29/11/2024

Canh bạc của nữ thủ tướng Anh

Với 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống, tối 19-4 (giờ Anh), Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Theresa May tổ chức tổng tuyển cử sớm trên toàn quốc vào ngày 8-6 tới.

 

Canh bạc của nữ thủ tướng Anh

Với 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống, tối 19-4 (giờ Anh), Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Theresa May tổ chức tổng tuyển cử sớm trên toàn quốc vào ngày 8-6 tới.

 

 

 

Canh bạc của nữ thủ tướng Anh
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu bên ngoài Phủ thủ tướng, tuyên bố ý định tổng tuyển cử trước thời hạn – Ảnh: Reuters​

Đây có thể xem là canh bạc mà nữ thủ tướng Anh đang đánh cược, hoặc bà sẽ ở lại cầm quyền cho tới hết năm 2022, hoặc sẽ phải ra đi sau ngày bầu cử. Lựa chọn của bà May gây bất ngờ cho nhiều người vì bà từng nhiều lần khẳng định sẽ không tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Quốc hội chia rẽ

Bà May là lãnh đạo của Đảng Bảo thủ – đảng đang chiếm đa số tại Hạ viện (330/650 ghế). Đối thủ chính của Đảng Bảo thủ là Công Đảng, do ông Jeremy Corbyn đứng đầu.

Ngày 18-4, phát biểu bên ngoài Phủ thủ tướng tại số 10 phố Downing, Thủ tướng May nhấn mạnh tổng tuyển cử sớm là cách duy nhất để chấm dứt những chia rẽ nghiêm trọng trong Quốc hội, trực tiếp là Hạ viện xung quanh chuyện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

 

Vài giờ trước khi bỏ phiếu tại Hạ viện, bà May tiếp tục nhắc lại quyết tâm tổng tuyển cử trước thời hạn, khẳng định đó là sự đảm bảo tốt nhất cho một tương lai ổn định và chắc chắn: “Ngày hôm nay, chúng ta đối mặt với một câu hỏi khó khăn: làm thế nào để đảm bảo tốt nhất sự ổn định và chắc chắn, điều mà chúng ta cần trong suốt một thời gian dài sắp tới để bảo đảm rằng chúng ta sẽ có thể đạt được những điều tốt cho nước Anh trong suốt quá trình đàm phán Brexit, để tận dụng tối đa những cơ hội phía trước?

 

Và tôi đi đến kết luận rằng câu trả lời tốt nhất chính là một cuộc tổng tuyển cử, ngay tại thời điểm này, trước khi quá trình đàm phán bắt đầu. Đó là cách tốt nhất để tăng cường sức mạnh của nước Anh trên bàn đàm phán”.

Trên thực tế, Hạ viện Anh, cơ quan quyền lực nhất tại Quốc hội lưỡng viện, đang bị chia rẽ bởi sự đối đầu giữa Đảng Bảo thủ và Công Đảng.

Trong khi lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn nói người dân đừng nên tin bà May và Đảng Bảo thủ, rằng họ đã thất hứa về nhiều chuyện thì bà thủ tướng lại lên tiếng chỉ trích, nói Công Đảng sẽ “làm phá sản nước Anh” và rằng chỉ có Đảng Bảo thủ mới đủ sức lãnh đạo đất nước trong tiến trình Brexit.

“Thay vì đoàn kết, Westminster (nơi đặt Quốc hội Anh – PV) đang chứng kiến sự chia rẽ. Đất nước đang đoàn kết nhưng Quốc hội thì không. Quý vị biết điểm chung của lãnh đạo các đảng như Công Đảng, Đảng Dân chủ tự do và người Scotland là gì không? Họ muốn đoàn kết lại để chia rẽ đất nước này và chúng ta sẽ không cho phép họ toại nguyện” – BBC dẫn lời bà May.

Tại sao lại bầu cử sớm?

Đây là câu hỏi đã được đặt ra xung quanh quyết định bất ngờ của Thủ tướng May, người từng lặp đi lặp lại sẽ không bao giờ tổng tuyển cử trước thời hạn kể từ khi tiếp quản chức vụ từ ông David Cameron tháng 7-2016.

Nếu đúng theo lộ trình, đến năm 2020 nước Anh mới tổ chức tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, để đến năm 2020 mới bầu cử là một quyết định quá mạo hiểm bởi một năm trước đó, 2019, Anh sẽ phải rời khỏi Liên minh châu Âu.

Ai mà biết được quá trình Brexit sẽ như thế nào vào thời điểm đó, liệu đó là cú hích để bà May tiếp tục dẫn dắt đất nước thêm 5 năm nữa hay sẽ là thảm hoạ nhấn chìm Đảng Bảo thủ?

Tuy nhiên, nếu Đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới, bà May – với tư cách là lãnh đạo của Đảng Bảo thủ – sẽ nắm ghế thủ tướng Anh đến năm 2022.

Điều này cho phép chính phủ của bà có thể bao quát được toàn bộ quá trình đàm phán Brexit từ đây đến năm 2019 và có thêm ít nhất 2 năm để đàm phán các thoả thuận thương mại song phương với EU hậu Brexit.

Chính quyền bà May đã kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisbon vào ngày 29-3 và tỏ ra tự tin sẽ hoàn tất quá trình đàm phán rời EU trong vòng 2 năm tới. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy Đảng Bảo thủ đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn so với Công Đảng, với 36,9% so với 30,4%.

Quốc hội Anh gồm hai viện: Viện Quý tộc (Thượng viện) và Viện Thứ dân (Hạ viện). Trước năm 2009, Viện Quý tộc nắm giữ cả quyền lực tư pháp tối cao, quyết định của Viện Quý tộc là quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, kể từ tháng 10-2009, quyền tư pháp được trao cho Toà án tối cao Anh. Thành viên của Viện Quý tộc gồm: quý tộc thế tục, chức sắc tôn giáo và quý tộc không thế tục (do thủ tướng bổ nhiệm).

Trong khi đó, khác với Viện Quý tộc, Viện Thứ dân gồm những nghị sĩ trực tiếp do người dân bầu ra.

Tại Anh, cụm từ “tổng tuyển cử” là để ám chỉ cuộc bầu cử ở Hạ viện mỗi 5 năm một lần. Đảng nào giành chiến thắng đa số sẽ có quyền lập chính phủ. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May là đảng chiếm đa số trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

“Có vẻ dễ thở”

Trao đổi với BBC, giáo sư Patrick Sturgis, người từng đứng đầu Hội đồng bầu cử Anh năm 2015, cảnh báo các lá phiếu khảo sát thường không mang tính đại diện cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Điều này là có cơ sở khi các cuộc khảo sát trước khi người dân Anh bỏ phiếu có rời EU hay không đều cho thấy phần lớn người dân sẽ muốn ở lại EU và kết quả cuối cùng thì ngược lại.

Nhưng theo GS Sturgis, cuộc bầu cử lần này có vẻ “dễ thở và không cạnh tranh cho lắm”, và nếu các cuộc thăm dò lần này được tiến hành chính xác hơn, “Đảng Bảo thủ có thể giành chiến thắng và dẫn trước Công Đảng từ 15 – 20% số phiếu”.

DUY LINH