12/01/2025

Duyên lành làm bạn cùng trẻ con

Anh tự nhận dù đã tư vấn tâm lý cho không biết bao nhiêu khách hàng lớn tuổi nhưng cái duyên của anh phải là chơi với con nít, làm bạn cùng trẻ con.

 

Duyên lành làm bạn cùng trẻ con

 Anh tự nhận dù đã tư vấn tâm lý cho không biết bao nhiêu khách hàng lớn tuổi nhưng cái duyên của anh phải là chơi với con nít, làm bạn cùng trẻ con.

 

 

 

Duyên lành làm bạn cùng trẻ con
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ với học trò một số tư thế chống trả kẻ xấu trong tình huống khẩn cấp – Ảnh: N.Lâm

Đừng nghĩ trẻ còn nhỏ mà nói quá kỹ về giới tính, về các bộ phận của cơ thể sẽ như vẽ đường cho hươu chạy, là dạy trẻ tò mò mà hãy xem đó là biện pháp giúp mỗi gia đình bảo vệ con em mình tốt hơn

Thạc sĩ tâm lý LÊ MINH HUÂN

Cái tên Lê Minh Huân đã trở nên khá thân quen và đắt sô trong các chuyên đề dạy kỹ năng sống cho trẻ em, gần đây là những buổi chia sẻ về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh.

Thạc sĩ nuôi lớn từ rau

Anh tự nhận tuổi thơ của mình khá yên bình, có chăng chỉ là vất vả con đường đi học như bất cứ đứa nhỏ vùng quê nghèo nào.

Nhà ở trong sâu, đường đến trường là hành trình băng qua cánh rừng tràm đến đồi cát, qua tiếp một trảng nước rồi lại vượt một thung lũng nhỏ. Mỗi ngày hai chặng đi về như thế chỉ có cuốc bộ. Hôm nào trời nắng quần áo kịp hanh khô, hôm nào mùa mưa thì vừa ngồi học nước vừa nhỏ tong tong dưới chân.

 

Đặt chân xuống Sài Gòn với bao gạo mang từ quê, bắt đầu cho hành trình làm sinh viên, chở theo nỗi nhọc nhằn của mẹ. Đến chiếc xe đạp thời sinh viên cũng nhờ người ta thương tình cho lại. Mẹ nghèo, không có tiền gửi cho con mỗi tháng, nên lâu lâu Huân lại ra bến xe nhận một bao hàng.

Trong đó có mấy nải chuối, quả bầu, mớ rau, củ khoai là sản vật mẹ gom từ chính mảnh vườn ở quê gửi cậu con sinh viên xa nhà. Mà lần nào nhìn mảnh giấy mẹ viết những thứ gửi vào vì sợ bị thất lạc, cậu lại khóc.

Đi làm thêm, hoàn thành đại học rồi xong thạc sĩ, Lê Minh Huân nói vui mình là thạc sĩ được nuôi lớn từ rau vì làm gì có tiền ăn thịt, ăn cá. Suốt thời đi học, hôm nào sang lắm mới dám bỏ ra 2.000 đồng mua quả trứng vịt hoặc mớ rau, rửa sạch rồi bỏ chung vào nồi cơm điện là coi như xong bữa.

Ăn rau miết nên giờ cậu ấy ăn chay trường luôn rồi, có khi thấy thịt lại… sợ!

Giúp trẻ biết bảo vệ mình

* Từ khi nào anh chọn gắn bó với trẻ em, lại là trẻ đặc biệt?

– Tôi có dịp tiếp xúc nhiều với trẻ trong những hoạt động cộng đồng thời sinh viên, rồi lại được thầy cô giới thiệu làm tham vấn tâm lý học đường.

Duyên may đưa tôi đến với trẻ con là khi làm việc ở một đơn vị có nhiều phụ huynh đưa con là những trẻ đặc biệt (trẻ bị tăng động, rối loạn hành vi, chậm phát triển) đến điều trị tâm lý.

