11/01/2025

Hé lộ những rối loạn thổi bùng căng thẳng Triều Tiên

Những hiểu lầm và tắc trách trong hải trình của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã thổi bùng lo ngại về nguy cơ xung đột tại bán đảo Triều Tiên.

 

Hé lộ những rối loạn thổi bùng căng thẳng Triều Tiên

Những hiểu lầm và tắc trách trong hải trình của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đã thổi bùng lo ngại về nguy cơ xung đột tại bán đảo Triều Tiên.



Tàu USS Carl Vinson tập trận cùng khu trục hạm Samidare của Nhật Bản /// Ảnh: U.S Navy

Tàu USS Carl Vinson tập trận cùng khu trục hạm Samidare của Nhật BảnẢNH: U.S NAVY

Ngày 24.4, tờ Navy Times đăng bài điều tra mới về những sai lầm liên quan đến chiến dịch triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ tại khu vực. Thông qua hàng chục cuộc phỏng vấn giới chức và các nguồn thạo tin, tờ báo chỉ ra nguyên nhân biến một chiến dịch hải quân thông thường trở thành cuộc khủng hoảng thông tin, góp phần khiến tình hình Triều Tiên thêm căng thẳng.
Đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) xây dựng các kế hoạch “chủ động và bền vững” để ứng phó mọi tình huống tại bán đảo Triều Tiên. Sau đó, các sĩ quan tham mưu PACOM đề xuất với Tư lệnh Harry Harris phương án hủy chuyến thăm Úc của tàu USS Carl Vinson để tới vùng biển gần CHDCND Triều Tiên nhằm đáp ứng chỉ đạo của Bộ trưởng Mattis. Cụ thể, nhóm tàu sân bay sẽ cắt ngắn cuộc tập trận bí mật với hải quân Úc ở vùng biển ngoài khơi Indonesia, hủy chuyến ghé cảng Perth của Úc và có mặt ở ngoài khơi Triều Tiên vào cuối tháng 4
Tuy nhiên, việc thay đổi lịch trình của tàu sân bay không đơn giản. Úc đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tàu trong khi gia đình của nhiều thuỷ thủ đã đặt vé máy bay tới nước này để gặp người thân.
Vì thế, PACOM quyết định trước hết phát thông cáo báo chí tuyên bố huỷ chuyến thăm cảng Perth để các gia đình có thể trả vé máy bay đồng thời bắn tin với hải quân Úc là cuộc tập trận vẫn diễn ra như kế hoạch. Bên cạnh đó, nội dung thông cáo cũng “lập lờ” khi viết rằng Tư lệnh Harris đã “ra lệnh cho nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đi về hướng bắc sau khi rời Singapore vào ngày 8.4”. Trong đó, “hướng bắc” hàm ý chỉ Triều Tiên nhằm gửi thông điệp hàm ý răn đe đến Bình Nhưỡng.
Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu chệch hướng khi trong vòng 10 ngày tiếp theo, một loạt phát ngôn sai lầm và cơn sốt của giới truyền thông khiến tình hình vượt tầm kiểm soát. Hàng loạt báo đài vào cuộc đưa tin tàu USS Carl Vinson từ Singapore sẽ thẳng đến Triều Tiên trong khi giới chuyên gia đua nhau phân tích động thái của Mỹ. Đặc biệt, thông tin này xuất hiện ngay sau khi Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ không quân Syria càng khiến dư luận lo ngại rằng “Mỹ sắp đánh Triều Tiên” dù bản thân Tổng thống Donald Trump không hề ra lệnh chuyển hướng tàu. Trong khi đó, USS Carl Vinson và nhóm tàu hộ tống không thật sự theo hướng bắc mà vẫn xuôi về hướng nam để chuẩn bị tập trận với Úc.
Trong những ngày tiếp theo, thay vì cải chính thông tin, các quan chức Mỹ như Cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis lại có những phát ngôn không rõ ràng. Bản thân Tổng thống Trump cũng mập mờ khi phát biểu với Fox News: “Chúng tôi đang triển khai một hạm đội rất mạnh” mà không nói rõ chi tiết lịch trình. “Thật sự sốc khi họ cứ để mặc tình trạng này suốt gần 2 tuần mà không điều chỉnh gì cả”, Navy Times dẫn lời chuyên gia Brian Clark nhận định.
Tình hình căng thẳng đến mức theo các nguồn tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12.4 phải điện đàm với ông Trump để kêu gọi kiềm chế. “Cứ thấy CNN phát đi phát lại vụ Triều Tiên 90 phút/lần là đủ biết sự việc vuột khỏi tầm kiểm soát”, một sĩ quan Mỹ nhận định.
Ngày 17.4, trang tin Defense News khiến tất cả bất ngờ khi đăng các bức ảnh cho thấy tàu USS Carl Vinson vẫn ở vị trí cách bán đảo Triều Tiên hơn 5.600 km. Đến nay, thế giới mới nhận ra rằng tình hình không “nóng” như đã lầm tưởng và rất may mắn là Triều Tiên cũng kiềm chế, không có động thái phủ đầu nào trong những ngày trước đó. Tuy nhiên, vẫn có hậu quả khi dư luận và phe đối lập Hàn Quốc quay sang chỉ trích chính quyền Mỹ “thổi phồng và dối trá không khác gì miền Bắc”, theo Navy Times. Mãi đến hôm qua 24.4, nhóm tàu USS Carl Vinson mới bắt đầu di chuyển vào vùng biển bán đảo Triều Tiên và có thể sẽ tập trận với Lực lượng phòng vệ Nhật cũng như hải quân Hàn Quốc.
Trước phản ứng của dư luận, Lầu Năm Góc và PACOM thừa nhận đáng lẽ phải nỗ lực hơn để ngăn chặn câu chuyện vượt tầm kiểm soát. “Theo tôi, chúng ta không nên thông báo huỷ chuyến thăm Úc sớm như vậy”, một quan chức giấu tên nói.
Ngày 24.4, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, chỉ trích việc triển khai tàu USS Carl Vinson là “hăm dọa quân sự rõ ràng” và cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ “xoá sổ” Mỹ nếu nước này khơi mào chiến tranh. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Reuters dẫn lời ông Trump chỉ trích Triều Tiên “hung hăng và gây bất ổn” còn ông Tập tiếp tục kêu gọi kiềm chế. Trong khi đó, Thủ tướng Abe cho hay ông và Tổng thống Trump nhất trí rằng Trung Quốc cần đóng vai trò lớn hơn trong việc xử lý chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
Văn Khoa

 

Thuỵ Miên