29/11/2024

Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân

Tuần này Hội nghị Trung ương 5 sẽ họp bàn và ra nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân sẽ được nhìn nhận đầy đủ, khách quan hơn và được trả lại cơ hội bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước?

 

Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân

 Tuần này Hội nghị Trung ương 5 sẽ họp bàn và ra nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân sẽ được nhìn nhận đầy đủ, khách quan hơn và được trả lại cơ hội bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước?

 

 

 

Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
Ông Nguyễn Đình Cung – Ảnh: LÊ THANH

“Cần thống nhất quan điểm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ

Trưởng Ban Kinh tế trung ương NGUYỄN VĂN BÌNH phát biểu tại diễn đàn kinh tế tư nhân ngày 26-4 ở Hà Nội

Đánh giá về đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, TS Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) nhấn mạnh trên thế giới này, cho đến nay chưa có một đất nước nào phát triển thành công mà dựa vào kinh tế nhà nước.

Ở VN, mặc dù nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp (DN) nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng nhưng nhìn về các tỉnh như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,… không có một tỉnh nào phát triển mà dựa vào DN nhà nước.

Ngay cả những chỗ mà DN nhà nước có thể rất mạnh như kinh doanh bất động sản ở những khu đô thị lớn, đô thị mới hiện đại được người dân ưa chuộng thì vẫn là DN tư nhân, không có bóng dáng của DN nhà nước.

* Vậy kinh tế tư nhân là ai?

 

– Có sự khác biệt giữa thực tế về vai trò của DN nhà nước và vai trò của kinh tế tư nhân. Tư nhân là ai? Cần chia ra hai khu vực là khu vực chính thức và khu vực phi chính thức. Khu vực chính thức đóng góp khoảng 13% GDP, còn lại là do khu vực phi chính thức đóng góp 35% GDP.

Tổng cộng hai khu vực này đóng góp khoảng 48% GDP, lớn nhất so với sự đóng góp của các thành phần kinh tế. Dù vậy nhưng so với thông lệ chung của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, tỉ lệ này vẫn quá nhỏ bé.

Thông lệ chung của thế giới, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân phải chiếm đến 80-90% GDP. Như vậy, muốn tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, rõ ràng kinh tế tư nhân phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Kinh tế tư nhân không lớn lên được

* Vậy tại sao thưa ông, kinh tế tư nhân của chúng ta lại chưa thực sự phát triển mạnh mẽ?

– Thực tế có những rào cản khiến kinh tế tư nhân không lớn lên được và mặt khác họ cũng không muốn lớn. Tại sao lại như vậy? Đầu tiên mà nói là kinh tế tư nhân không lớn lên được do bị ngăn trở bởi rào cản là cơ chế phân bố nguồn lực.

Khi nguồn lực vẫn do Nhà nước phân phối và chi phối bằng cơ chế xin – cho, không phân bố dựa trên hiệu quả sử dụng nguồn lực thì những người làm tốt nhất không tiếp cận được nguồn lực đủ mức để phát triển.

Phân bố theo cơ chế này là theo chủ quan chứ không theo nguyên tắc thị trường. Do đó, DN tư nhân có muốn phát triển cũng không được vì khó có cơ hội tiếp cận nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai, lao động…

Chính điều này đã làm hao mòn sự phát triển của DN tốt, đồng thời làm hao mòn tiềm năng phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là lý do đầu tiên.

Lý do thứ hai là DN tư nhân không muốn lớn lên là do kinh tế tư nhân không được bảo vệ. Kinh tế tư nhân VN cần sự bảo vệ hơn là cần sự hỗ trợ. Tài sản, sản nghiệp của người ta được đảm bảo, người ta mới yên tâm đầu tư lâu dài.

Ở nước mình, ai cũng có quyền đi kiểm tra, thanh tra DN. Mà đi kiểm tra, thanh tra thì thế nào DN tư nhân cũng có sai phạm. Rất nhiều cơ quan được ra những văn bản điều hành mà gián tiếp, trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, qua đó ảnh hưởng đến tài sản của họ.

