29/11/2024

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh lớp 6

Việc tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2017 – 2018 tại TP.HCM có nhiều điểm mới sau khi có những điều chỉnh về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT.

 

Nhiều thay đổi trong tuyển sinh lớp 6

Việc tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2017 – 2018 tại TP.HCM có nhiều điểm mới sau khi có những điều chỉnh về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT.



Học sinh lớp 5 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM)ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuyển theo địa bàn, không xét điểm
Năm học 2017 – 2018, TP.HCM có khoảng 100.000 học sinh (HS) vào lớp 6. Sở GD-ĐT TP.HCM quy định các quận, huyện không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Tuỳ vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên và dân cư, các quận, huyện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng nguyên tắc phân tuyến phù hợp. Mọi hình thức phân tuyến phải đảm bảo nguyên tắc HS trong độ tuổi quy định đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học trên địa bàn quận, huyện nào được vào học lớp 6 ở các loại hình trường quận, huyện đó. Trong đó ưu tiên cho HS thường trú trên địa bàn.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, cho rằng quận lập kế hoạch phân tuyến HS lớp 6 theo địa bàn dân cư trước khi HS lớp 5 kiểm tra học kỳ 2. Như vậy sẽ không có tình trạng HS giỏi tập trung vào một vài trường như trước đây.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục Q.5, thông tin: “HS cứ theo tuyến phường, tổ dân phố mà làm hồ sơ nhập học lớp 6. Trường THCS Hồng Bàng hay Kim Đồng cũng như Trường THCS Ba Đình hay Mạch Kiếm Hùng… chứ không còn tính điểm cao hay thấp nữa”.
Cùng quan điểm, ông Trần Trọng Khiêm, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết sẽ phân tuyến ngay từ đầu, không phân biệt điểm số, cứ hoàn thành bậc tiểu học là vào học lớp 6 theo địa bàn cư trú.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó phòng Giáo dục Q.3, cũng khẳng định: “Năm học 2017 – 2018, HS lớp 5 của các trường tiểu học trên địa bàn khi hoàn thành chương trình tiểu học được phân tuyến vào lớp 6, không qua xét tuyển”.
Một số quận vẫn giữ quy định tuyển sinh riêng các trường THCS có tiếng, thu hút nhiều sự quan tâm của phụ huynh thì dự kiến sẽ xét thêm các tiêu chí phụ.


Giáo viên THCS giám sát kỳ kiểm tra cuối năm HS lớp 5
Thực hiện theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT về đánh giá HS tiểu học, Sở GD-ĐT hướng dẫn năm nay các trường tiểu học tự tổ chức ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm HS lớp 5. Nội dung đề thi phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng và định hướng phát triển năng lực HS. Sở yêu cầu các quận, huyện thành lập ban chỉ đạo kiểm tra để hướng dẫn, chỉ đạo cho các đơn vị và phân công cán bộ, giáo viên trường THCS tham gia hội đồng kiểm tra HS lớp 5 của các trường tiểu học. Hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức kiểm tra với sự tham gia của giáo viên trường THCS trong vai trò giám sát.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ, để có sự đánh giá chính xác kết quả của HS cuối bậc tiểu học, giáo viên bậc THCS sẽ được phân công giám sát việc coi và chấm bài kiểm tra. Ông Lưu Hồng Uyên cho biết giao trách nhiệm này cho lãnh đạo trường THCS sẽ nhận HS của trường tiểu học phân tuyến vào lớp 6. “Như vậy việc giám sát sẽ thực hiện có chất lượng hơn”, ông Uyên nói.
Nhiều thay đổi trong tuyển sinh lớp 6 - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

TP.HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm 2017-2018

Ngày 4.4, Sở GD- ĐT TP.HCM công bố chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2017-2018. Từ chỉ tiêu này, học sinh tham khảo điểm chuẩn năm trước và căn cứ vào khả năng học tập của mình để đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT.
Năm nay có quy định này vì kết quả kiểm tra HS lớp 5 liên quan mật thiết đến việc tuyển sinh vào lớp 6, trong khi đề thi lại do các trường tiểu học tự ra. Vì thế cần có sự giám sát của giáo viên trường THCS để đảm bảo tính khách quan. Ông Trần Trọng Khiêm cho hay phòng định hướng các trường thực hiện theo đúng yêu cầu về việc tổ chức kiểm tra kiến thức của HS; bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, chú trọng bài tập mang tính ứng dụng, thực tế. “Để tránh tình trạng đề trường này dễ hoặc khó hơn trường kia, phòng sẽ thẩm định, duyệt ma trận đề của mỗi trường”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Riêng về công việc chấm bài kiểm tra, ông Khiêm thông tin sẽ thành lập hội đồng chấm thẩm định. Căn cứ vào số lượng HS, hội đồng sẽ chấm thẩm định 10% số bài kiểm tra của mỗi trường.


Trường Trần Đại Nghĩa và các trường “điểm” tuyển sinh ra sao ?
TP.HCM có duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện khảo sát năng lực ngoại ngữ để chọn 525 HS vào lớp 6. HS dự tuyển phải hoàn thành bậc tiểu học tại TP.HCM và có điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 môn tiếng Việt và toán đạt từ 9 điểm/môn trở lên. Các năm trước có gần 4.000 HS tham dự bài khảo sát và tỷ lệ “chọi” thường xấp xỉ 1/7. Năm nay trường tổ chức khảo sát năng lực vào ngày 30.6.
Một số quận, huyện có những trường THCS được phụ huynh quan tâm gọi là trường “điểm”, dự kiến sẽ bổ sung những tiêu chí xét tuyển riêng ngoài kết quả kiểm tra học kỳ 2 lớp 5. Chẳng hạn tại Q.1, dự kiến Trường THCS Nguyễn Du ưu tiên xét tuyển HS P.Bến Thành với số điểm theo quy định. HS các phường khác muốn vào học phải bổ sung các thành tích về học tập, nghệ thuật, thể dục thể thao… Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) dự kiến tuyển khoảng 280 HS, tăng gần 100 HS so với năm trước. Ngoài các quy định về điểm cuối năm lớp 5, trường còn xét thêm một số tiêu chí bao gồm giải thưởng các cuộc thi kiến thức, phong trào của quốc gia, thành phố, các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…

 

Bích Thanh