29/11/2024

Thầy cô cưu mang cô học trò mồ côi

Ở Trường THCS Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có một câu chuyện cảm động, ấm áp nghĩa tình về sự cưu mang của các thầy cô với cô học trò mồ côi lớp 9 Nguyễn Thị Kim Ý.

 

Thầy cô cưu mang cô học trò mồ côi

Ở Trường THCS Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có một câu chuyện cảm động, ấm áp nghĩa tình về sự cưu mang của các thầy cô với cô học trò mồ côi lớp 9 Nguyễn Thị Kim Ý.

 

 

 

 

Thầy cô cưu mang cô học trò mồ côi
Cô Tư cùng các thầy động viên tinh thần em Kim Ý – Ảnh: M.TÂM

Các thầy cô ở trường đã mở rộng vòng tay, nâng đỡ cô học trò nghèo mồ côi thoát khỏi sự hẩm hiu của số phận để tiếp tục đến trường…

“Nhín một chút để học trò có tương lai”

Bất hạnh cứ liên tục giáng xuống Kim Ý. Khi cô bé chỉ mới được vài ngày tuổi, cha đã bỏ đi xây tổ ấm với người phụ nữ khác. Rồi chẳng bao lâu người mẹ qua đời sau cơn bạo bệnh, bỏ đứa trẻ bơ vơ ở tuổi lên hai. Thương cháu côi cút nên mặc dù nghèo khó, người dì đem cháu về nuôi cùng với đứa con gái của mình.

Những tưởng Kim Ý sẽ trưởng thành trong sự bảo bọc của người thân. Nào ngờ 4 năm sau, người dì cũng qua đời vì bạo bệnh. Khi đó Kim Ý đang sắp sửa vào học lớp 1, còn con của dì chỉ sắp lên lớp 9. Từ đó, hai đứa trẻ côi cút sống nương tựa vào nhau, cùng với sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể…

 

Vốn tính tự lập, cả hai đi mót lúa, chặt lá dừa, lượm củi khô bán. Để bữa ăn đủ chất, cả hai trồng rau, giăng lưới bắt cá…

Rồi người chị xa nhà đi học ở Cần Thơ, căn nhà nhỏ chỉ còn lại mình Kim Ý, khi đó em bắt đầu vào lớp 6.

Thầy Đặng Thủ Khoa, phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình, nhớ lại: “Chúng tôi đã biết hoàn cảnh đáng thương của Kim Ý từ hồi em còn học cấp I. Vì vậy, ngay từ khi Kim Ý bước vào lớp 6, ban giám hiệu trường đã bàn nhau tìm cách giúp đỡ em”.

Đầu tiên thầy Khoa vận động người thân hỗ trợ cho Kim Ý 500.000 đồng/tháng. Kế đó, thầy Đào Văn Ba, giáo viên của trường, cũng chung tay tiếp sức thêm.

Thầy Ba chia sẻ: “Nghe thầy Khoa kể về hoàn cảnh của Kim Ý, tôi nghĩ thôi thì mỗi người nhín một chút để học trò mình có tương lai. Đó là chuyện người thầy, người cô nào cũng phải làm. Vì vậy, tôi quyết định tặng cho bé 200.000 đồng/tháng”.

Vậy là cộng thêm nhiều khoản hỗ trợ khác, Kim Ý có trên 1 triệu đồng/tháng.

Kế đó, mọi người bàn đến chuyện chỗ ở cho cô học trò nhỏ của mình, bởi để đứa trẻ 11 tuổi sống một mình trong nhà, thầy cô không an tâm.

“Với em, cô giống như người mẹ…”

Thầy Khoa bộc bạch: “Chúng tôi bàn với nhau xin cho em ở chỗ cô Thạch Thị Tư, giáo viên môn địa của trường. Bởi con đi học xa nên cô Tư ở nhà một mình, nhà lại gần trường. Cạnh đó, tính cô Tư rất thương học trò, mềm mỏng nhưng cương quyết. Ở chung với cô Tư, bé sẽ được cô dạy dỗ, kiểm tra chuyện học hành cũng như những sinh hoạt khác”.

