Đứng dậy từ vùng ‘biển chết’ – Mang cây sả phương nam về biển
Khi nhiều ngư dân gác chèo, treo thuyền sau sự cố môi trường, có một doanh nhân lại rong ruổi phương nam để mang về một loài cây có thể trồng trên cát.
Tiến tới ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 11:
Đứng dậy từ vùng ‘biển chết’ – Mang cây sả phương nam về biển
Khi nhiều ngư dân gác chèo, treo thuyền sau sự cố môi trường, có một doanh nhân lại rong ruổi phương nam để mang về một loài cây có thể trồng trên cát.
Khát vọng làm giàu của anh như là những hiến kế để ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 11 xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên vùng biển lập nghiệp.
Anh là Hồ Xuân Hiếu (42 tuổi), Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Trị.
TIN LIÊN QUAN
Đứng dậy từ vùng ‘biển chết’ – Chàng trai biển và 3 loài cây chịu hạn tốt
Tuổi còn trẻ đã lăn lộn nhiều nơi, từng sang tận Lào để kiếm sống, nhưng khi trở về nhìn cảnh làng quê xơ xác sau sự cố môi trường biển, Nguyễn Đình Hải quyết định dừng chân và mò mẫm trồng thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau, tìm sinh kế mới.
Từng nổi danh với cái tên “Pả Hiếu” (bố Hiếu, gọi theo cách thân mật của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều) khi từ năm 2002 Hiếu xách ba lô lên vùng cao Hướng Hóa hướng dẫn đồng bào trồng sắn và xây nhà máy chế biến tinh bột sắn bề thế. Trở về xuôi, anh để lại 30.000 bản hợp đồng bao tiêu sắn. Khi sự cố môi trường biển xảy ra, tất nhiên “Pả Hiếu” không chịu đứng ngoài cuộc. Nhưng lần này, anh lại chọn một loài cây nghe vừa cũ vừa mới đối với người miền biển: cây sả.
Hiến kế “cứu” dân
Còn nhớ, hồi giữa tháng 7.2016, trước sự tàn phá khủng khiếp của sự cố môi trường biển, UBND tỉnh Quảng Trị đã phải triệu tập cuộc họp quy mô lớn chưa từng thấy, với sự tham gia đầy đủ các ngành chức năng và chính quyền từ cấp tỉnh, huyện, xã do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính chủ trì, với mục đích duy nhất: tìm sinh kế cho dân.
Giữa lúc cuộc luận bàn đang cao trào, doanh nhân trẻ Hồ Xuân Hiếu đăng ký đúng 10 phút để trình bày, và ý tưởng mang cây sả trồng trên đất cát ven biển đã nhận được những tiếng “À”, “Ồ” ngạc nhiên từ phía dưới hội trường…
Chuyện trò với người viết vào những ngày cuối tháng 4.2017, anh Hiếu cũng chỉ biết gãi đầu mà rằng: “Không hiểu sao lúc đó máu lửa đến thế. Chắc cũng tại tâm ý muốn giúp người dân đang lâm nạn đã làm cho mình thêm mạnh mẽ, dám nói, dám thể hiện”. Anh bảo cũng tại tính hay hỏi han tỉ mỉ, nên khi nghe ngư dân than phiền mỗi ngày mong kiếm trăm, hai trăm ngàn đồng đong gạo chứ chả dư dả, thì chạnh lòng. “Sự cố môi trường xảy ra, cá mắm không còn, lưới rách, thuyền treo… thử hỏi họ lấy gì để sống? Câu hỏi đó đã ám ảnh mình rất nhiều. Bởi sự nghiệp kinh doanh của mình lâu nay tính lui tính lại cũng chỉ xoay quanh nông nghiệp, nông thôn… Nếu lúc này không xòe tay ra giúp những ngư dân thì còn lúc nào nữa”, anh Hiếu nhớ lại.
Anh kể, năm 2015, trong chuyến tham quan ở các tỉnh miền Tây, được nghe giới thiệu mô hình trồng sả voi cho thu nhập cao với 2 vụ/năm, năng suất chừng 15 tấn/ha/vụ và thu mua ngay tại rẫy với mức giá 3.000 – 5.000 đồng/kg. “Lúc đó mình nghe cũng ghi nhận vậy thôi chứ cũng chả mấy quan tâm. Chỉ đến khi thảm họa biển xảy ra, chợt nhớ đến cây sả bởi đó là loài chịu được hạn, mặn, bạc màu mà lại rất dễ trồng…”, anh Hiếu tâm sự.
