29/11/2024

Những liên kết tình huống

Mỹ đòi bảo hộ để bảo vệ người Mỹ, châu Âu lúng túng vì mất thành viên quan trọng cùng những bất ổn nội tại. Trong tình cảnh đó, châu Á siết tay nhau giữ ổn định.

Những liên kết tình huống

Mỹ đòi bảo hộ để bảo vệ người Mỹ, châu Âu lúng túng vì mất thành viên quan trọng cùng những bất ổn nội tại. Trong tình cảnh đó, châu Á siết tay nhau giữ ổn định.

 

 

 

 

Những liên kết tình huống
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati phát biểu tại hội thảo – Ảnh: ADB

Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra tại Yokohama (Nhật) trong bối cảnh đặc biệt: đánh dấu 20 năm cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và tình hình địa – chính trị – kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu bất ổn đáng lo ngại.

Phải cảnh giác

Không phải ngẫu nhiên mà bài học từ cuộc khủng hoảng và vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế của ADB lẫn của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) lại sớm là chủ đề nóng của bốn ngày hội nghị năm nay (từ 4 đến 7-5).

Tại buổi hội thảo có chủ đề “20 năm sau khủng hoảng tài chính châu Á: Những thành quả và đường hướng sắp tới” do nước chủ nhà tổ chức bên lề hội nghị của ADB, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati có kể câu chuyện rất đáng suy ngẫm: “Thời gian gần đây, khi có dịp đi dạy, tôi đã hỏi sinh viên của tôi về khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và hầu như chẳng ai biết về nó, nhớ về nó”.

 

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Thái Lan vào tháng 7-1997 đã có tác động lan dây chuyền khiến nhiều “con hổ châu Á” lúc đó bỗng chốc trở thành “con mèo”, trong đó có Indonesia.

 

Hàng trăm tỉ USD đã bốc hơi cùng hàng triệu người dân khu vực bỗng chốc trở lại tình cảnh nghèo khó.

Nhiều năm sau, các nước trong khu vực vẫn còn phải thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng theo điều kiện của các thiết chế tài chính lớn để được vay tiền vượt qua khủng hoảng.

Đó là một câu chuyện xương máu, nhưng đã sớm bị quên lãng khi các nền kinh tế của khu vực có dấu hiệu hồi phục. Lời nhắc nhở của bà bộ trưởng tài chính Indonesia vì thế đã được kèm theo lời kêu gọi “phải luôn cảnh giác và hợp tác tốt cùng nhau”.

“Khối ASEAN+3 (bao gồm thêm Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc) cần xây dựng mối liên kết mạnh mẽ để có thể chịu đựng, ngăn chặn cú sốc và những biến động có thể có” – bà Indrawati nhấn mạnh.

Đối thoại và kết nối

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump công khai tỏ rõ ý định xem xét, tiến tới điều chỉnh các chính sách kinh tế, tài chính để đảm bảo quyền lợi nhiều hơn cho nước Mỹ, ưu tiên cho người Mỹ, ba nước hàng đầu châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng cho biết thống nhất “chống lại mọi hình thức 
bảo hộ thương mại”.

Trong cuộc họp bên lề Hội nghị ADB ở Yokohama vào sáng 5-5, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của ba nền kinh tế lớn trong khu vực (lẫn ở tầm thế giới) đã đưa ra tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại và kết nối ở cấp độ cao để đối phó với mọi tình huống bất ổn tài chính, trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị và nguy cơ bất ổn ngày càng gia tăng của 
kinh tế toàn cầu”.

Cần nhớ Nhật và Hàn Quốc là những đồng minh thân cận của Mỹ không chỉ về quân sự mà cả kinh tế, tài chính. Nhưng một khi lợi ích kinh tế bị đụng chạm, các mối liên kết mới sẵn sàng hình thành.

Chỉ một ngày trước đó, trong buổi họp báo sáng 4-5, chủ tịch ADB Takehiko Nakao đã khẳng định mong muốn kết nối hợp tác hơn là cạnh tranh giữa hai ngân hàng đầu tư trong khu vực là ADB và AIIB.

AIIB, do Trung Quốc khởi xướng, chính thức hoạt động từ tháng 1-2016 và được xem là “đối thủ” đáng gờm trong khu vực của ADB, vốn được cho là do Mỹ chống lưng và chi phối.

Vị lãnh đạo người Nhật đã nói thẳng rằng dư địa đầu tư ở châu Á rất lớn và cần hợp tác hơn là so kè cạnh tranh để đem lại lợi ích thực thụ cho khu vực.

Tại hội nghị ở Yokohama, nhiều tiếng nói có trọng lượng cũng đã cổ súy mong muốn của chủ tịch ADB, bởi lẽ theo dự báo khu vực cần đến 1.700 tỉ USD mỗi năm cho phát triển hạ tầng và còn đến 300 triệu người sống trong nghèo khó.

Nhật đổ tiền giúp ASEAN

Nhật đã đề nghị lập một thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương kiểu mới với các nước ASEAN, cung cấp tới 40 tỉ USD nhằm giải quyết các khó khăn thanh khoản ngắn hạn trong giai đoạn khủng hoảng.

Theo đó, các nước được phép rút các quỹ bằng đồng yen theo các thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương hiện hành.

Trong ngày 5-5, Nhật đã ký thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Thái Lan trị giá 3 tỉ USD và đạt thỏa thuận sơ bộ để ký một thoả thuận tương tự với Malaysia.

THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật Bản)