26/01/2025

ASEAN hướng tới hiệp định thương mại khu vực

ASEAN sẽ ưu tiên thiết lập một hiệp định thương mại tập trung vào châu Á, gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

 

ASEAN hướng tới hiệp định thương mại khu vực

ASEAN sẽ ưu tiên thiết lập một hiệp định thương mại tập trung vào châu Á, gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.



Họp báo tại hội nghị trù bị chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30 /// Lam Yên

Họp báo tại hội nghị trù bị chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30LAM YÊN

Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30 tại Manila, Bộ trưởng Công thương Philippines Ramon Lopez cho biết việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với những chính sách chưa rõ ràng của Tổng thống Donald Trump trong việc bảo hộ mậu dịch đã khiến ASEAN chuyển hướng, tập trung vào Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hơn.
ASEAN lần đầu đưa ra ý tưởng về RCEP vào năm 2012 nhưng thời điểm đó ý tưởng này không được quan tâm lắm vì một số nước trong khu vực vẫn đang chú trọng vào TPP. Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này cũng mất 2/3 tổng GDP của tất cả các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu thể hiện tầm ảnh hưởng của mình tại RCEP, một hiệp định được cho là sự thay thế khả dĩ nhất trong việc hạ thấp thuế trong khu vực đối với các nước châu Á có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Theo Reuters, RCEP sẽ mang ASEAN – cộng đồng thương mại có dân số 620 triệu người – đến gần hơn với 6 quốc gia là Nhật, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trước lo ngại về việc Trung Quốc sẽ đứng đầu và chi phối RCEP, Bộ trưởng Ramon Lopez khẳng định hiệp định này không thể bị “phá hỏng” bởi các nước lớn. “Trung Quốc chỉ là một thành viên của RCEP. Các nước sẽ tìm kiếm những lợi ích chung cho tất cả, không để nghiêng hẳn về bất cứ bên nào”, ông nói.
Dù vậy, theo tờ Nikkei Asian Review, chính sách “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc là một phần trong kế hoạch thiết lập hệ thống giao thương toàn cầu mới mà Trung Quốc là trung tâm và RCEP là một mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch này. Bộ Thương mại Trung Quốc lâu nay vẫn không che giấu mối liên hệ giữa hai chương trình: “Một vành đai, một con đường” có mục đích phát triển hạ tầng kinh doanh và công nghiệp để thúc đẩy thương mại và đầu tư với Trung Quốc; còn RCEP có mục đích tận dụng những hạ tầng mới xây dựng đó thông qua việc phát triển một hành lang thương mại tự do phù hợp với Bắc Kinh. Nếu thành công, hiệp định này sẽ mở cửa cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc tràn vào thị trường các nước láng giềng.
Nhận lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, sáng 28.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã rời Hà Nội, dẫn đầu đoàn đại biểu VN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hội nghị cấp cao liên quan, được tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines từ ngày 28-29.4.
Theo chương trình dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên khai mạc, phiên toàn thể và phiên bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30. Thủ tướng cũng sẽ dự cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện của Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). Trong thời gian này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia ASEAN. Theo TTXVN

Rà soát tiến trình xây dựng COC
Ngày 27.4, các quan chức cấp cao ASEAN (SOM) nhóm họp để bàn thảo công tác chuẩn bị Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30 diễn ra ngày 29.4. Các quan chức đã rà soát hoạt động đối ngoại của ASEAN, trong đó có việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua cho hay ông sẽ không nêu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ đường lưỡi bò ở Biển Đông trong hội nghị lần này. Ông Duterte nhấn mạnh rằng phán quyết được công bố ngày 12.7.2016 là vấn đề giữa Philippines và Trung Quốc. Tổng thống Duterte cho hay ông sẽ tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc nhưng vấn đề phán quyết sẽ được bàn sau.


 

Lam Yên 
(từ Manila)