Không chần chừ, tháng 6.2016, vị doanh nhân này tất tả quay lại Tiền Giang, Hậu Giang để tìm hiểu cặn kẽ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sả và tưởng như muốn mang chúng ra thật nhanh với vùng cát Quảng Trị. Nhưng thực tế không hề đơn giản như anh nghĩ. Bởi sau đợt “hiến kế”, dù tâm ý tốt đẹp nhưng anh Hiếu cùng các đồng sự của Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị còn phải trải qua nhiều cuộc “vận động hành lang” mới hiện thực hóa ý tưởng trồng sả ở đồng cát ven biển Quảng Trị. “Để thuyết phục chính quyền và người dân trồng một loại cây mới, nuôi một con mới không hề đơn giản. Muốn họ làm thì phải làm cho họ tin”, anh trải lòng.
TIN LIÊN QUAN
Chàng trai Việt ‘nông dân’ đầu tiên tìm ra lỗ hổng Facebook được thưởng ngàn USD
Phạm Văn Khánh (25 tuổi) là người Việt Nam đầu tiên tìm ra lỗ hổng bảo mật của Facebook và được công ty của Mỹ cấp toàn cầu này thưởng 6.000 USD.
Dấn thân với sả
Cuối cùng Hồ Xuân Hiếu đã thuyết phục được chính quyền và người dân ở một số địa phương ven biển Quảng Trị dấn thân với cây sả, bằng một lời hứa như đinh đóng cột: Công ty của anh sẽ bỏ tiền ra lo tất cả chi phí ban đầu và bao tiêu đầu ra cho toàn bộ sản phẩm. “Người dân chỉ cần bỏ công ra trồng, chăm sóc sả thật tốt. Mọi việc còn lại cứ để chúng tôi lo”, anh nói ngắn gọn, quyết đoán.
Theo nhẩm tính của vị doanh nhân trẻ tuổi này, cứ mỗi héc ta sả, công ty đầu tư 2,4 tấn giống, 7 tấn phân bón…, tổng chi phí khoảng 24 triệu đồng/ha, chưa tính công sức cán bộ hướng dẫn kỹ thuật. Chưa hết, công ty của anh cam kết mua sả với giá tại rẫy 3 triệu đồng/tấn, thậm chí phụ phẩm là lá cũng mua với giá 600.000 đồng/tấn. “Nhẩm tính, nếu năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ thì qua 2 vụ, người trồng có thể thu tròm trèm 70 triệu đồng/ha từ tiền bán gốc và lá”, anh Hiếu tính toán.
Nhờ được “chăm sóc tận răng” nên đã có 3 xã Trung Giang (H.Gio Linh), Triệu An (H.Triệu Phong) và Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh) mạnh dạn trồng thử nghiệm sả ven biển, mỗi địa điểm 1 ha.
Để khẳng định quyết tâm dấn thân đến cùng và việc đặt hàng nông dân là có thật, tháng 3 vừa rồi, từ những sản phẩm sả trồng thử nghiệm, Xí nghiệp chế biến nông sản Đông Hà (công ty con của Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị) đã chế biến, cho ra đời một loạt sản phẩm hấp dẫn: “Sả tím nguyên cây”, “Sả tím cắt lát”, “Sả tím sấy khô”, “Bột sả tím”, “Tinh dầu sả”… Các sản phẩm sả vừa chào thị trường đã nhận được sự quan tâm của không ít đối tác, kể cả nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN
Không cam lòng nhìn những ngôi làng ven biển dần ‘héo hon’ bởi sự cố môi trường và nghe những lời ta thán của ngư dân rằng: ‘biển chết, lấy gì để sống?’, nhiều bạn trẻ ở Quảng Trị đã tự vạch lối đi, tìm sinh kế cho bản thân và giúp hồi sinh vùng biển quê mình.
“Mình không muốn chuyện trồng sả dừng lại ở việc… hô hào giúp dân miền biển, mà phải thực sự hiệu quả. Nên cuối tháng 5 này, mình sẽ cho thu hoạch đại trà các vùng thử nghiệm rồi hạch toán kinh tế để thuyết phục cho trồng đại trà sả tại 16 xã thị trấn ven biển. Mơ ước của mình là trồng khoảng 1.000 ha. Có vậy, mình mới đầu tư thêm dây chuyền chế biến sả cho Xí nghiệp chế biến nông sản Đông Hà, để cây sả từ gốc đến ngọn, không hề bị vứt bỏ phần nào hết”, anh Hiếu không ngại ngần bày tỏ.
Trước những rẫy sả đang xanh mướt, có lẽ Hồ Xuân Hiếu không mong được người dân miền biển gọi là “Pả Hiếu” theo cách gọi trìu mến của đồng bào vùng cao. Nhưng hẳn anh đang mong cây sả cũng sẽ tái lập kỳ tích như cây sắn cách đây hơn 15 năm ở vùng cao Quảng Trị, để mang no ấm đến với miền biển.
Nguyễn Phúc