02/11/2024

Thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia giảm mạnh

Sau 20 ngày đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH, lượng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia bất ngờ giảm mạnh so với dự kiến.

 

Thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia giảm mạnh

Sau 20 ngày đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển ĐH, lượng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia bất ngờ giảm mạnh so với dự kiến.

 

 

 

Thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia giảm mạnh
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM) nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm 2017 ngày cuối cùng, vào sáng 20-4 – Ảnh: Như Hùng

Tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH tăng hơn trước, từ dưới 70% năm 2016 lên đến 75% trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay lại giảm so với mức dự kiến mà Bộ GD-ĐT đưa ra ban đầu.

Thí sinh tự do giảm

Cụ thể, bộ dự kiến năm 2017 sẽ có 955.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, nhưng thực tế số liệu cập nhật đến 17h ngày 20-4 cho thấy tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ ở mức 860.000.

Việc cập nhật dữ liệu sẽ còn tiếp tục, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, số thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia năm nay cuối cùng cũng sẽ rất khó chạm mốc 900.000, thấp hơn nhiều so với dự liệu trước đó của Bộ GD-ĐT.

Tại sao lại có sự thay đổi bất ngờ này? Theo một số sở GD-ĐT, số thí sinh đăng ký dự thi giảm không nằm ở học sinh đang học lớp 12, mà chủ yếu ở nhóm thí sinh tự do.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận số thí sinh dự thi giảm chủ yếu nằm ở nhóm thí sinh tự do.

Ông Ga cho biết năm 2016, tỉ lệ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 92-93%. Thông thường, số thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp năm 2016 sẽ dự thi năm nay để được xét tốt nghiệp THPT, nên Bộ GD-ĐT dự kiến tổng số thí sinh tự do năm nay phải đạt trên 15%. Tuy nhiên, theo thống kê hiện tại, số thí sinh tự do năm nay chỉ đạt khoảng 9%, nên kéo tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia giảm mạnh.

“Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông không cần trình độ tốt nghiệp THPT. Vì vậy, số liệu này chứng tỏ có một phần thí sinh tự do, chưa đỗ tốt nghiệp các năm trước nhưng đã chọn việc làm phù hợp, nên không có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp nữa. Hoặc cũng có thể các em đã chuyển hướng để học nghề” – ông Ga phân tích.

Theo ông Ga, dự báo tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ đạt khoảng 870.000 – 880.000 thí sinh, giảm đến 70.000 – 80.000 thí sinh so với dự kiến ban đầu.

Số lượng nguyện vọng tăng vọt

Thống kê chung cho thấy với hơn 2 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH năm nay, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 4-5 nguyện vọng. Tuy nhiên, vẫn có đến hơn 80.000 thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng 1 mà không sử dụng đến nguyện vọng 2. Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện thí sinh đăng ký đến 20-30 nguyện vọng khác nhau vào các ngành, trường.

Nếu xét theo trường ĐH độc lập, Trường ĐH Cần Thơ dẫn đầu với trên 95.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Còn nếu xét theo danh sách các trường gồm có các ĐH quốc gia, ĐH vùng (gồm nhiều trường, khoa thành viên) thì ĐHQG TP.HCM dẫn đầu danh sách với hơn 110.000 nguyện vọng đăng ký, tiếp theo là Trường ĐH Cần Thơ, ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội…

Trong danh sách 16 ĐH, trường ĐH có số lượng nguyện vọng xét tuyển lớn nhất mà Bộ GD-ĐT thống kê, phần đông là các trường ĐH đa ngành.

Với trường ĐH đơn ngành, nhóm trường kinh tế áp đảo với sự xuất hiện của một loạt tên tuổi như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Học viện Tài chính… Trong 16 trường tốp đầu này, cũng có sự xuất hiện của một trường khối ngành nông lâm là Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có hơn 52.000 nguyện vọng đăng ký, tăng vọt gấp 5 lần so với các năm trước. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho rằng dù lượng nguyện vọng đăng ký vào trường lớn, nhưng đến thời điểm này trường không thể xác định cụ thể số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường là bao nhiêu.

