29/11/2024

Bầu cử tổng thống Pháp: Nỗ lực vận động cử tri đến giờ chót

Kết quả thăm dò cho thấy khoảng cách giữa các ứng viên sáng giá nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 rất sít sao, vì vậy tất cả ứng viên đều dồn sức để thu hút sự ủng hộ đến phút chót.

 

Bầu cử tổng thống Pháp: Nỗ lực vận động cử tri đến giờ chót

Kết quả thăm dò cho thấy khoảng cách giữa các ứng viên sáng giá nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 rất sít sao, vì vậy tất cả ứng viên đều dồn sức để thu hút sự ủng hộ đến phút chót.


 

Chiều 21.4, tức ngày cuối cùng các ứng viên được quyền vận động cử tri, PV Thanh Niên đến đường Daguerre ở quận 14 của thủ đô Paris. Đây là phố đi bộ nhộn nhịp nhất của quận này. Ngay từ lối vào đã thấy Jeanne và Pierre đứng đó, trên tay là xấp tờ rơi và chương trình tranh cử của ông Emmanuel Macron, đại diện phong trào chính trị Tiến lên (EM). Ông Macron đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số 11 ứng viên (24,5%).

Cả hai rất xông xáo, thấy ai đi ngang cũng chìa tài liệu ra, tươi cười hỏi: “Bạn đã quyết định bỏ phiếu cho ai chưa? Mời bạn xem thêm về chương trình của ứng viên Macron”. Jeanne giải thích: “Những ngày qua, chúng tôi cố gắng tiếp xúc thật nhiều người, trò chuyện, tranh luận để những người còn hoài nghi có thể hiểu hơn về cương lĩnh của ông Macron. Chúng tôi không ngại đến các khu chung cư, gõ cửa từng nhà để trao tài liệu, để gặp gỡ”.

Các thành viên của Tiến lên không phải là những “nhà vận động giờ chót” duy nhất ở khu Daguerre. Một nhóm những người ủng hộ ứng viên của đảng Xã hội cũng có mặt và cũng phát tờ rơi rất nhiệt tình. Ông Benoît Hamon của đảng Xã hội có số điểm đáng thất vọng trong các thăm dò nhưng với họ, còn nước còn tát, được thêm phiếu nào hay phiếu đó.

Bầu cử tổng thống Pháp: Nỗ lực vận động cử tri đến giờ chót - ảnh 1

Thành viên phong trào EM của ứng viên Emmanuel Macron vận động cử tri tại khu Daguerre của quận 14, ParisLAN CHI

Nỗ lực vận động của các ứng viên một phần còn vì tỷ lệ người bỏ phiếu trắng tại kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm nay được dự đoán sẽ rất cao, có thể lên đến 35%, theo thăm dò ngày 7.4 của Viện Ifop. Những diễn biến liên tiếp từ khoảng 1 năm qua, khiến nhiều cử tri nước này không còn biết chọn ai.

Truyền thống chính trị lâu nay tại Pháp luôn chia thành 2 phía rõ nét là cánh tả và cánh hữu, với 2 đảng lớn nhất là đảng Xã hội (tả) và đảng LR (hữu). Nhưng cả hai đảng này, qua nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy (đảng UMP, tiền thân của LR, 2007-2012) và Tổng thống François Hollande (đảng Xã hội, từ 2012) đã khiến nhiều người Pháp thất vọng vì chưa thể giúp nền kinh tế thật sự khởi sắc sau những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ngoài ra, ứng viên vốn từng được đánh giá có khả năng đắc cử rất cao là cựu Thủ tướng Pháp François Fillon (đảng Những người Cộng hoà, LR) thì những tháng qua bị giảm uy tín nghiêm trọng vì nghi án tuyển dụng khống vợ con. Những yếu tố trên là cơ hội để ông Macron và bà Marine Le Pen – Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) – trở thành những người dẫn đầu. Bà Le Pen chính là người có tỷ lệ ủng hộ cao thứ hai trong số 11 ứng viên (23%).

Bầu cử tổng thống Pháp: Nỗ lực vận động cử tri đến giờ chót - ảnh 2

 
 

 

Lan Chi 
(từ Paris)