28/11/2024

Để ‘khách sộp’ móc hầu bao

Báo cáo thường niên được Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) cho biết, Trung Quốc đứng đầu trong top 5 quốc gia có người dân tiêu nhiều tiền nhất khi đi du lịch nước ngoài.

 

Để ‘khách sộp’ móc hầu bao

Báo cáo thường niên được Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) cho biết, Trung Quốc đứng đầu trong top 5 quốc gia có người dân tiêu nhiều tiền nhất khi đi du lịch nước ngoài.



Khách du lịch mua quà lưu niệm tại Bưu điện trung tâm TP.HCM, một kiến trúc Pháp cổ ở TPẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Du khách nước này đang ùn ùn kéo đến VN nhưng chúng ta lại thất thu trầm trọng từ vấn nạn “tour 0 đồng”.
Làm thế nào để họ “móc hầu bao” là bài toán mà cả ngành dịch vụ trong nước phải tính đến để tận dụng cơ hội này.
Ai mới là “khách sộp”?
 
 
Để 'khách sộp' móc hầu bao  - ảnh 1
Khách TQ sang mà bán toàn hàng TQ thì ai họ mua. Dẹp hết hàng TQ đi, tập trung hàng trang sức, mỹ nghệ, đồ gỗ, thuốc… VN chất lượng cao thành những khu vực, cửa hàng cho khách nước ngoài
Để 'khách sộp' móc hầu bao  - ảnh 2
 
Ông  Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour
 

Theo UNWTO, trong năm 2016, tổng số tiền mà du khách Trung Quốc (TQ) chi tiêu ở nước ngoài tăng thêm 11 tỉ USD so với 2015, đạt 261 tỉ USD, gấp hơn 2 lần Mỹ – 122 tỉ USD, gấp hơn 3 lần Đức – quốc gia đứng đầu châu Âu về mức chi tiêu của người dân khi đi du lịch nước ngoài – 86 tỉ USD. Kết quả này gây bất ngờ cho rất nhiều người, nhất là ở VN. Khách từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, Pháp… luôn được chúng ta coi là đối tượng giàu có, chi tiêu nhiều. Nhưng xu hướng du lịch của phân khúc khách này đang dần chuyển hẳn sang du lịch khám phá. Họ đi du lịch với mục đích trải nghiệm, tham quan, khám phá văn hoá, điển hình là du lịch kiểu “Tây ba lô”. Vì vậy, họ ăn uống rất đơn giản, tiết kiệm chi phí tối đa và hầu như không quan tâm đến vấn đề mua sắm. Nên cơ hội để thu lợi nhuận từ dòng khách này là rất thấp.

