ASEAN quyết xây dựng hiệu quả COC
Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tái khẳng định mục tiêu đạt được một COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.
ASEAN quyết xây dựng hiệu quả COC
Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tái khẳng định mục tiêu đạt được một COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày 28.4, các hội nghị bộ trưởng gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội đồng Cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN (APSC) lần thứ 15 và Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 19 chính thức diễn ra. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn VN.
Về quốc tế và khu vực, các bộ trưởng ASEAN đã cùng ra tuyên bố nêu lập trường chung đối với những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm tình hình nối lại đàm phán tích cực.
Về Biển Đông, các bộ trưởng tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy xây dựng khung Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với mục tiêu đạt được một COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ lo ngại của các nước về các diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có việc tôn tạo các thực thể trên biển và các hoạt động quân sự hoá. Ông cho rằng các nước có trách nhiệm đóng góp cho hoà bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong khu vực; không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng COC có hiệu lực cả về pháp lý lẫn thực tiễn. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng khẳng định ASEAN cần có cách tiếp cận tỉnh táo, cân bằng và nhất quán. “ASEAN cần củng cố nội lực, đoàn kết, tăng cường phối hợp lập trường và xây dựng tiếng nói chung của ASEAN đối với các vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm. Đồng thời, ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm, khuyến khích sự hiện diện và can dự của các nước lớn trong khu vực một cách cân bằng và có tính xây dựng”, ông nói.
Hôm nay 29.4, Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30 sẽ chính thức khai mạc.
Nâng kim ngạch thương mại VN – Malaysia
Ngày 28.4, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và bà Aung San Suu Kyi, trưởng đoàn Myanmar.
Tại buổi gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Najib, hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỉ USD vào năm 2020, hợp tác quân đội hai nước trong việc chống cướp biển, đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, Thủ tướng Malaysia cũng nêu rõ sẽ đảm bảo quá trình tố tụng, xét xử Đoàn Thị Hương diễn ra công bằng và đảm bảo các quyền hợp pháp của công dân VN này.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với bà Aung San Suu Kyi, hai bên nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng như thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp, quốc phòng…
|
Kêu gọi đưa thuế khu vực xuống 0%
Phát biểu tại phiên họp với chủ đề “Thịnh vượng cho tất cả hội nghị cấp cao” trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các cuộc họp liên quan, Thủ tướng Malaysia Najib kêu gọi 10 thành viên ASEAN phải cùng nhau đưa mức thuế khu vực xuống còn 0%, loại bỏ những rào cản và biện pháp phi thuế quan. Theo ông, thách thức lớn nhất là đảm bảo sự thống nhất của từng nền kinh tế riêng lẻ. Đây là điều cần thiết với ASEAN để trở thành thị trường quốc tế tầm cỡ. Để nền kinh tế đạt được con số 9.200 tỉ USD vào năm 2050, ASEAN phải cắt giảm được 20% chi phí thương mại cố định. Bên cạnh đó, ASEAN cần hướng đến việc tạo ra những giải pháp hỗ trợ, như chính sách một cửa phi biên giới, kết nối các quốc gia ASEAN với nhau, bằng cách chuẩn hoá các thủ tục hải quan. “Trên hết, các rào cản phi thuế quan, vốn được xem là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, cần được cắt giảm và dần dần loại bỏ tuyệt đối. Những điều này rất quan trọng bởi nếu không có thành công kinh tế, chúng ta chẳng có gì để san sẻ”, ông Najib nói.
|
Lam Yên (từ Manila)