Giới hữu trách và các chuyên gia nhiều nước phát triển đang rất lo ngại về tình trạng nhiều thanh niên ‘ăn bám’ cha mẹ hoặc trợ cấp của chính phủ.
Xu hướng ‘tầm gửi’ của giới trẻ nhiều nước
Giới hữu trách và các chuyên gia nhiều nước phát triển đang rất lo ngại về tình trạng nhiều thanh niên ‘ăn bám’ cha mẹ hoặc trợ cấp của chính phủ.
Thị trường lao động khắc nghiệt, lương thấp, giá thuê nhà và sinh hoạt phí tăng cao góp phần làm sụt giảm khả năng sống tự lập của thanh niên trong độ tuổi 18 – 34 (thế hệ Y) ở nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada và Singapore.
Một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy Trung Quốc có số người sở hữu nhà thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (chỉ những người đang trong độ tuổi 20 – 35) nhiều hơn 8 quốc gia phát triển và đang phát triển khác.
Bám cha mẹ
NBC News dẫn số liệu mới nhất của Cục Thống kê dân số Mỹ (USCB) cho thấy đối với thế hệ Y, sống chung với cha mẹ là lựa chọn hàng đầu. Cụ thể, USCB ước tính có 22,9 triệu thanh niên độ tuổi 18 – 34 nhất quyết không chịu ra riêng, chiếm 30,4% trong tổng số 75,4 triệu người thuộc thế hệ Y ở Mỹ. Nghiêm trọng hơn là phần lớn không đi học hay làm việc gì cả. Tương tự, theo Cơ quan Thống kê Canada, hiện có đến 42% trong số 4,3 triệu người trong độ tuổi từ 20 – 29 tại nước này vẫn sống chung với cha mẹ. Hơn nữa, có đến 90% con cái trưởng thành không đóng góp tài chính cho gia đình.
Các chuyên gia cảnh báo đây là xu hướng rất đáng lo ngại vì có thể làm lung lay nền tảng vận hành của mô hình gia đình – xã hội bao đời nay ở các nước phương Tây là con cái đến tuổi có thể chịu trách nhiệm pháp lý sẽ ra riêng để tự lập. Chưa hết, tình trạng này còn có thể đe doạ tương lai tài chính của phụ huynh, khiến họ phải từ bỏ những mục tiêu cho giai đoạn hưu trí. Theo tính toán tại Canada, nếu con cái không dọn ra ngoài và cũng không đóng góp chi tiêu thì ngân sách gia đình có thể phát sinh thêm 6.000 CAD (hơn 102 triệu đồng)/năm.
Theo giới quan sát, thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt, chi phí tăng cao, đặc biệt là tiền nhà cộng thêm việc dành quá nhiều thời gian trên mạng khiến thanh niên ngày càng mất ý chí và khả năng tự lập. “Trước đây, bạn có thể tự lập sau khi tốt nghiệp phổ thông, chi phí học đại học và giá thuê nhà cũng không phải là rào cản, nhưng thời nay giá cả mọi thứ đều tăng cao và giới trẻ trở nên nghèo hơn”, NBC News dẫn lời chuyên gia kinh tế Anthony Carnevale thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định.
Theo khảo sát của trang chuyên về bất động sản Abodo, giá thuê nhà ở 15 thành phố lớn tại Mỹ hiện đều vượt quá khả năng của thanh niên. Chẳng hạn như ở Chicago, giá thuê nhà trung bình là 1.012 USD/tháng (gần 23 triệu đồng), bằng 45% thu nhập bình quân của người trẻ. Ngoài tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, họ còn phải đối mặt với khoản nợ sinh viên từ 15.000 USD trở lên (đại học công) hay trên 30.000 USD (trường tư thục). “Thời buổi này rất khó mà tự lập khi còn ngồi trên ghế giảng đường, công việc bán thời gian thì bấp bênh”, Kyle Kaylor, 21 tuổi, chia sẻ. Sau một học kỳ ở đại học Lincoln, bang Illinois, Kaylor đành nghỉ học và dọn về nhà cha mẹ để “chờ thời” không biết đến khi nào.
Trông chờ trợ cấp
Trong khi đó ở Singapore, ngày càng nhiều người trẻ trở nên nghèo hơn và phải sống dựa vào Quỹ trợ cấp ComCare của chính phủ. Tờ The Straits Times dẫn số liệu của Bộ Phát triển xã hội và gia đình Singapore (MSF) cho thấy có đến 5.644 hộ gia đình trẻ (chủ hộ dưới 35 tuổi) đăng ký nhận hỗ trợ từ ComCare trong năm 2015, tăng 40% so với năm 2012. Nhưng quỹ này cũng chỉ hỗ trợ khoảng vài trăm USD mỗi quý cho những hộ từ chuẩn nghèo trở xuống, tức có tổng thu nhập ít hơn 1.900 SGD/tháng (khoảng 31 triệu đồng). Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm dưới 30 tuổi tăng lên mức 5% trong năm ngoái, gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp ở các nhóm tuổi khác. Theo Bộ Nhân lực Singapore, dù chính phủ đã rất nỗ lực nhưng tình trạng người trẻ có thu nhập thấp (dưới 1.000 SGD/tháng) vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Có lẽ nếu không có sự nỗ lực tột cùng của bản thân thì giờ đây chàng diễn viên trẻ ‘xấu lạ’ Mạc Văn Khoa đã ‘đi hái chè ở Đài Loan’ theo diện xuất khẩu lao động chứ không phải thường xuyên mê hoặc khán giả bởi khả năng diễn duyên.
Một trong những lý do dẫn đến ngày càng nhiều thanh niên Singapore thất nghiệp là thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt và hiện phần lớn là những công việc ngắn hạn, bấp bênh. “Nền kinh tế chỉ chú trọng vị trí công việc ngắn hạn khiến giới trẻ còn nghèo hơn. Cứ hễ có một trào lưu thời thượng nào đó nổi lên là rất nhiều bạn trẻ đổ xô vào tìm việc nhưng chỉ được một thời gian thì lại trở nên không còn “gây sốt” nữa và lao động chắc chắn sẽ bị cắt giảm”, chuyên gia Hui Weng Tat thuộc Đại học Quốc gia Singapore cảnh báo.
Mặt khác, một bộ phận thanh niên cũng bị đánh giá là ngày càng thiếu ý chí và chỉ thích “ngồi không hưởng trợ cấp”. Theo The Straits Times, chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên và cũng như các chương trình nâng cao tay nghề cho lao động trẻ nhưng không thu hút được nhiều người tham gia. Gần đây, Bộ Giáo dục nước này thông báo đang xem xét sáp nhập 9 trường cao đẳng vào năm 2019 do thiếu sinh viên.