Tôi nhớ mãi cô bé 3 tuổi bị trầm cảm. Lý do khi mẹ có thêm em đã ít dành thời gian cho cô bé, lại gặp một người hàng xóm cứ chọc ghẹo “mẹ có em rồi mày ra rìa nha con”. Câu nói tưởng vô hại đó lặp đi lặp lại in hằn vào tâm trí bé.

Ba mẹ không có thời gian bên con nhiều, cô bé cứ im lặng và rồi đến một ngày cô bé ấy bị câm đột ngột, không giao tiếp nữa. Tôi chơi với em một tháng liên tục, ngày nào cũng trò chuyện, chơi các trò chơi gợi mở cảm xúc, giao tiếp. Rồi cô bé mấp máy môi, bắt đầu tập nói trở lại.

Hiện tôi vẫn đến với nhóm trẻ đặc biệt này mỗi tối, tới mấy chục trẻ. Có khi bị các bé ném đồ vật vào mặt, cào cấu chảy máu, thậm chí cả vệ sinh lên người vì phần lớn các bé đều rối loạn, không tự làm chủ hành vi của mình được.

Những đứa trẻ dạng này trong xã hội bây giờ không ít đâu. Mà nỗi đau của cha mẹ có con rơi vào hoàn cảnh ấy lớn hơn nỗi vất vả của chúng tôi rất nhiều nên ngày qua ngày chúng tôi càng phải cố gắng.

* Khi câu chuyện phòng chống xâm hại tình dục đang là chủ đề nóng, anh chia sẻ gì với trẻ?

– Thực ra hai năm nay tôi đã có nhiều buổi chia sẻ về chủ đề này. Nhiều nhất dành cho học sinh tiểu học rồi mới đến học sinh THCS. Tôi rất bất ngờ khi có vị hiệu trưởng nói thẳng thấy chữ phòng chống xâm hại tình dục nghe phản cảm, phải xảy ra rồi mới chống, trong khi trường họ không có học sinh nào bị vậy.

Thế nhưng chỉ một trò chơi nhỏ, tôi mời các em nhắm mắt lại và em nào từng bị xâm hại đưa tay lên. Những cánh tay rụt rè đưa lên, có em đưa lên thật nhanh và rụt lại liền.

Từ những ca tư vấn đã làm, tôi chia sẻ chỉ để mong các em nhận diện được đâu là những bộ phận riêng tư trên cơ thể mà các em tuyệt đối phải bảo vệ, không được cho người lạ đụng vào.

Vì có khi các em bị sờ mó, đụng chạm, thậm chí chỉ là lời chọc ghẹo với các bộ phận riêng tư (chứ chưa nói đến vùng kín hay nhạy cảm) trên cơ thể đã bị coi là xâm hại mà chính các em không biết.

Tôi cố gắng giúp các em biết hành động nào của cha mẹ, người ruột thịt là cử chỉ yêu thương và được phép, hành động nào của người lạ tuyệt đối không được phép. Chỉ mong khi biết rồi mỗi bạn nhỏ sẽ cảnh giác để tự bảo vệ mình. Đừng nghĩ chỉ có con gái, con trai cũng là đối tượng bị xâm hại không ít đâu.

Trẻ làm gì để tự bảo vệ mình?

Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, khi gặp tình huống có thể bị xâm hại phải hét lớn, phải la lên cháy cháy hay nước sôi để gây sự chú ý với người khác, quan sát nhanh để bỏ chạy tới nơi an toàn hơn như vào một nhà dân gần nhất.

Phải kể lại với cha mẹ ngay về nhận dạng, hành vi của kẻ xấu mà con đã gặp vì như thế sẽ tăng thêm biện pháp phòng ngừa. “Còn trong tình huống khó lòng thoát, phải biết tấn công lại kẻ xấu bằng một số tư thế trẻ có thể làm được vào các điểm yếu của kẻ xấu” – thạc sĩ Huân nói.

QUỐC LINH