Trong khi du khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là TQ, thì ngược lại. Họ đi du lịch là để ăn chơi, mua sắm. Các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang “mừng như được mùa” khi tiếp đón các đoàn khách TQ bởi họ đến không phải để xem, không phải mua 1 – 2 món mà phải dùng từ “hốt hàng”.
Nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao của người TQ mang lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn không chỉ nhiều điểm đến ở châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Thái Lan mà còn cho các khu vực ở xa như Mỹ và nhiều nước châu Âu. Nghịch lý ở chỗ, từ năm 2016 đến nay, khách TQ đến VN liên tục đạt kỷ lục với những con số ấn tượng (2,7 triệu lượt khách năm 2016; 949.199 lượt khách trong 3 tháng đầu năm 2017), tuy nhiên du lịch VN hoàn toàn chưa tận dụng được cơ hội để đối tượng khách sộp này móc hầu bao. Thậm chí, chúng ta còn có sự e dè đối với lượng “khách sộp” khổng lồ này.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch Liên Bang (Lien Bang Travelink), cho rằng du lịch VN cần thay đổi quan điểm và có cách đối xử phù hợp với đối tượng tiềm năng này. “Khách TQ rất chịu chi. Họ sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền cho mua sắm, ăn ở, nghỉ dưỡng cũng như các hoạt động vui chơi giải trí. Không những chúng ta chưa có hành động cụ thể để khuyến khích họ tiêu tiền mà ở một số điểm còn xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử” – vị này chỉ rõ.
Tận dụng thế mạnh đang có
Là doanh nghiệp lữ hành chuyên tập trung khai thác phục vụ khách TQ, ông Từ Quý Thành nhận định VN nói chung cũng như TP.HCM đang sở hữu rất nhiều sản phẩm du lịch được coi là thế mạnh thu hút sự quan tâm của khách TQ. Thứ nhất, khách TQ rất chuộng các mặt hàng nông sản của VN như trái cây tươi, tiêu, điều, cà phê… TP.HCM sở hữu rất nhiều chợ đầu mối lớn như chợ Bình Điền (Q.8), chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức)… Tuy nhiên, những chợ này đều không có sự kết nối, không có nơi xuất hàng, ship hàng, thủ tục xuất nhập rắc rối nên chưa cung ứng được nhu cầu của khách. Thứ hai, khách TQ rất chuộng hàng thời trang cao cấp, hàng hiệu nhưng đây không phải thế mạnh của chúng ta. Vì vậy, các điểm bán hàng phục vụ du lịch nên chuyển sang buôn bán các mặt hàng VN chất lượng cao như giày da, túi sách, nệm mút… Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở điêu khắc, bán đồ gỗ nhỏ lẻ, nâng tầm trở thành điểm du lịch vì đây cũng là một trong những “món khoái khẩu” của người TQ khi sang VN. Mặt hàng này cũng đem lại doanh thu rất lớn. Bên cạnh đó, cần có thêm những quan tâm nhất định đối với đối tượng khách “TQ ba lô” – tức khách đi lẻ, bởi khác với “Tây ba lô”, khách TQ đi lẻ sẵn sàng chi tiêu rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour, nhận xét: “Khách TQ sang mà bán toàn hàng TQ thì ai họ mua. Dẹp hết hàng TQ đi, tập trung hàng trang sức, mỹ nghệ, đồ gỗ, thuốc… VN chất lượng cao thành những khu vực, cửa hàng cho khách nước ngoài. Liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để trở thành một trong những điểm du lịch của khách. Chất lượng sản phẩm tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Quan trọng không phải họ vào đông mà họ tiêu bao nhiêu, mình thu về bao nhiêu”.
Còn về các điểm du lịch, ông Thành thông tin thêm, khách TQ đến VN đặc biệt bị hấp dẫn bởi lối kiến trúc Pháp cổ của TP.HCM. “Khách từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đặc biệt thích thú với các điểm đến đậm không gian lịch sử như Củ Chi, Cần Giờ. Đây là đối tượng khách sang, nhiều tiền. Địa phương nên xem xét tổ chức nhiều dịch vụ du lịch như cho khách tham gia các hoạt động mang tính tái hiện hay trải nghiệm không gian chiến tranh. Nên có thêm ngôn ngữ Hoa tại các biển báo, chỉ dẫn. Đối với khách TQ hiện nay, chúng ta không cần đầu tư quá nhiều, tận dụng những gì mình đang có nhưng quy hoạch lại bài bản là đủ “móc hầu bao” khách rồi” – vị này đề xuất.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn cho rằng du lịch VN nên có nghiên cứu thị phần đối tượng khách TQ một cách chi tiết, từ đó tổ chức những sản phẩm du lịch phù hợp, đủ cung ứng cho khách. Bên cạnh những cái mình có, cần tìm hiểu cái khách cần. “Khách TQ có số lượng rất lớn. Họ rất thích thú với các mặt hàng sản xuất tại VN như đệm cao su, điêu khắc. Nên có những địa điểm cho khách tham quan, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất để tạo niềm tin, tạo hứng thú cho khách tiêu tiền. Điều này rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, sự liên kết giữa lữ hành và các nhà sản xuất. Tránh sự đầu tư không tập trung, mạnh ai nấy làm. Một chi tiết nhỏ cũng nên lưu tâm là người TQ rất thích những món đồ mang tính tặng thêm, khuyến mãi kèm, dù giá trị không cao. Các đơn vị buôn bán để ý khai thác tâm lý này” – ông nói.

 

Hà Mai