Nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà
Đó là trường hợp hai anh em Đặng Thái Anh (sinh 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh 1998) ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cuối năm 2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015.
Nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà
Đó là trường hợp hai anh em Đặng Thái Anh (sinh 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh 1998) ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cuối năm 2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015.
Ông Đặng Quốc Anh hướng dẫn hai con là Đặng Nhật Anh (bìa phải) và Đặng Thái Anh học tại nhà – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Chúng tôi biết đến Thái Anh và Nhật Anh thông qua nhà giáo dạy vật lý (hiện đã về hưu) Lê Gia Thuận. Ông Thuận chính là ông ngoại của Thái Anh và Nhật Anh.
Ông Thuận kể: “Con gái và con rể tôi trước đây đều là giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM. Hiện chỉ có con gái tôi còn dạy ở đó, con rể xin nghỉ để coi sóc các con học tập ở nhà. Hiện Thái Anh và Nhật Anh đã nghỉ hẳn ở trường phổ thông để tự học”.
Cả hai anh em Thái Anh và Nhật Anh đều rất lễ phép và điềm đạm trong giao tiếp. Trong quá trình trao đổi, thỉnh thoảng cậu em Thái Anh phải hỏi lại anh trai bằng tiếng Anh vì không hiểu nghĩa các câu hỏi của chúng tôi (và Nhật Anh cũng giải thích bằng tiếng Anh để hỗ trợ em trai). Kể cả các câu trả lời, thỉnh thoảng Thái Anh cũng thêm vài từ tiếng Anh vào vì không thể diễn đạt bằng tiếng Việt.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh – cha mẹ của Nhật Anh và Thái Anh.
Nghỉ học vì quá mệt mỏi ở trường phổ thông
* Tại sao anh, chị lại quyết định cho cả hai con nghỉ học chính khoá ở trường?
– Chị Lê Thị Thanh: Đây là quyết định từ cha các cháu. Lúc đầu tôi không đồng ý, bởi trẻ ở lứa tuổi học sinh phải đến trường chứ không thể ở nhà. Tuy nhiên qua thời gian trải nghiệm, bản thân tôi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường.
Cả hai con trai tôi đều học tiểu học, trung học ở trường công lập. Có nhiều điều bất cập trong nhà trường mà bản thân là một nhà giáo, tôi cảm thấy rất bức xúc và bế tắc.
Một lần con lớn của tôi không thuộc bài, thế là cháu cùng với gần 20 bạn phải đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi cầm cuốn tập học bài.
Tôi phản đối hình phạt đó, bởi tôi cho rằng nó không hiệu quả. Giờ giải lao là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi khả năng tiếp thu, chứ bắt đứng học như thế làm sao các em học được.
Thấy tôi phản ứng, cô chủ nhiệm của cháu bảo: “Em chỉ cho các cháu đứng như thế một tuần để các cháu sợ mà thôi”.
Tiếp nữa là chương trình học thừa thãi một cách vô lý khiến học sinh học hành quá tải, các thầy cô thì giao quá nhiều bài về nhà. Con lớn của tôi ngày nào cũng miệt mài làm bài tập đến 22h, 23h mới xong, 6h sáng hôm sau đã phải dậy đi học rồi.
– Anh Đặng Quốc Anh: Nhà trường xếp lịch học tréo ngoe lắm. Con tôi học chính khoá buổi chiều nhưng có tiết thể dục buổi sáng. Mà mỗi buổi chỉ học một tiết trong 45 phút. Thế là sáng cha hoặc mẹ phải sắp xếp chở con đi, rồi đứng đó chờ đón con về. Cháu lớn học gần hết lớp 10 thì tôi cho nghỉ ở nhà để tự học.
Đến cháu nhỏ, hồi học tiểu học cũng có chuyện này chuyện kia nhưng không đến nỗi nào. Khi cháu lên lớp 6 mới thật sự gặp sóng gió.
Trong lớp, học sinh có đi học thêm thì không phải truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì thầy cho đến 10 trang giấy bài tập về nhà. Nếu làm không hết thì bị phạt thụt dầu.
Riêng môn tiếng Anh cháu học khá tốt, nhưng bài kiểm tra của cháu làm đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu bức xúc.
Chưa hết, cháu thường hay nói chuyện với các bạn về hố đen, phản vật chất, thiên văn… Thế là bạn bè dè bỉu: “Thái Anh không bình thường, có vấn đề về thần kinh, bị khùng…”. Về nhà, Thái Anh đặt vấn đề với cha mẹ: “Sao anh hai được nghỉ học ở trường mà con không được?”.
Tôi quyết định cho hai con ở nhà (năm 2014) để mình đỡ phải lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên với chuyện học hành của con nữa. Mình dạy con thì chắc ăn hơn.
Hai anh em Đặng Nhật Anh (trái) và Đặng Thái Anh cùng học tiếng Anh tại nhà – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Để các con học theo cách riêng của mình
* Vậy khi ở nhà Thái Anh và Nhật Anh học như thế nào?
