14/01/2025

Chương trình hướng nghiệp ngàn tỉ của Singapore

Singapore vừa phát động một chương trình quy mô rất lớn nhằm giúp giới trẻ tìm việc làm lý tưởng và khuyến khích văn hoá chia sẻ từ người đi trước.

 

Chương trình hướng nghiệp ngàn tỉ của Singapore

Singapore vừa phát động một chương trình quy mô rất lớn nhằm giúp giới trẻ tìm việc làm lý tưởng và khuyến khích văn hoá chia sẻ từ người đi trước.




Một buổi trao đổi trong khuôn khổ chương trình Todo TodoẢNH: NTUC

Theo trang tin Today, chương trình hướng nghiệp mới mang tên “Todo Todo” không chỉ dành cho sinh viên vừa hoặc sắp ra trường mà còn hướng đến các lao động trẻ đang phải bám víu những công việc không thích hợp. Nếu thành công, mô hình sẽ tạo bước tiến đột phá trong thị trường lao động Singapore và sắp xếp nguồn nhân lực hiệu quả tối ưu nhằm thúc đẩy phát triển vượt bậc.
Chương trình đang được phát động tại nhiều trường học, doanh nghiệp và hội đoàn ở Singapore, thu hút sự chú ý rộng rãi từ thanh niên, vốn đang lo lắng về thị trường lao động ngày càng thu hẹp và cạnh tranh khắc nghiệt.

Được tổ chức bởi Hiệp hội Liên minh thương mại quốc gia (NTUC) phối hợp với Bộ Văn hoá, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, Todo Todo đã gây quỹ được 100 triệu SGD (khoảng 1.631 tỉ đồng) với 75% trích ngân sách quốc gia. Hiện các nhà tổ chức còn đang hướng đến mục tiêu đạt gấp đôi số tiền trên và kết nối được với 10.000 bạn trẻ. “Chúng ta có thể dùng quỹ này như chất xúc tác tạo ra định hướng phát triển hoàn toàn mới cho nguồn nhân lực”, Tổng thư ký NTUC Chan Chun Sing phát biểu.
Dịch chuyển lớn
Theo website Todo Todo, ban tổ chức sẽ liên tục có các khóa dành cho sinh viên cũng như người lao động từ 18 – 35 tuổi nhằm giúp họ định hướng tốt hơn về thị trường việc làm. Thay vì tự tìm nơi xin thử việc, thanh niên giờ đây có được một chương trình kết nối bao quát khắp cả nước giúp họ tìm hiểu rõ hơn và trải nghiệm thực tế điều kiện công việc.
Song song đó, ban tổ chức sẽ tuyển dụng tình nguyện viên là những người có kinh nghiệm trên 5 năm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau để đồng hành cùng các tân cử nhân trong vòng 4 tháng. “Những hướng dẫn viên này có thể đồng cảm với những lo ngại và kỳ vọng của những người trẻ đang tìm việc. Họ có thể giúp giới trẻ biết rằng mình cần những kỹ năng và kiến thức cụ thể trong lĩnh vực họ quan tâm”, theo ban tổ chức.
 
 
Thiếu hụt kỹ năng công nghệ thông tin
Theo nghiên cứu mới của Công ty công nghệ Brocade có trụ sở ở California (Mỹ), việc thiếu hụt nhân lực cùng với kỹ năng lỗi thời về công nghệ thông tin đang kìm hãm sự phát triển kinh doanh. Hơn 91% trong tổng số 630 nhà quản lý lĩnh vực công nghệ thông tin ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc và Singapore tham gia khảo sát cho rằng công nghệ thông tin đóng vai trò “rất quan trọng” hoặc “sống còn” đối với sáng tạo và phát triển trong kinh doanh. Khoảng 54% dự đoán họ sẽ chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong vòng 1 năm tới. Tại Singapore, 25% thừa nhận họ không thể đáp ứng nhu cầu công việc do thiếu nhân lực giỏi nghề. Đây sẽ là rào cản đối với nhiều công ty trong việc áp dụng công nghệ mới một cách hiệu quả, dẫn đến việc nhân viên bất mãn và doanh nghiệp giảm năng lực cạnh tranh, theo Brocade.

 

Bước đầu, đã có hơn 100 người tình nguyện hướng dẫn “tân binh” trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng và giáo dục. Giới trẻ cũng có thể thông qua Todo Todo để kết nối với mạng lưới chuyên gia và tham gia những buổi trao đổi về công việc.

“Nhờ các chuyên gia là người trong cuộc, giới trẻ sẽ có thông tin mới nhất về sự phát triển của lĩnh vực họ quan tâm, cần chuẩn bị hành trang gì và còn xây dựng được quan hệ trong lĩnh vực đó”, Giám đốc phụ trách phát triển giới trẻ của NTUC Desmond Choo giới thiệu.
Theo NTUC, chương trình này sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển lao động theo hướng hiệu quả hơn. Trước đây, một người chỉ làm một hoặc hai công việc trong đời nhưng giờ đây họ có thể “thử” nhiều việc khác nhau để xác định công việc phù hợp nhất.
Văn hóa chia sẻ
Ngoài ra, Todo Todo cũng đặt mục tiêu phát huy văn hoá chia sẻ giữa người lao động với nhau để khắc phục tình trạng người trẻ phải tự “bơi”. Nhiều tình nguyện viên tham gia hướng dẫn tỏ ra rất nhiệt tình và đây là tín hiệu khả quan cho tương lai phát triển hiệu quả lao động của nguồn nhân lực Singapore.
Today dẫn lời giảng viên Viện Giáo dục kỹ thuật Singapore Azri Zulfarhan Kamsin, người từng làm trong ngành hàng hải và chế tạo máy, bày tỏ rằng thông qua chương trình, ông mong những kinh nghiệm nghề nghiệp của mình có thể trở thành vốn hữu ích của các bạn trẻ. “Người trẻ cần được biết trước sẽ đối mặt những vấn đề gì trong nghề nghiệp mình lựa chọn”, Kamsin nói.
Liu Tze Hui, sinh viên năm 3 tại Trường Bách khoa Temasek, hào hứng cho biết dù chỉ mới tham gia được vài ngày nhưng cô đã biết thêm nhiều điều hữu ích từ người hướng dẫn cho lĩnh vực logistics mà mình đang theo học. “Quy trình được đặt ra để chúng ta tuân thủ, nhưng tôi học được rằng chúng ta cần phải linh động thay đổi để tăng năng suất công việc”, cô nói.
Tương tự, Rayen Tan, sinh viên năm 3 chuyên ngành dược, chia sẻ: “Sớm trải nghiệm thực tế và được hướng dẫn từ các đàn anh tốt hơn nhiều so với chỉ theo những gì được “mớm” trên ghế nhà trường. Giờ đây chúng tôi có thể tự mình tìm hiểu kinh nghiệm nghề nghiệp, có thêm nhiều mối quan hệ và biết nhà tuyển dụng cần gì ở mình”.

 

Khánh An