05/11/2024

Tiết học thứ 56 của thầy giáo Vàng

Mày mò sưu tầm cứ liệu lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tạo thành một cuốn giáo án, thầy Trần Văn Vàng có những bài giảng lịch sử đặc biệt gửi đến học trò.

 

Tiết học thứ 56 của thầy giáo Vàng

Mày mò sưu tầm cứ liệu lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tạo thành một cuốn giáo án, thầy Trần Văn Vàng có những bài giảng lịch sử đặc biệt gửi đến học trò.

 

 

 

Tiết học thứ 56 của thầy giáo Vàng
Bài giảng của thầy Vàng là những hình ảnh, tư liệu đầy đủ về Hoàng Sa, Trường Sa – Ảnh: TRẦN MAI

“Đó là nỗi đau chung của toàn dân tộc Việt Nam. Tôi muốn học trò mình nhớ, như đó là phần lịch sử còn tồn tại mãi trong tâm thức của dân tộc mình

Thầy Trần Văn Vàng

Thầy Trần Văn Vàng (56 tuổi, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THCS Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) muốn Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mãi có trong hành trang của học trò mình, và một chương đau thương của lịch sử dân tộc còn được nhắc nhớ trong bài giảng lịch sử của mình.

Một phần ký ức 
của chính mình

Hơn 30 năm làm thầy giáo dạy lịch sử, từng ấy năm ông chắt chiu từng tài liệu để soạn thảo bảy bài học về lịch sử Quảng Ngãi nhằm đưa vào chương trình khối THCS. Trong số đó, bài học “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là tâm huyết lớn nhất của ông.

Đi qua trang bi hùng của dân tộc, thầy Vàng bảo rằng bản thân ông dư cảm xúc và hoài niệm để viết. Vậy mà năm 2007-2008, thực hiện quy chế của Bộ GD-ĐT về giảng dạy lịch sử địa phương, thầy Vàng với uy tín của mình được Phòng GD-ĐT huyện Mộ Đức giao nhiệm vụ viết lịch sử địa phương khi “đụng” đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thầy Vàng đã rất trăn trở.

 

“Lịch sử cần tư liệu chính xác chứ không phải là cảm xúc cá nhân. Thời điểm tôi chấp bút viết về phần lịch sử này tài liệu chính thống về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xuất bản rất ít. Nhiều tài liệu không tiếp cận được”, thầy chia sẻ.

Có được tài liệu phục vụ giảng dạy bây giờ, thầy Vàng đã trải qua quá trình rong ruổi khắp nơi để chắp nối những tư liệu lịch sử và sắp xếp lại. Nửa năm trời, ông mày mò ở thư viện tỉnh Quảng Ngãi và liên hệ với những nhà nghiên cứu lịch sử để tìm kiếm chính sử viết về Hoàng Sa, Trường Sa.

Thậm chí, trong phần viết về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, thầy Vàng đã khăn gói ra Lý Sơn trực tiếp gặp con cháu đội hùng binh thuở nào để được giải đáp những câu hỏi ông tự đặt ra.

“Tôi mất cả tuần ở Lý Sơn và nhờ cả cụ Võ Hiển Đạt, người am tường chữ Nho, để được tiếp cận những tờ lệnh và gia phả của các dòng họ. Cùng với đó là những câu chuyện được truyền lại từ trăm năm.

Từ chuyến đi này, kết hợp với tài liệu tìm kiếm được, tôi đã có được bài giảng đầy đủ và gần gũi nhất về đội hùng binh Hoàng Sa cũng như chủ quyền của dân tộc với quần đảo này” – thầy Vàng tâm tình.

Tiết học đặc biệt

Đến nay đã trải qua năm thứ 10 giảng dạy. Bài giảng của thầy Vàng biên soạn cũng trở thành bài học về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa đầu tiên ở Quảng Ngãi.

Công ấy của thầy Vàng rất lớn nhưng ông giáo làng này lại bảo đó là trách nhiệm của người thầy. Bởi với ông, công việc này quá nhỏ bé so với sự hi sinh của tiền nhân và cả những ngư dân ngày đêm bám lấy Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh và khẳng định chủ quyền.