DN là một sản nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, DN không biết khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình mà đều ngấm ngầm, âm thầm chấp nhận. Trên thực tế, có không ít văn bản như thông tư ảnh hưởng đến lợi ích của DN nhưng DN không làm được gì.

Một khi không có cơ chế nào bảo vệ lợi ích của DN, trong đó có DN tư nhân thì họ không muốn làm ăn lớn, mở rộng quy mô làm gì.

* Nhiều ý kiến cho rằng một phần do thể chế cũng chưa khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển?

– Đây chính là lý do thứ ba khiến kinh tế tư nhân không phát triển được, bởi cách thức quản lý nhà nước với hệ thống pháp luật nhà nước không khuyến khích người ta sáng tạo. Người dân muốn làm gì thì điều đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước luôn hỏi là: Giấy phép của anh đâu, anh đã qua đào tạo chưa? Anh làm như thế này đã đúng quy trình chưa?

Làm đúng theo quy định, quy trình của Nhà nước thì những ý tưởng sáng tạo không bao giờ được triển khai đến tận cùng. Trong khi đó với cơ chế thị trường, muốn phát triển phải đổi mới, sáng tạo. Một môi trường phải nuôi dưỡng, khích lệ sáng tạo và bảo vệ sáng tạo thì lúc đó mới phát triển được.

Tóm lại, để khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần có cơ chế tự do sáng tạo và cơ chế phân bổ nguồn lực theo thị trường, đồng thời có chính sách bảo vệ được tài sản, quyền sở hữu tài sản một cách vững chắc cho người đầu tư và DN.

Được như vậy, chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ phát triển.

Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
Kinh tế tư nhân VN cần sự bảo vệ hơn là sự hỗ trợ. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH cơ điện Minh Khoa, huyện Củ Chi, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hãy để thị trường quyết định

* Theo ông, với tư duy như thế thì cơ chế chính sách cũng sẽ phải thay đổi?

– Đúng và điều quan trọng nhất là ba nguyên nhân căn bản trên phải thay đổi. Tòa án phải tạo ra niềm tin cho DN, người dân thấy có tranh chấp là phải ra tòa chứ không thể có tranh chấp là điều đầu tiên người ta hỏi có quen ai không?

Thứ hai là phải để DN tự do khởi kiện cơ quan nhà nước ban hành những văn bản gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Không phải chỉ kiện việc ban hành những văn bản cá biệt mà cả những chính sách luật pháp từ thông tư nghị định, thậm chí là luật nếu như văn bản đó vi hiến, ảnh hưởng đến lợi ích của người đầu tư và DN.

Phải phát triển thị trường các nhân tố sản xuất như vốn, lao động, đất đai… để khuyến khích ai làm tốt thì tiếp cận được nguồn lực, không làm tốt thì bị đào thải. Một cơ chế nữa là phải thay đổi cách thức quản lý nhà nước mà lâu nay Thủ tướng nói là nhà nước kiến tạo. Phải quản lý theo mục tiêu chứ không phải quản lý theo quy trình.

Ví dụ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Nhà nước đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn người dân, DN làm thế nào để đạt được những tiêu chuẩn này là việc của người dân và DN. Việc đưa ra quy trình chỉ là hướng dẫn chứ không phải áp đặt người dân phải làm theo các quy trình này, vì có thể có những quy trình khác sáng tạo hơn.

* Như ông nói là ai làm tốt thì được tiếp cận nguồn lực. Nhưng thực tế, khu vực tư nhân chủ yếu là DN nhỏ lẻ, làm ăn manh mún, không có tài sản thế chấp thì làm sao vay vốn được?

– Hãy để thị trường quyết định việc này. Muốn tiếp cận vốn mà phải có tài sản thế chấp thì không phải là thị trường nữa, đó là nguyên tắc, là quy định của Nhà nước. Thế nên tôi vẫn cứ xin nhắc lại là hãy để thị trường đánh giá, quyết định việc này.