Ông Điền dẫn chứng năm 2016 với tổng cộng gần 50.000 chỉ tiêu, 12 trường ĐH nhóm GX (đều là các trường ĐH lớn phía Bắc) chỉ tiếp nhận 72.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, với 175.000 nguyện vọng vào các trường này. Tuy nhiên năm 2017, chỉ tính số lượng đăng ký nguyện vọng vào ba trường ĐH trong nhóm này là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì số nguyện vọng đăng ký đã cao hơn tổng số nguyện vọng đăng ký vào 12 trường năm 2016.

Ông Điền dự đoán số thí sinh xét tuyển vào trường đông hơn năm trước, nhưng không thể có sự đột biến về thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, mà chủ yếu do quy chế năm nay cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển.

Trường nhiều hay ít nguyện vọng đều lo

Ông Bùi Văn Ga cho rằng số lượng nguyện vọng cao phần nào thể hiện uy tín của trường, biểu hiện qua những thông số cụ thể về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, có nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và là những trường nổi bật của từng vùng địa lý.

Theo ông Ga, phần đông các trường có nguyện vọng xét tuyển lớn là trường đa ngành, còn nếu là trường đơn ngành thì cũng là những trường có thương hiệu mạnh.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một trường trong nhóm các trường có nguyện vọng xét tuyển cao lại bất ngờ chia sẻ “không muốn lọt vào tốp trên”, vì sợ thí sinh có tâm lý e ngại tỉ lệ chọi cao, khó đỗ, nên thay đổi thứ tự đăng ký.

“Trong khi thực tế, tỉ lệ ảo trong số nguyện vọng này rất lớn. Trường tôi chỉ có 9 ngành với 3 tổ hợp xét tuyển, số lựa chọn tối đa nguyện vọng của thí sinh không nhiều. Với trường càng chia nhỏ chuyên ngành đào tạo, sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho các ngành thì tỉ lệ ảo sẽ càng lớn” – vị đại diện trường này chia sẻ.

Thực tế, dù số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều vẫn chủ yếu tập trung ở trường có uy tín, nhưng vẫn không phải là thông số quyết định để phản ánh giá trị tuyệt đối về thương hiệu và chất lượng tuyển sinh của trường. Trong tốp 20 trường ĐH có số nguyện vọng đăng ký cao nhất, hoàn toàn vắng bóng những trường ĐH luôn dẫn đầu về điểm chuẩn như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP.HCM… Trên thực tế chỉ có khoảng 20 trường ĐH có từ 30.000 nguyện vọng đăng ký trở lên.

Trong khi có trường tiếp nhận hàng trăm nghìn nguyện vọng đăng ký thì nhiều trường số lượng nguyện vọng lại vô cùng hạn chế. Theo ông Ga, có khoảng 100 đơn vị có số lượng nguyện vọng đăng ký dưới 500.

Thậm chí, thống kê ngày 20-4 cho thấy có khoảng 30 đơn vị đào tạo chỉ tiếp nhận dưới 100 nguyện vọng đăng ký cho tất cả các ngành. Trong đó, có trường tổng số nguyện vọng rất thấp, chỉ đạt 30-40 nguyện vọng, nhưng số thí sinh chọn nguyện vọng vào trường còn thê thảm hơn nữa, chỉ đạt dưới… 10 nguyện vọng!

Đại diện một trường ở nhóm cuối danh sách nói trên không giấu nổi lo lắng khi chỉ tiêu vào trường là 700-800 mà số nguyện vọng chỉ đạt 1/10 so với chỉ tiêu và nếu tính số thí sinh thì còn thấp hơn (do được chọn nhiều nguyện vọng). “Chỉ còn cách duy nhất là chờ xét tuyển bằng học bạ. Nhưng có lẽ số này cũng không nhiều” – lãnh đạo một trường ĐH dân lập chia sẻ.

Bài thi khoa học xã hội áp đảo

Thống kê của Bộ GD-ĐT đến 17h ngày 20-4 cho thấy số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội vẫn áp đảo (với 49% thí sinh) so với số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (37%). Ngoài ra, có hơn 8% thí sinh chọn thi cả hai bài.

Trong hơn 620.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH được nhập lên hệ thống, số lượng các nguyện vọng (NV) xét tuyển cụ thể như sau: NV1: 620.260 (100%), NV2: 537.054 (86,59%), NV3: 433.612 (69,91%), NV4: 312.035 (50,31%),NV5: 214.288 (34,55%), NV còn lại: 368.320 (59,38%).

NGỌC HÀ