23/01/2025

Thêm dầu vào lò lửa Triều Tiên

Vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 29-4 dù tiếp tục thất bại nhưng đẩy căng thẳng khu vực lên một mức mới. Các nước đã lập tức đưa ra những phản ứng mạnh mẽ.

 

Thêm dầu vào lò lửa Triều Tiên

Vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 29-4 dù tiếp tục thất bại nhưng đẩy căng thẳng khu vực lên một mức mới. Các nước đã lập tức đưa ra những phản ứng mạnh mẽ.

 

 

 

Thêm dầu vào lò lửa Triều Tiên
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 29-4 – Ảnh: Reuters

Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) xác nhận Triều Tiên phóng quả tên lửa đạn đạo từ khu vực Pukchang ở phía bắc Bình Nhưỡng vào khoảng 5h30 ngày 29-4. Tuy nhiên tên lửa phát nổ chỉ vài phút sau khi được phóng và đạt đến độ cao 71km.

Mỹ cũng xác nhận phát hiện vụ phóng từ phía bắc của Triều Tiên, có thể là một tên lửa tầm trung KN-17 – loại tên lửa tầm trung một giai đoạn và là một biến thể của tên lửa Rodong hoặc Scud có thể dùng để chống tàu.

“Tên lửa không rời khỏi lãnh thổ Triều Tiên. Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ xác định tên lửa phóng từ Triều Tiên không đe dọa đến Bắc Mỹ” – Hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn Dave Benham của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ cho biết.

“Coi thường Trung Quốc”

 

Dù vậy, vụ phóng như đổ thêm dầu vào căng thẳng bùng lên trên bán đảo Triều Tiên sau hàng loạt vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng từ đầu năm.

 

Nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi cả thế giới buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và thậm chí doạ sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Theo Reuters, các thành viên LHQ đã bắt đầu thảo luận tuyên bố chung lên án vụ phóng.

Ngay sau vụ phóng, nhiều nước đã phản ứng gay gắt. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lên án “hành động khiêu khích” từ phía Triều Tiên, nhấn mạnh đây là một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trong khi các ứng viên đang tranh cử tổng thống cũng cực lực phản đối.

JCS cho biết hiện vẫn đang phân tích tình hình, đồng thời khẳng định quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ về khả năng Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích và Seoul sẽ duy trì thế phòng thủ.

Cơ quan này cảnh báo nước này sẽ phải “trả giá” nếu bỏ qua các khuyến cáo và tiếp tục các hành vi khiêu khích của mình.

Nhật Bản đã đặt đất nước trong tình trạng báo động sau vụ thử và đưa ra phản đối chính thức. Theo Đài NHK, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã yêu cầu thu thập và phân tích các thông tin tình báo mới nhất, đảm bảo an ninh hàng hải, hàng không và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Công ty Tokyo Metro cũng đóng cửa toàn bộ tuyến tàu sáng 29-4 “để đảm bảo an toàn cho các hành khách” sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa.

Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì viết trên mạng xã hội rằng với việc ngang nhiên phóng tên lửa, “Triều Tiên đã coi thường” Trung Quốc.

Đẩy nhanh trừng phạt

Không chỉ Washington đòi trừng phạt Triều Tiên, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 29-4 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện một lập trường cương quyết đối với các hành động mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Ông Kishida hối thúc Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Reuters dẫn nguồn tin trong chính quyền Mỹ cũng cho biết Washington có thể sẽ đẩy nhanh kế hoạch thực thi các lệnh trừng phạt đơn phương với Bình Nhưỡng, trong đó có cả những biện pháp áp đặt lên các đối tượng cụ thể của Triều Tiên và Trung Quốc, để phản ứng với hành vi khiêu khích mới nhất này.

Ngoài ra, Washington có thể đưa thêm nhiều tàu, máy bay đến bán đảo Triều Tiên và tổ chức các cuộc diễn tập hải quân tại khu vực trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh không thể định đoạt vấn đề Triều Tiên và cảnh báo đe dọa quân sự sẽ không giúp giải quyết vấn đề.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cũng cho rằng sử dụng vũ lực “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Thực ra, việc đe dọa hay trừng phạt của quốc tế trong hơn một thập kỷ qua hầu như không có tác dụng nào đối với Triều Tiên.

Trong khi đó, việc triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại khu vực lại gặp trục trặc mới khi tổng thống Mỹ cương quyết đòi Hàn Quốc trả trước 1 tỉ USD cho việc triển khai hệ thống THAAD.

Ngoài ra, ông cũng đòi đàm phán lại thoả thuận tự do thương mại với đồng minh Đông Bắc Á này.

Ứng viên tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sau đó cho rằng Mỹ “không thể” đòi tiền Seoul cho hệ thống phòng thủ.

Một số quan chức của Hàn Quốc cũng khẳng định thoả thuận là Hàn Quốc hỗ trợ đất và cơ sở cơ bản trong khi Mỹ chi trả việc triển khai và sử dụng.

Lực lượng Mỹ đã bắt đầu chuyển các bộ phận của hệ thống THAAD đến khu vực Seongju ở phía nam Seoul trong tuần này.

Trong lúc Bình Nhưỡng phóng quả tên lửa mới nhất, đội tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ tiến vào vùng biển Nhật Bản và thực hiện diễn tập chung với lực lượng nước chủ nhà.

Tờ Asahi Shimbun ngày 29-4 cho biết đã thấy đội tàu đi qua eo biển Tsushima nằm giữa vùng Kyushu của Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Trên đường từ Philippines đến Đông Bắc Á, đội tàu đã thực hiện hàng loạt cuộc diễn tập với Lực lượng phòng vệ hàng hải và hàng không của Nhật. Các tàu Mỹ dự kiến sẽ diễn tập chung với hải quân Hàn Quốc.

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cùng ngày chỉ trích sự xuất hiện của đội tàu Mỹ là “khinh suất” và cảnh báo sẽ rải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa xuống Mỹ nếu Washington có bất cứ sự khiêu khích nào.

TRẦN PHƯƠNG