đồ cũ cũng mất 500-700 triệu đồng, mua mới cần 1-1,5 tỉ đồng.
Trong khi đó khi mua nguyên liệu, doanh nghiệp đã đòi hỏi giấy chứng nhận chất lượng của người bán, doanh nghiệp cũng ký hợp đồng với trung tâm kiểm định chất lượng của Nhà nước để kiểm nghiệm đầu ra sản phẩm nên không nhất thiết bắt doanh nghiệp phải đầu tư cho tốn kém.
Ông Trần Dũng, giám đốc Công ty phân bón Hà Lan, cho hay trong nghị định mới có quy định mới là phân hỗn hợp NPK phải khảo nghiệm là không hợp lý. Bởi vì NPK đã được rất nhiều doanh nghiệp khảo nghiệm, được sử dụng từ bao nhiêu năm nay rồi, không cần phải khảo nghiệm nữa.
Siết trách nhiệm cả người dùng
Ông Hoàng Trung khẳng định những vướng mắc mà doanh nghiệp đưa ra sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, nếu hợp lý sẽ bổ sung.
Đặc biệt, theo ông Trung, hiện việc sử dụng phân bón của người dân không có quy định dẫn tới lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nghị định mới sẽ có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng để hạn chế tình trạng trên…
Trong đó theo dự thảo nghị định, người dùng sẽ phải bón phân đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón. Cơ sở buôn bán phân bón cũng phải hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung của nhãn…
Ông Trung tiết lộ mục đích của nghị định mới là siết chặt các hoạt động làm ăn gian dối trong sản xuất và kinh doanh phân bón.
Ví dụ như nghị định 202 tập trung vào hậu kiểm là chính, trong khi nhân lực thiếu nên quản lý không hiệu quả.
Những quy định mới sẽ siết chặt các hoạt động như tự khảo nghiệm, quảng cáo sai bản chất… để giúp doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng đỡ vất vả hơn trong cạnh tranh.
Sắp có tới 10.000 loại phân bón Ông Hoàng Trung thừa nhận việc quản lý phân bón theo các quy định cũ không đáp ứng nhu cầu thực tế. Với các quy định trên, sản phẩm phân bón được các doanh nghiệp sản xuất và đăng ký ồ ạt. Đến hết năm 2016 đã có 6.052 sản phẩm phân bón được cấp phép. “Chỉ trong ba tháng đầu năm 2017 đã có trên 3.000 sản phẩm mới đăng ký cấp phép. Như vậy, thời gian tới sẽ có khoảng 10.000 loại phân bón trên thị trường, sẽ rất khó để quản lý chất lượng. Hiện đang có trên 300 giấy phép xin xây dựng nhà máy sản xuất phân bón và trên 500 nhà máy đang hoạt động tại VN là quá nhiều” – ông Trung thông tin. |
Dễ cho hàng kém chất lượng Theo ông La Hoàng Đức, nhiều quy định hiện tại tạo ra kẽ hở cho những đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Vì vấn nạn phân giả, phân bón kém chất lượng mà doanh nghiệp của ông không thể phát triển được. Ông Đức đề nghị trong nghị định mới này cần làm rõ khái niệm phân bón kém chất lượng và mức phạt luỹ kế theo mức độ kém chất lượng. Ví dụ, nếu kém 1% chất lượng thì xử lý phạt ít tiền hơn kém 20% chất lượng. Trong khi theo quy định hiện hành, hàm lượng các chất thiếu 0,5% cũng giống 20%, mức phạt không cao. Điều này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn gian dối chấp nhận chịu phạt để sản xuất hàng kém chất lượng. |