Cô Tư thổ lộ khi nghe ban giám hiệu trường ngỏ ý cho Kim Ý về ở chung, cô cũng cân nhắc, bởi chuyện dạy dỗ, chăm sóc một đứa trẻ không hề đơn giản, cô sợ lực mình không đủ. Cô Tư chia sẻ: “Con ruột mình, mình rầy la được. Nhưng đối với một đứa trẻ như Kim Ý thì từng lời nói, hành động cũng phải cân nhắc, cẩn thận. Tôi sợ mình sơ suất sẽ khiến đứa trẻ dễ bị tổn thương”.

Nhưng rồi nghĩ đến viễn cảnh một đứa trẻ 11 tuổi phải sống cô độc một mình, cô lại thấy nỗi lo của mình là thứ yếu so với tương lai Kim Ý, nên cô gật đầu đồng ý.

Ban đầu cô Tư nói với ban giám hiệu để mình cô lo cho Kim Ý là đủ rồi, bởi cô nghĩ: “Thêm một người cũng chẳng tốn kém là bao. Nhà có gì thì em nó dùng nấy”.

Nhưng ban giám hiệu không đồng ý, bởi cô còn phải lo cho con trai học đại học ở TP.HCM. Mọi người thuyết phục mãi cô mới đồng ý nhận mỗi ngày 15.000 đồng, trích từ số tiền mọi người hỗ trợ cho Kim Ý.

Nhà tuy chật nhưng cô Tư vẫn ngăn riêng cho Kim Ý một phòng để tiện cho em học hành, sinh hoạt. Ngoài việc kiểm tra bài vở, cô còn dạy cho Ý những điều hay lẽ phải và luôn lắng nghe, động viên em.

Cô Tư tâm sự: “Thương đứa học trò chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm gia đình, nên tôi cố gắng bù đắp để đời sống tinh thần của bé trở nên phong phú hơn bằng cách gần gũi, thân thiết để bé xem mình như người bạn. Có vậy bé mới thoải mái tâm sự, chia sẻ với mình từng chuyện vui buồn. Qua đó tôi có thể hướng dẫn, giúp đỡ bé một cách có hiệu quả hơn…”.

Những ân tình đó đã khiến cô học trò nhỏ xúc động: “Cô Tư luôn tạo đầy đủ điều kiện để Ý học, nhất là vào những ngày thi cử. Ở trường có chuyện vui buồn gì Ý đều tâm sự với cô, đều được cô lắng nghe, chia sẻ. Đối với Ý, cô giống như người mẹ vậy”.

Cứ như vậy, 4 năm nay Kim Ý sống bình an trong sự cưu mang, đùm bọc của thầy cô Trường THCS Tân Bình. Đến năm học này, Kim Ý đang lên lớp 9. Sống giữa tình yêu thương như vậy, tinh thần Ý rất thoải mái, sức học của em cũng ổn định, năm nào Ý cũng mang giấy khen về khoe với cô Tư.

Thầy Khoa cho biết sang năm Kim Ý sẽ lên cấp III, tuy em vào trường khác nhưng nhà trường sẽ vẫn dõi theo, đồng hành cùng em cho đến khi em tốt nghiệp lớp 12. Thầy Khoa thổ lộ người thân của thầy đã hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Kim Ý nếu em đậu cao đẳng, đại học, với hi vọng tương lai của em tươi sáng hơn nữa.

Thầy cô đã cứu cuộc đời em

Nói về sự cưu mang nghĩa tình của thầy cô Trường THCS Tân Bình, Kim Ý xúc động nói: “Thầy cô đã cứu cuộc đời em! Nếu không có thầy cô, chắc giờ không biết cuộc đời em sẽ ra sao. Em chỉ biết ráng học, với ước mong sau này có nghề nghiệp ổn định, em sẽ hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương như em đã từng trải qua. Đó là cách em trả ơn tốt nhất đối với những ân nhân đã giúp đỡ em”.

MINH TÂM