“Nơi đầu sóng ngọn gió từng tấc biển đang được giữ gìn thì bài học chủ quyền lãnh hải học trò phải nhớ” – thầy Vàng nói.

Tiết học thứ 56, môn lịch sử lớp 7 ở Trường THCS Đức Chánh, thầy Vàng đứng trên bục giảng, mở máy chiếu từng tờ lệnh, từng hình ảnh và những dòng chữ về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa hiện ra trước mắt học trò. Tâm huyết và tình cảm với chủ quyền biển đảo dồn cả vào trong từng lời nói của thầy Vàng.

Mười năm qua vẫn vậy, đến đoạn thầy Vàng kể về những người lính đã hi sinh trong hai cuộc hải chiến, các em học sinh đỏ hoe mắt. “Thậm chí nhiều em còn bật khóc. Thấy vậy lòng tôi cũng thấy vui với công sức mình bỏ ra” – thầy Vàng nói.

Giải thích lý do chọn tiết học thứ 56 để giảng phần lịch sử của đội hùng binh Hoàng Sa, thầy Vàng bảo rằng trong sách giáo khoa lịch sử lớp 7 đây là giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, đó là thời điểm đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thành lập. Sắp xếp các sự kiện bằng mối liên kết như vậy học sinh sẽ dễ liên tưởng và tiếp thu bài học.

“Với cách lồng ghép giảng dạy này, các em sẽ nhớ được Tổ quốc ta đã khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ mấy trăm năm trước” – thầy Vàng chia sẻ.

Nặng lòng với Hoàng Sa – Trường Sa, tiết học thứ 56 thành nỗi trăn trở thường trực trong ông. Và trong những ngày Biển Đông dậy sóng, Trung Quốc kéo giàn khoan 981 xâm phạm lãnh hải Tổ quốc, không một thông tin thời sự nào thầy Vàng bỏ sót và mỗi ngày ông vẫn lặng lẽ theo dõi thông tin từ biển cả trên các phương tiện truyền thông.

Đến nay, bài học đã được chỉnh lý, bổ sung ba lần. Lần gần đây nhất là năm 2013, ông đã đưa bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh vào bài học để khẳng định cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. “Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện bài học này chừng nào tôi còn đứng lớp” – ông nói.

Tiết học thứ 56 là nỗi lòng biển khơi của một người thầy về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và mỗi ngày thầy Vàng vẫn tìm kiếm thêm thông tin để hoàn thiện bài giảng lịch sử dày công của ông.

Một tâm niệm lớn của thầy Vàng là trang sử bi hùng về Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được viết trong sách giáo khoa lịch sử giảng dạy cho học trò để toàn bộ học sinh cả nước biết cha ông mở cõi vươn thuyền ra biển từ bao giờ, sự hi sinh to lớn của những liệt sĩ anh hùng nơi biển cả, chứ không chỉ là bài giảng do mình ông nghiên cứu soạn thảo cho học sinh trong huyện Mộ Đức.

Sẽ viết tiếp về vòng tròn Gạc Ma

Giữa năm học 2007-2008, bài học “Nhân dân Quảng Ngãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” đã hoàn thành, được sự ủng hộ của Phòng GD-ĐT huyện Mộ Đức, bài học được bố trí vào tiết học 56 trong chương trình lịch sử lớp 7 trên toàn huyện. Thầy Vàng vẫn muốn tiếp tục nghiên cứu và viết về vòng tròn Gạc Ma.

Thầy Vàng chia sẻ: “Trong thời gian qua, báo chí đã viết rất nhiều về những người lính Gạc Ma. Tôi không cầm được nước mắt khi thấy cụ Hoàng Dỏ (ở Quảng Bình) bày mâm cúng có 64 đôi đũa, 64 cái chén để cúng con và những đồng đội của con đã hi sinh vì lãnh hải Tổ quốc. Có dịp tôi sẽ gặp cụ và tìm gặp những người lính Gạc Ma còn sống để nghe câu chuyện từ họ”.

TRẦN MAI