– Anh Đặng Quốc Anh: Hiện tại, cả hai anh em đều đang luyện thi chứng chỉ quốc tế về trung học IGCSE (The International General Certificate of Secondary Education), học tiếng Anh, học đàn (Nhật Anh học đàn ghita, Thái Anh học piano), tập thể dục, làm việc nhà…
Cả vợ chồng tôi trước đây đều là giảng viên nhưng bây giờ chỉ có bà xã vẫn còn giảng dạy, tôi đã nghỉ vì thu nhập không đủ lo cho con ăn học. Tôi cho rằng thời gian là gia sản lớn nhất mà cha mẹ có thể để dành cho con cái.
Ở nhà, tôi không giám sát chặt chẽ việc học hành của con theo kiểu giờ này phải học môn X, giờ khác học môn Y. Tôi khuyến khích con học tập theo cách của mình.
Ví dụ cháu học bài tốt, rửa chén, lau nhà sạch sẽ thì được cộng thêm một giờ chơi game và ngược lại. Gia đình tôi cũng có thuận lợi là có người thân ở nước ngoài nên dễ dàng tìm và mua sách, tài liệu (ngoài nguồn sách có thể đặt ở các nhà sách chuyển về), con tôi còn được truyền đạt kinh nghiệm học tập ở các chương trình tiên tiến…
Riêng về việc học tiếng Anh của hai cháu, thật ra trước đây các cháu cũng có học tại một trung tâm nhưng học phí cao quá, tôi cho cháu ở nhà tự học. Ngoài sách, tài liệu, tôi cho cháu xem một số kênh truyền hình bằng tiếng Anh, xem phim hoạt hình, học tiếng Anh bằng các phần mềm trên máy tính, Internet, học trên iPhone, iPad… Sau đó là luyện thi các chứng chỉ quốc tế.
Nhà tôi có điều kiện thuận lợi là hai anh em trai rất thân thiết với nhau và đua nhau học. Đầu tiên, anh rủ em chơi trò nói chuyện bằng tiếng Anh. Sau đó, hai đứa sửa lỗi cho nhau, cùng nhau chơi trò giám khảo với thí sinh.
Tôi cho hai con dự thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo lứa tuổi và trình độ của con. Tháng 9-2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5, lúc ấy cháu chưa tròn 13 tuổi. Riêng Nhật Anh thi IELTS vào tháng 7-2015 đạt 8.0.
Thái Anh có trình độ nghe tiếng Anh rất tốt. Cả ba lần thi IELTS cháu đều đạt điểm môn nghe 9.0/9.0. Thái Anh tâm sự khi thi nghe, cháu thường đoán trước người ta sẽ nói gì. Nếu sai thì thôi, nếu trúng sẽ tiết kiệm được thời gian làm bài, dành thời gian đó dò lại cho chắc chắn để không bị mất điểm.
Dự kiến Nhật Anh thi lấy chứng chỉ quốc tế IGCSE vào tháng 5-2017, nếu đậu thì gia đình tôi sẽ cho cháu du học ở một nước có nền giáo dục tiên tiến. Như vậy, cậu em Thái Anh sẽ mất đi một “ông thầy” giỏi, vừa thân thiện vừa hiểu mình. Thế nên từ tháng 2-2017, vợ chồng tôi đã cho Thái Anh nhập học lớp 9 tại một trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM.
* Như vậy có thể nói bước đầu Nhật Anh và Thái Anh đã tự học thành công. Tuy nhiên trong khi hầu hết phụ huynh đều cho con đến trường, còn anh chị cho con tự học ở nhà thì thật đặc biệt. Anh chị có nghĩ tới những khuyết điểm khi trẻ tự học ở nhà không như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Việt…?
– Anh Đặng Quốc Anh: Nhật Anh và Thái Anh chỉ tự học về văn hoá. Còn học đàn vẫn phải đến lớp như nhiều học sinh khác. Chúng tôi còn cho con tham gia các cuộc thi hùng biện; tham dự những sự kiện về giáo dục, về khoa học… Ngoài ra, tôi cũng có mở lớp dạy kèm tại nhà nên hai cháu cũng có điều kiện tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa.
Mỗi phương pháp học tập đều có nhược điểm nhất định và chúng tôi chấp nhận điều đó. Cả Nhật Anh và Thái Anh đều có sự hạn chế mà chúng tôi đang cố gắng phát triển khả năng của chúng hợp lý nhất.
Đặng Nhật Anh: “Em đã thay đổi quan niệm học tập” Nghỉ học ở trường THPT, em cảm thấy như trút được một gánh nặng vì không phải lo lắng cho những đợt kiểm tra một tiết, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ… và một số áp lực không tên khác. Khi tự học, em đã thay đổi quan niệm học tập: trước đây học để có điểm vì có điểm mới lên lớp được, bây giờ tự học thì học để có kiến thức cho bản thân, học vì mình muốn tìm hiểu, sau đó mới đến điểm số. Thật ra học trong trường phổ thông cũng có cái sướng là thầy cô lo cho nhiều thứ, như chuẩn bị đến kỳ thi đã có sẵn đề cương ôn tập do thầy cô soạn sẵn, còn tự học thì bản thân phải chủ động, phải lên kế hoạch để học theo đúng tiến độ, phải tự chuẩn bị kiến thức để thi… |
“Tôi cho rằng giáo dục phải định hướng cá nhân chứ không thể áp dụng một phương pháp giống nhau cho tất cả trẻ em. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến chuyện học hành của con cái, mà còn quan tâm đến chuyện con cái học hành như thế nào” |