Trường hợp ông A có dự án khả thi dù có nhiều rủi ro nhưng ngân hàng vẫn cho vay vốn ngay cả không có tài sản thế chấp. Có những loại vốn cho những đối tượng này vay.

Hãy để cho thị trường quyết định tức là để cho những sáng kiến, những cách làm mà các bên đều có lợi. Đừng bắt người dân làm theo một cách, trong khi thực tế có hàng triệu cách để làm.

* Có ý kiến cho rằng để tư nhân phát triển thì phải cổ phần hóa DN nhà nước?

– Đúng như vậy, đương nhiên điều này phải quyết liệt làm, bởi Nhà nước không làm hay, làm tốt, làm hiệu quả bằng tư nhân. Phải cổ phần hóa DN nhà nước, phải nhường sân cho DN tư nhân, hay nói cách khác DN nhà nước phải trả lại cơ hội cho DN tư nhân.

Ông LÝ THÀNH SINH (chủ tịch HĐTV Công ty CP may thêu Minh Long Hưng):

Mọi thành phần kinh tế đều phải được bình đẳng

Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
Ông Lý Thành Sinh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu Nhà nước thật sự quan tâm và muốn DN tư nhân phát triển có chiều sâu, có chất lượng thì cần luật hóa và cải cách thể chế các chính sách ưu đãi theo hướng DN tư nhân được quyền tiếp cận thông tin, được hưởng các chính sách ưu đãi một cách bình đẳng, công bằng với DN nhà nước.

Tôi nói điều này vì suốt 
thời gian dài vừa qua, những ưu đãi mà các DN nhà nước được hưởng, các thông tin mà DN nhà nước được tiếp cận để phục vụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là vô 
cùng lớn.

Nhìn vào thực tế hiện nay, có bao nhiêu DN tư nhân hoặc DN vừa và nhỏ được hưởng các chính sách ưu đãi, các nguồn vốn đầu tư do Nhà nước mang lại? Chính vì có sự phân biệt đối xử, có sự “phân chia đẳng cấp” nên lợi ích nhóm, hoặc lợi ích từ việc hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, dường như chỉ đến được với các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Muốn chấm dứt điều này, đã đến lúc cần có cơ chế mới, cho phép mọi thành phần kinh tế đều được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư, phát triển của Nhà nước như nhau.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ 
(Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Chấm dứt cơ chế “bầu sữa mẹ” đối với DN nhà nước

Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
GS.TS Trần Ngọc Thơ – Ảnh: H.LINH

Để quản lý DN nhà nước một cách có hiệu quả, cần mạnh tay chấm dứt cơ chế “bầu sữa mẹ” đối với loại hình DN này. Vì nếu vẫn tiếp tục cơ chế bộ, ngành quản lý như hiện nay, với ngân sách được rót đều, có thể khẳng định rất khó có động lực để khối này phát triển. Chính vì vậy, dứt khoát phải tách bạch cơ chế bộ, ngành quản lý DN nhà nước ra, không thể duy trì cơ chế này nữa.

Mặt khác, cần có một cơ chế kiểm toán, giám sát được luồng tiền thực hiện đang rót vào các dự án của khối DN nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước là bao nhiêu, với những con số hết sức cụ thể, minh bạch.

Các báo cáo kiểm toán, giám sát này phải được một hệ thống độc lập thực hiện và được báo cáo lên Quốc hội định kỳ hằng tháng, hằng quý để nhân dân cả nước biết được luồng tiền thực này đang rót vào dự án nào, mục đích để làm gì, có hiệu quả hay không.

Tôi cũng đề nghị nếu Nhà nước đã có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân thì phải làm ngay một việc: đánh giá lại nghiêm túc, đầy đủ chủ trương phát triển kinh tế nhà nước trong thời gian qua là đúng hay sai, hiệu quả đạt được của nó cụ thể như thế nào so với với những hậu quả, thiệt hại mà các DN, tập đoàn kinh tế nhà nước đã để lại.

TRẦN VŨ NGHI ghi

LÊ THANH thực hiện